1. Năm 1969, vừa học hết lớp 10 (bậc học phổ thông cũ), Lê Khánh Hoài 16 tuổi làm đơn tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu chống giặc Mỹ, được biên chế vào bộ đội pháo binh thuộc Binh trạm 13, Mặt trận Đường 7. Viết văn, anh lấy bút danh Châu La Việt để kỷ niệm nơi sinh ra (Châu Phong-Hà Tĩnh) và quê mẹ (Cửa Việt-Quảng Trị). Là người lính trực tiếp cầm súng, sớm có năng khiếu sáng tác (được in tác phẩm từ năm 1971), tốt nghiệp đại học chuyên ngành Văn học, sinh ra trong gia đình nghệ thuật (mẹ là ca sĩ Tân Nhân nổi tiếng) đã giúp anh có một vốn sống dày dặn, phong phú. Trang viết của anh có một đặc trưng khó lẫn là nồng nàn say mê chất lý tưởng. Hầu như không có nhân vật hoặc tính cách phản diện, có chuyện bộ đội đào ngũ (Huân và Tiến trong tiểu thuyết “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”) nhưng sớm nhận ra khuyết điểm, lập tức quay lại đơn vị, chịu kỷ luật.

Nhà văn Châu La Việt (bên phải) thăm lại chiến trường xưa Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào). Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong chiến tranh, người lính có thể chịu khổ về vật chất nhưng không chịu khổ về tinh thần. Cần những vở kịch công diễn ngay tại trận địa, anh lính Hoài liền viết kịch bản, nhân vật là những người đáng mến quen thuộc ở trạm giao liên, khẩu đội cao xạ, trạm gác đường... Vừa là tác giả kịch bản, đạo diễn, Hoài làm luôn diễn viên. Anh nhớ lại: “Những vở kịch ấy, chẳng ở đâu xa lạ, mà nói ngay về cuộc sống chiến đấu của binh trạm chúng tôi, một binh trạm ác liệt thuộc mặt trận phía Tây của Tổ quốc. Tôi sung sướng vì là tác giả của những kịch bản ấy. Chính ủy khen ngợi, lính tráng yêu thích, lại còn được giới thiệu trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam”. Vui nhất là được phục vụ, nói được đúng nhất về đời lính anh hùng, nhất là tình đồng chí thiêng liêng. Châu La Việt làm cả thơ. Những câu thơ làm ngay trên chiến hào được đồng đội ghi lại, chép vào sổ tay: "Khi đi ra chiến trường/ Chúng tôi xếp hàng ngang/ Không ai muốn lùi bước/ Khi đi nhận lương thực/ Chúng tôi xếp hàng dọc/ Đồng chí khỏe đứng sau/ Đồng chí yếu đứng trước/ Đồng chí nào thương tật/ Đề nghị xếp lên đầu" ("Tuổi trẻ Trường Sơn").

Với suy nghĩ phải là người “thư ký” ghi lại những thiêng liêng đời lính: “Bao sự tích hào hùng cùng vẻ đẹp cao quý của người lính những ngày tháng ấy, lẽ nào theo con suối kia, theo ngọn gió cánh rừng kia, một đi không trở lại? Không, không! Nước có thể trôi, gió có thể bay, nhưng chiến công và cuộc đời các anh-những cán bộ Binh trạm 13 sẽ còn đọng lại mãi...”. Thế là ngoài thơ, kịch, anh viết trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận văn học... Đến nay, anh có 30 tác phẩm văn học, chủ yếu viết về hình tượng người lính Cụ Hồ. Tiêu biểu như: “Những tầng cây săng lẻ”, “Ký sự miền Nam”, “Mai Pi Muôn”, “Một buổi sáng nhiều chim”, “Chim vẫn hót cúc cu bên đồi”, “Đất trời như vẫn vang hồi trống giục”, “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”... được dư luận đánh giá cao, được nhận nhiều giải thưởng.

Trong lời tựa tập thơ “5 bài thơ và 5 câu chuyện về lính” của anh, nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Với thế hệ cầm bút của tôi, cái tên Châu La Việt đã trở nên khá thân thuộc từ những năm đầu chống Mỹ". Với Châu La Việt, thơ với đời, đời với thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương và đời lính, hiện thực và mộng mơ... Đó là một thứ của tin mà tác giả đã gặt hái được qua những năm tháng đẹp nhất của đời mình”. Nhà văn Đỗ Chu nhận xét về tập “Những tầng cây săng lẻ”: “Đây là những trang viết có sức ám ảnh người đọc. Đây là những trang viết thô mộc không ít vụng về, vậy mà qua nó ta bỗng như gặp lại tiếng vang xào xạc của những cánh rừng xa, tiếng vọng nghiêm trang của những tháng năm xưa. Tôi muốn cám ơn tác giả về điều đó. Một giá trị đáng kể làm nên sức nặng cho tập sách cũng là ở đó”. Trong bài “Một tiếng vọng của lịch sử”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bình luận trên Báo Văn nghệ về trường ca mới (năm 2024) của anh: “Lịch sử và văn hóa của một dân tộc chính là nguồn năng lượng vô tận cho sự chuyển động của dân tộc vào một kỷ nguyên mới mà trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” đã gửi một thông điệp như thế cho người đọc”.

Nhìn từ thể loại, đóng góp nổi bật của Châu La Việt là ở thể ký, “Bài ca ra trận”, “Tiếng đàn tuổi 20” là các tác phẩm ký viết về các nghệ sĩ tiêu biểu. Đặc trưng của ký là tính xác thực, người thật việc thật, tính thời sự cao. Người kể trong ký thường ở ngôi thứ nhất trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến sự kiện. Hầu hết sáng tác của anh, từ thơ, trường ca, văn xuôi, tiểu luận đều đậm chất ký. Ghi chép về các lãnh tụ, các nghệ sĩ nổi tiếng rất sinh động nhờ giàu có các chi tiết đời thực, sống động. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu cùng quê, cùng hoạt động ở Huế (trước cách mạng), tình bạn, tình đồng chí thân thiết giữa họ đã nhiều người biết. Châu La Việt đã đi tìm chi tiết cảm động nhất, ngay tại phòng bệnh Đại tướng, “với cảm xúc đau đớn tột độ, nhà thơ xin người hộ lý một tờ giấy và ông đã viết những vần thơ thấm đẫm nước mắt về người đồng chí thân thiết nhất của đời mình... Có lẽ đó là bài thơ ông làm nhanh nhất” ("Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ"). Xây dựng hình tượng người lính, anh đặc biệt quan tâm tới tình đồng chí, đồng đội thương yêu nhau như cha con, như anh em. Dù là Sư đoàn trưởng (Hà Vi Tùng) trong “Câu chuyện một đêm trăng” cũng xuống tận chiến hào thăm hỏi, động viên từng chiến sĩ. Câu chuyện anh lính Hoài được về Hà Nội tham gia trại sáng tác nhưng anh em đơn vị “lòng như lửa đốt” vì đúng dịp máy bay B-52 Mỹ ném bom rải thảm Thủ đô. Hôm Hoài trở lại đơn vị, như trở về nhà: “Thằng Hoài, thằng Hoài nó vẫn còn, nó về đây rồi anh em ơi...”. Anh em tóa ra, ôm lấy tôi, nhiều người rưng rưng nước mắt...” trong "Nhà văn binh trạm". Những ai từng trên chiến trường cùng đồng đội “chia lửa” nhiều khi thương và tin đồng chí còn hơn thương và tin mình, sẽ thấy tâm trạng mình có trong đó.

2. Bên cạnh hình tượng người lính còn là hình ảnh người mẹ vĩ đại, lớn lao hiện lên rất mực thương yêu, cảm động. Đó là người mẹ của nhà văn Nguyễn Trí Huân, người mẹ của nhà thơ Phạm Tiến Duật... Trong con mắt người mẹ nào, những đứa con dù nổi tiếng thiên hạ vẫn chỉ là “có lớn mà chưa có khôn”. Nhưng thật sự ám ảnh, chính là người mẹ của nhà văn-nghệ sĩ Tân Nhân với bài hát “Xa khơi” bất hủ, qua lời nhà văn Đỗ Chu, kỳ vĩ và sâu thẳm biết nhường nào: “Việt ạ, suốt đời chú nhớ nhé, viết gì thì mặc chú, nhưng đã viết thì hãy viết như mẹ ta từng đã hát. Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm. Say mê tột cùng và thương nhớ cũng tột cùng...”. Anh đã phần nào làm được như lời nhắn gửi ấy. Sự nghiệp vẫn còn ở phía trước, điều cần khẳng định, anh là một trong số ít nhà văn đương đại viết hay, sâu sắc, tình cảm về người mẹ.

Như cây xanh cắm sâu những chùm rễ vào các mảnh đất văn hóa: Cuộc sống thời chống Mỹ, cuộc sống đương đại và truyền thống dân tộc để hút dưỡng chất tinh hoa, rồi vươn cành lá vào bầu trời thời đại mà quang hợp ánh sáng lý tưởng nhân văn cách mạng, nên cây xanh người lính nhà văn Châu La Việt đã kết được những trái cây tác phẩm có hương vị tư tưởng riêng. Anh đã góp phần kiến tạo một biểu tượng văn hóa người lính Cụ Hồ tỏa sáng trong thời đại hôm nay và mai sau. Từ những trang viết ấy có thể bổ sung thêm cho sự khái quát về một nguyên lý nghệ thuật: Phải hiểu sâu sắc, phải sống cùng đời sống, để có dồi dào những cảm xúc đích thực, mới có thể tạo ra được hình tượng mang tính truyền cảm cao.

Đến hôm nay, dù ở độ tuổi "xưa nay hiếm", nhà văn Châu La Việt vẫn cùng đồng đội về lại chiến trường xưa, để nhớ lại, suy ngẫm và viết. Vẫn là người lính với bộ quân phục bạc màu, theo anh là quà kỷ niệm của Đại tá Nguyễn Phú Nho, nguyên thủ trưởng Binh trạm 13, sau này làm Cục trưởng Cục Chính trị Tổng cục Hậu cần. Vẫn đôi dép cao su bình dị, dẻo dai, anh đi về hôm qua để kiến tạo những trang viết mới cho tương lai.

NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/chau-la-viet-van-va-doi-luon-la-nguoi-linh-bai-1-nha-van-nang-long-voi-nguoi-linh-837887