Thị trường chứng khoán khởi sắc nhờ nhiều dòng tiền hỗ trợ - Ảnh: AI vẽ
Trong phiên giao dịch sáng 10-7, VN-Index tiếp tục giữ vững đà tăng, cộng thêm hơn 11 điểm lên mức 1.442 điểm.
Thanh khoản giảm so với cùng thời điểm sáng qua, nhưng vẫn đạt xấp xỉ mức trung bình 5 phiên, cho thấy hoạt động mua bán chủ động vẫn khá cân bằng.
Cổ phiếu Vingroup kéo thị trường chứng khoán
Động lực tăng điểm lớn nhất đến từ nhóm cổ phiếu "họ" Vingroup khi các mã này đồng loạt bứt phá cả về giá, thanh khoản lẫn lực mua chủ động.
Trong đó bốn cổ phiếu VHM, VIC, VRE và VPL đóng góp tới 9,2 điểm trong tổng mức tăng 11 điểm của chỉ số phiên sáng. Riêng mã VIC của Vingroup (+6,95%) giữ nguyên sắc tím cho đến khi kết thúc giao dịch.
Phiên chiều, khối ngoại mua ròng tích cực hơn, đặc biệt ở nhóm chứng khoán và ngân hàng. Trong đó khối ngoại mua ròng SSI (567 tỉ đồng), VPB (156 tỉ đồng), SHB (145 tỉ đồng), HDB (93 tỉ đồng), VRE (88 tỉ đồng), VCB (81 tỉ đồng)…
Ngược lại khối này bán ròng rất mạnh mã HPG của Hòa Phát (-372 tỉ đồng), CTG (-54 tỉ đồng), VCG (-43 tỉ đồng), FRT (-42 tỉ đồng)…
Sau 5 phiên liên tiếp mua ròng toàn thị trường ở mức trên nghìn tỉ, hôm nay khối này tiếp tục xu hướng nhưng với mức thấp hơn (+976 tỉ đồng). Lũy kế từ đầu năm đến thời điểm này, khối này chỉ còn bán ròng hơn 30.000 tỉ đồng.
Sự "chững" lại của nhóm nhà đầu tư ngoại đồng pha với trong nước, khi tổng thanh khoản trên cả ba sàn hôm nay chưa tới 30.500 tỉ đồng, giảm đáng kể so với mức hơn 41.000 tỉ đồng phiên liền trước.
Trong khi HNX-Index (-0,08%) và UPCoM-Index (-0,21%) đều chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, VN-Index với sự trợ lực từ nhóm cổ phiếu Vingroup vẫn tăng hơn 14 điểm, lên mốc 1.445 điểm. Đáng chú ý, VN30 đóng phiên cao nhất lịch sử, đạt mức 1.569 điểm.
Diễn biến chỉ số chính của thị trường chứng khoán khá đồng pha so với quốc tế. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên 9-7 dù ông Trump công bố thêm thuế quan với 7 quốc gia. Còn đồng USD suy yếu, giá dầu WTI giảm do tồn kho tại Mỹ tăng bất ngờ.
Nhóm cổ phiếu nào được quan tâm cuối năm?
Trước đó, biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang chia rẽ về mức độ ảnh hưởng của thuế quan đến lạm phát. Một số cho rằng chỉ là tác động một lần, trong khi đa số lo ngại lạm phát có thể dai dẳng hơn.
Fed vẫn giữ nguyên lãi suất lần thứ tư liên tiếp ở mức 4,25-4,5%, dù áp lực từ Tổng thống Trump yêu cầu giảm lãi suất ngày càng tăng. Dù vậy nhiều thành viên vẫn nghiêng về khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay, với dữ liệu CPI tháng 6 công bố ngày 15-7 sẽ là tín hiệu quan trọng tiếp theo.
Phòng phân tích và chiến lược thị trường Chứng khoán ACB (ACBS Research) cũng vừa đưa ra báo cáo chiến lược cho nửa cuối năm nay.
ACBS Research cho biết họ sẽ tập trung vào chiến lược đầu tư ưu tiên sự ổn định trong bối cảnh nhiều bất định.
"Chúng tôi vẫn quan ngại khả năng đạt mức tăng trưởng GDP cao trong 6 tháng cuối năm, do những thông tin liên tục thay đổi của thuế quan sẽ tác động tới không chỉ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, mà cả cấu trúc của nền kinh tế hiện tại", ACBS Research nhận định.
Tuy nhiên họ vẫn cho rằng môi trường lãi suất ổn định và thanh khoản được hỗ trợ từ cả trong nước và dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ là những chất xúc tác tích cực hỗ trợ đà tăng của VN-Index.
Theo đó danh mục cổ phiếu các nhóm ngành ACBS Research tập trung gồm ngân hàng, tiêu dùng, đầu tư công, công nghệ, hóa chất - phân bón và bất động sản dân dụng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chung-khoan-lai-tang-manh-co-phieu-cua-ti-phu-pham-nhat-vuong-tim-tran-20250710152436458.htm
Bình luận (0)