Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần sớm nâng cấp hệ thống đê điều phục vụ sản xuất

Bằng kinh nghiệm và khả năng làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân huyện Hải Lăng cũ đã xây dựng vùng đất này trở thành vựa lúa của tỉnh. Tuy nhiên, hiện hệ thống đê điều bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng nơi đây.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị24/07/2025

Cần sớm nâng cấp hệ thống đê điều phục vụ sản xuất

Nhiều tuyến đê bao ở xã Mỹ Thủy bị hư hỏng, xuống cấp gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp - Ảnh: L.T

Nhiều công trình đê bao xuống cấp

Huyện Hải Lăng cũ (nay thuộc 5 xã Mỹ Thủy, Hải Lăng, Vĩnh Định, Nam Hải Lăng và Diên Sanh) có hệ thống đê bao chống lũ gồm 14 tuyến đê dọc các bờ tả, hữu sông Tân Vĩnh Định, Cựu Vĩnh Định, Mai Lĩnh, Ô Giang và tả sông Ô Lâu với tổng chiều dài hơn 56km. Các công trình được đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thành từ năm 2008 - 2011.

Sau hơn 15 năm đưa vào khai thác, hệ thống đê bao thực sự đã phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, hiện nhiều công trình, hạng mục có dấu hiệu hư hỏng, mặt đê lún, mái đê tạo hàm ếch, có nguy cơ mất khả năng chống lũ trong điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan.

Có mặt tại thôn Đông Dương, xã Mỹ Thủy, phóng viên ghi nhận nhiều diện tích lúa của người dân chưa thể gieo trồng trở lại, khả năng ruộng phải bỏ hoang do chưa khắc phục được hậu quả của việc vỡ đê từ ảnh hưởng của cơn bão số 1 (tháng 6/2025) vừa qua.

Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ Đông Dương Phan Văn Quang cho biết, dọc sông Vĩnh Định đi qua xã Mỹ Thủy có đoạn đê dài 5km bao quanh hàng trăm ha ruộng lúa của người dân. Đoạn đê có tác dụng ngăn lũ, bảo vệ mùa màng, nhưng mấy năm trở lại đây nhiều đoạn đã bị xuống cấp. Đặc biệt, mưa lớn do ảnh hưởng bão số 1 vừa qua đã khiến nước sông Vĩnh Định dâng cao làm vỡ đê, gây ngập toàn bộ ruộng lúa của bà con.

Mặc dù đã huy động nhân lực đắp bao cát chắn nhưng trong số 200ha lúa của HTX bị ngập chỉ cứu được một ít, còn lại phải bỏ ruộng. “Hiện rất nhiều hộ gia đình thành viên HTX buộc phải bỏ hoang ruộng. Đối với những diện tích đã gieo cấy lại, bà con cũng thấp thỏm lo âu vì đã bị muộn so với lịch thời vụ, thêm vào đó là hệ thống đê bao hiện đã hư hỏng hết”, ông Quang chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy Cáp Xuân Tá cho biết, không chỉ ở thôn Đông Dương, mà toàn bộ 900ha lúa của xã đều rơi vào tình trạng ngập nước do 5km đê bao bảo vệ bị nước tràn qua. Dù diện tích này đã được địa phương chỉ đạo khắc phục nhưng do hệ thống đê bao ngăn lũ bị xuống cấp nên việc gieo lại trễ so với lịch thời vụ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đáng lo hơn, tại xã Mỹ Thủy ghi nhận 12 đoạn sụt lún với tổng chiều dài 600m, trong đó có đoạn bị cuốn trôi dài 25m, ảnh hưởng đến 290ha lúa và giao thông nội đồng.

Còn tại xã Nam Hải Lăng, hơn 350m đê bao bị sụt lún, trong đó có 30m thuộc vị trí xung yếu, đe dọa trực tiếp đến khoảng 500ha lúa. Ở xã Diên Sanh có 7 đoạn đê bị sụt, đe dọa 420ha lúa và 80ha hoa màu.

Đặc biệt, trận mưa lũ do ảnh hưởng bão số 1 vừa qua đã làm nhiều đoạn đê ở các xã vùng trũng (huyện Hải Lăng cũ) bị xói lở nghiêm trọng. Một số khu vực cao trình không đáp ứng yêu cầu ngăn lũ đầu vụ đông - xuân, lũ sớm hoặc tiểu mãn, vốn xuất hiện ngày càng bất thường những năm gần đây.

5 xã vùng trũng là Mỹ Thủy, Hải Lăng, Vĩnh Định, Nam Hải Lăng và Diên Sanh được coi là vựa lúa của tỉnh Quảng Trị với hơn 10.000ha lúa. Tuy nhiên, do tình trạng xuống cấp của hệ thống đê điều và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng chủ lực này. Vì vậy, giải pháp căn cơ là cấp thiết đầu tư để nâng cấp toàn diện hệ thống đê điều nhằm tránh thực tế đang diễn ra ở đây là có đê ngăn lũ nhưng nước vẫn tràn vào làm hàng trăm ha lúa mất mùa.

Cần đầu tư sửa chữa đồng bộ

Để đầu tư sửa chữa hệ thống đê bao, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nguồn vốn do bộ quản lý. Nội dung gồm nâng cấp toàn bộ 56km đê bao, cải tạo 50km trục tiêu thoát lũ, mở rộng các trạm bơm kết hợp tưới tiêu với tổng kinh phí đề xuất 500 tỉ đồng nhằm đảm bảo yêu cầu chống lũ đầu vụ đông - xuân.

Đặc biệt, sau ảnh hưởng của bão số 1, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục các điểm sạt lở, hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều. Tuy nhiên, trong tổng kinh phí hơn 10,7 tỉ đồng, chỉ có 3 tỉ đồng dành để xử lý hơn 1km đê xung yếu tại ba xã: Hải Dương, Hải Trường và Hải Phong cũ.

Cần sớm nâng cấp hệ thống đê điều phục vụ sản xuất

Nhiều diện tích lúa của HTX Sản xuất dịch vụ Đông Dương, xã Mỹ Thủy chưa thể gieo trồng trở lại sau ảnh hưởng sự cố vỡ đê vào tháng 6/2025 - Ảnh: L.T

Thông tin từ Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, do nguồn vốn hiện tại không đủ đáp ứng khắc phục toàn diện nên trước mắt, đơn vị đã yêu cầu các xã chủ động bố trí ngân sách để ưu tiên triển khai thực hiện giải pháp gia cố khẩn cấp, tạm thời các vị trí xung yếu, hạn chế phát sinh hư hỏng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Lê Chí Công cho biết, hiện việc khắc phục các hư hỏng của hệ thống đê điều và các điểm sạt lở bờ sông tại địa phương chỉ ở mức chắp vá. Đây là giải pháp trước mắt, mang tính tạm thời, hiệu quả không lâu dài và không bảo đảm năng lực phòng chống thiên tai trong bối cảnh khí hậu bất thường như hiện nay.

Vì vậy, rất mong sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành Trung ương để khi có nguồn vốn, địa phương sẽ nâng cấp toàn bộ hệ thống đê điều này nhằm bảo vệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân, nhất là khu vực trọng điểm lúa của tỉnh.

Lê Trường

Nguồn: https://baoquangtri.vn/can-som-nang-cap-he-thong-de-dieu-phuc-vu-san-xuat-196189.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm