Người dân cần cẩn trọng với các chiêu trò cung cấp thông tin sau sáp nhập xã |
Dù đã cảnh giác khi nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nhưng khi nghe đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ xã A, nơi chị Ng.T.N. đang sinh sống cùng những thông tin của gia đình chị và con gái khá chính xác nên chị N. cũng thiếu cảnh giác.
Đầu dây bên kia cho biết, trong quá trình cập nhật dữ liệu sau sáp nhập xã, con gái chị, bé A.P. chuẩn bị vào lớp 6 bị sai lệch một số thông tin. Để không ảnh hưởng đến quyền lợi của cháu, về việc cấp bảo hiểm an sinh xã hội (như lời của những kẻ lừa đảo nói) thì chị phải đến trung tâm hành chính công xã để bổ sung thông tin trong thời hạn 3 ngày.
Khi chị N. nói gia đình đang có việc bận thì chúng cung cấp cho chị N. một số điện thoại khác, yêu cầu chị N. gọi điện để được hỗ trợ. Vì sợ không kịp bổ sung thông tin, mất quyền lợi của con gái sau này nên chị N. đã làm theo. Bước tiếp theo là chúng dụ chị N. kết bạn zalo và làm theo hướng dẫn. Mất cảnh giác, chị N. cứ thế thực hiện các thao tác, kích vào những đường link bọn lừa đảo cung cấp. Kết quả, toàn bộ số tiền hơn 3 triệu đồng trong tài khoản của chị N. “không cánh mà bay”.
Cùng thủ đoạn đó, chị H.T.P., phường M.T. nhận được cuộc gọi yêu cầu tới trung tâm hành chính công của phường bổ sung thông tin để tiện làm bảo hiểm cho con trai chị sang năm lên học trung học phổ thông. Nghe những thông tin về con trai, từ địa chỉ nhà, trường học đều đúng nên chị P. không hề cảnh giác. Tiện đường đi làm, chị ghé trung tâm hành chính công, điện thoại lại số đã gọi cho chị để yêu cầu gặp làm việc thì đầu dây bên kia tắt máy và chặn luôn số điện thoại của chị. Khi đó, chị P. mới biết mình bị lừa.
“Nếu ở nhà, tôi sẽ làm theo những hướng dẫn, yêu cầu của bọn lừa đảo. Bởi cứ nghĩ, các thông tin về con trai đều chính xác và nghe sắp tới học sinh được hưởng nhiều quyền lợi từ việc tinh giản bộ máy nên tôi không hề đề phòng”, chị P. cho biết.
Nắm được thông tin của những học sinh chuyển cấp, đánh vào tâm lý sợ mất quyền lợi, hay rắc rối trong quá trình học tập của con nếu không kịp thời bổ sung thông tin cá nhân, nên không ít phụ huynh đã bị lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Để các bị hại dễ dàng tin tưởng, mất cảnh giác, bên cạnh những thông tin chính xác về con em của họ, chúng dùng thủ đoạn thao túng tâm lý. Khi gọi điện đến, chúng không hề vồ vập, hay đe dọa mà chỉ cảnh báo nếu không bổ sung thông tin kịp thời sẽ mất quyền lợi của con em mình. Hơn nữa, chúng không hề yêu cầu phải làm theo hướng dẫn qua điện thoại mà khuyến khích người dân đến các trung tâm hành chính công để giao dịch trực tiếp. Chính điều này đã khiến người bị hại mất cảnh giác và sau đó chúng thao túng tâm lý, dẫn dắt người bị hại gọi điện gặp một người khác để được hướng dẫn nếu có nhu cầu bổ sung thông tin online. Từ đó, chúng dẫn dụ kích vào các link chứa mã độc và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Để tránh bị lừa đảo, tốt nhất mọi người không nên kích vào các link do người lạ cung cấp, không làm theo hướng dẫn được cho là hỗ trợ cung cấp thông tin online.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/phap-luat-cuoc-song/can-trong-chieu-tro-bo-sung-thong-tin-sau-sap-nhap-156136.html
Bình luận (0)