Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chùa Cù Là - di tích văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer

Ở tận cuối phương Nam, nơi những nếp nhà giản dị nép mình bên dòng kênh uốn lượn, có một ngôi chùa cổ kính mang tên Chùa Cù Là (xã Châu Thành, tỉnh An Giang). Không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo, ngôi chùa còn là “trái tim” trong đời sống tâm linh, nơi lưu giữ trọn vẹn bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Từng đường nét chạm khắc trên mái vòm, từng bức tường gạch ở chùa đều mang trong mình câu chuyện về một nền văn minh.

Báo Long AnBáo Long An11/07/2025


26_770_chu-cu-la.jpg

Chùa Cù Là

Chùa Cù Là cũ đã tồn tại hơn 4 thế kỷ, không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Khmer, mà còn là “tượng đài”, chứng tích của một thời kỳ lịch sử đầy thăng trầm. Bước vào khuôn viên chùa, du khách bắt gặp một công trình đặc biệt - Bảo tàng Văn hóa Khmer. Không quá đồ sộ nhưng mỗi hiện vật nơi đây đều mang linh hồn của một nền văn hóa lâu đời: từ kinh Phật viết bằng lá buông, nhạc cụ ngũ âm, tượng Phật cổ, đến trang phục và ảnh tư liệu quý giá. Đó là nơi để thế hệ trẻ hiểu hơn, yêu hơn những giá trị văn hóa đang dần mai một. Nhưng có lẽ, nơi khiến những ai đến đây cũng phải bồi hồi xúc động đó là Tháp tưởng niệm 4 vị hòa thượng liệt sĩ.

26_229_thap-tuong-niem-bon-vi-su.jpg

Tháp tưởng niệm 4 vị sư

Ngày 10/6/1974, trong một cuộc biểu tình ôn hòa phản đối áp bức, 4 vị hòa thượng người Khmer: Lâm Hùng, Danh Tấp, Danh Hom và Danh Hoi đã ngã xuống nơi đây. Máu của các ngài hòa vào đất chùa, trở thành minh chứng cho tinh thần yêu nước bất khuất và khát vọng tự do của một dân tộc hiền hòa. Trong tiếng gió biển xào xạc thổi về trên những tàn cây sao, dầu, thốt nốt trong sân chùa, tiếng kinh đều đều giữa buổi trưa yên ả, diễn biến cuộc đấu tranh bi hùng ngày ấy được các sư kể lại: Vào những năm 1970(*), chính quyền Sài Gòn phát lệnh Tổng động viên và bắt sư, sãi, chư tăng đi lính. Tỉnh ủy Rạch Giá đã vận động sư, sãi, đồng bào Khmer, kêu gọi binh lính bỏ ngũ, chống lại lệnh Tổng động viên, bắt lính đôn quân, bắn phá chùa chiền của chính quyền Mỹ - Ngụy.

Ngày 05/6/1974, hơn 200 đồng bào và hơn 200 sư, sãi ở các chùa KhLang Ong, KhLang Mương, Cù Là cũ, Cù Là mới dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và cán bộ Khmer đã kéo đến trụ sở Hội đồng xã Minh Hòa (nay là xã Châu Thành) để gặp tên xã trưởng, yêu cầu thả các vị sư đã bị bắt nhưng không được giải quyết.

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 10/6/1974, các vị sư Lâm Hùng, Danh Tấp, Danh Hom, Danh Hoi dẫn đầu đoàn biểu tình với hơn 600 sư, sãi và hơn 2.000 đồng bào Khmer, xuất phát từ chùa KhLang Ong, KhLang Mương, Cù Là cũ, Cù Là mới đi theo hướng Rạch Sỏi đến quận Kiên Thành. Đoàn biểu tình mang nhiều băng rôn, biểu ngữ với nội dung: “Chấm dứt bắn phá chùa chiền, giết hại sư, sãi và đồng bào vô tội”, “Tôn trọng tự do tín ngưỡng”, “Chống bắt lính, đôn quân”, “Lập lại hòa bình, chống chiến tranh phi nghĩa”…

Đến hơn 10 giờ, đoàn biểu tình đến gần Chi khu Kiên Thành, địch tiếp tục dùng dây kẽm gai chặn đường, chĩa súng vào đoàn biểu tình nhưng sư, sãi và đồng bào vẫn tiếp tục tiến lên. Trước khí thế hiên ngang của sư, sãi và đồng bào, địch xả súng làm 4 vị sư Lâm Hùng, Danh Tấp, Danh Hoi, Danh Hom hy sinh và 28 sư, sãi, đồng bào bị thương.

Đến 14 giờ cùng ngày, đoàn biểu tình từ chùa Láng Cát do các vị sư Danh Phol, Danh Râm, Danh Bu Tel dẫn đầu tiếp tục kéo ra dinh Tỉnh trưởng đấu tranh đòi trả thi hài 4 vị sư. Đoàn biểu tình lúc này có thêm hơn 1.000 sư, sãi và đồng bào của chùa Láng Cát, Thôn Dôn, Tà Bết… Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của sư, sãi và đồng bào, địch buộc phải xin lỗi và trả lại thi hài 4 vị sư, đồng thời đưa các vị sư và đồng bào bị thương đi chữa trị. Đến 16 giờ 30 phút, ngày 10/6/1974, địch cho xe chở thi hài 4 vị sư về Chùa Cù Là cũ để làm lễ an táng.

26_20_mot-buoi-le-cua-nguoi-khmer-o-chua-cu-la.jpg

Một buổi lễ của người Khmer tại Chùa Cù Là

Chính vì ý nghĩa đó, Tháp Cù Là đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. Hàng năm, vào ngày 10/6 âm lịch, lễ tưởng niệm 4 vị hòa thượng được tổ chức trang trọng, không chỉ với nghi lễ Phật giáo, mà còn mang đậm truyền thống, sự tri ân.

Cách đó không xa là Chùa Cù Là mới. Những năm qua, chùa đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ phòng chống dịch Covid-19 đến các phong trào từ thiện tại địa phương. Chùa Cù Là không chỉ là điểm đến cho du khách muốn tìm hiểu văn hóa Khmer, mà còn là điểm dừng chân, hành hương, tưởng niệm những anh hùng náu thân nơi cửa Phật, tịnh tâm tu tập, không ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, dấn thân đấu tranh chống cường quyền, áp bức… Các vị ấy, những anh hùng liệt sĩ khoác y áo vàng đã ngã xuống vì lý tưởng cao đẹp, vì đất nước, nhân dân, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.

Với vẻ đẹp hài hòa, mang đậm kiến trúc văn hóa Khmer, với truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất, Chùa Cù Là trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của thế hệ trẻ, là điểm đến thú vị với những ai muốn tìm hiểu văn hóa lịch sử Khmer./.

(*): Theo tư liệu trong bài “Tháp 4 sư liệt sĩ - Nơi lưu giữ truyền thống yêu nước của đồng bào dân tộc Khmer” (Giang Nam) - Website Ban Tuyên giáo Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang (29/05/2025 09:25).

Mai Lý

Nguồn: https://baolongan.vn/chua-cu-la-di-tich-van-hoa-dac-sac-cua-dong-bao-khmer-a198511.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm