
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí thượng thủy văn quốc gia, từ ngày 26 đến đêm 27/7, khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 180mm.
Nguy cơ mưa có cường suất lớn hơn 100mm trong 3 giờ và dễ xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh trong mưa dông; nguy cơ ngập úng vùng trũng, thấp, đô thị, khu công nghiệp và xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven suối nhỏ
Từ 28/7, mưa lớn tại Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có xu hướng giảm.
Trên biển, trong ngày và đêm 26/7, vịnh Bắc Bộ, khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa), vùng biển từ phía nam Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Trong ngày và đêm 27/7, khu vực phía nam vùng biển Bắc Biển Đông (bao gồm đặc khu Hoàng Sa) và khu vực giữa Biển Đông, vùng biển từ Gia Lai đến TP. Hồ Chí Minh sẽ có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7–8, sóng cao 2-4m, biển động.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố ban hành văn bản khuyến cáo các đơn vị, địa phương, người dân và du khách cần đề phòng mưa dông tiếp tục diễn ra trên địa bàn thành phố đặc biệt là vào chiều, tối; trong cơn dông cần đề phòng có lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ và gió giật mạnh.
Các đơn vị lực lượng vũ trang, các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai cùng các bản tin thời tiết, cảnh báo dông, lốc, sét,... hằng ngày để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống thiên tai.
Các ban quản lý, chủ đầu tư các công trình đang thi công sẵn sàng triển khai phương án phòng chống mưa lớn cho các công trình; triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang.
UBND các phường, xã tiếp tục rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống thiên tai; thông báo tình hình thiên tai để nhân dân chủ động ứng phó; vận động người dân khơi thông, không làm cản trở dòng chảy tại các kênh mương, của thu nước trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước; chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán, di dời dân để bảo đảm an toàn.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương thông tin về tình hình thiên tai cho các đơn vị, trụ sở, cơ sở hạ tầng du lịch và khách du lịch; yêu cầu các địa phương, khu du lịch, khu vui chơi giải trí ngoài trời bảo đảm an toàn cho du khách, cơ sở hạ tầng khi có thiên tai xảy ra.
Các địa phương, đơn vị quản lý các hồ chứa nước thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn công trình, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực hồ chứa và hạ lưu đập...
Nguồn: https://baodanang.vn/chu-dong-theo-doi-phong-tranh-cac-anh-huong-cua-mua-dong-3297920.html
Bình luận (0)