Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cần phá thế “độc đạo” cho cảng biển lớn nhất tỉnh Đồng Nai

Cảng Phước An là cảng biển lớn nhất tỉnh Đồng Nai, đã chính thức đưa vào khai thác phân kỳ 1 từ cuối năm 2024. Đây là dự án cảng biển được kỳ vọng sẽ trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi logistics của Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai22/07/2025

Hoạt động trung chuyển hàng hóa tại Cảng Phước An. Ảnh: H. Lộc
Hoạt động trung chuyển hàng hóa tại Cảng Phước An. Ảnh: H. Lộc

Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, cảng này rất cần được “gỡ nút thắt” về hạ tầng giao thông kết nối, hình thành hệ sinh thái logistics khai thác đồng bộ, hiệu quả.

Cảng biển chiến lược của tỉnh và khu vực

Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Phước An được triển khai tại xã Phước An, có quy mô hơn 164 hécta, tổng vốn đầu tư hơn 11 ngàn tỷ đồng, chia thành 3 phân kỳ. Cảng gồm 9 bến với tổng chiều dài khoảng 2,8km, có khả năng tiếp nhận tàu từ 30-60 ngàn tấn.

Trong đó, phân kỳ 1 đã hoàn thành và đi vào khai thác từ tháng 12-2024. Hiện trung bình mỗi tháng cảng đón khoảng 20 tàu quốc tế, với sự tham gia của nhiều hãng tàu lớn như: MSC, WANHAI, SITC, ZIM… Giai đoạn 2 đã hoàn tất đầu tư các bến khai thác hàng container. Giai đoạn 3 dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2026, gồm các bến khai thác hàng tổng hợp và hàng container.

Ông Trương Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An, cho biết cảng sở hữu vị trí địa lý chiến lược khi nằm sát sông Thị Vải là tuyến hàng hải trọng điểm ra Biển Đông, gần các khu công nghiệp trọng điểm của Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, thuận tiện cho việc thu hút, trung chuyển hàng hóa. Đặc biệt, cảng chỉ cách Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa đầy 30km, dự kiến hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2025 và hoạt động thương mại từ giữa năm 2026. Đây là điều kiện lý tưởng để hình thành chuỗi logistics đa phương thức.

Theo công bố hồi đầu năm 2025 của Bộ Xây dựng, Đồng Nai có 19 cảng biển thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam. Trong đó, Cảng Phước An lớn nhất, diện tích hơn 164 hécta, tổng mức đầu tư hơn 11 ngàn tỷ đồng, mục tiêu khai thác tàu có trọng tải từ 30-60 DWT.

Cũng theo ông Hải, toàn bộ thủ tục pháp lý về đầu tư, ký quỹ môi trường và báo cáo định kỳ đã được chủ đầu tư thực hiện đầy đủ theo quy định. Trong quá trình triển khai, doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư, đồng thời nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan tỉnh

Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá, Cảng Phước An là một trong những kỳ vọng lớn của tỉnh trong phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực logistics và vận chuyển hàng hóa. Dù mới đi vào hoạt động khoảng nửa năm, song việc cảng đón tàu quốc tế và bước đầu làm trung chuyển hàng hóa đã cho thấy những tín hiệu rất khả quan. Tỉnh kỳ vọng thời gian tới, Cảng Phước An sẽ phát huy tốt các lợi thế, thu hút thêm nhiều tàu hàng trong và ngoài nước.

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải, Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, sau chuyến khảo sát cảng mới đây, bày tỏ: “Một cảng biển lớn, nhưng lại nằm sâu trong đất liền và sát nhiều khu công nghiệp là lợi thế rất lớn”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, hạn chế lớn hiện nay là giao thông kết nối vào cảng còn yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư và hoạt động của cảng. Đại biểu Lê Hoàng Hải cho biết sẽ kiến nghị tỉnh Đồng Nai và Bộ Công thương sớm có điều chỉnh phù hợp để cảng phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực phía Nam.

Cần phát triển hạ tầng để phá thế “độc đạo”

Cảng Phước An được định hướng trở thành trung tâm logistics hàng đầu của tỉnh Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ. Dù đã thu hút được nhiều hãng tàu lớn quốc tế, song thực tế cho thấy, cảng đang gặp khó khăn do thiếu hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ. Hiện việc ra - vào cảng chủ yếu phụ thuộc vào tuyến đường kết nối duy nhất, dẫn đến tình trạng “độc đạo” trong lưu thông hàng hóa.

Tại buổi làm việc mới đây với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Trương Hoàng Hải đã kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, mở rộng tuyến đường kết nối từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đến cảng và hoàn thiện nút giao. Bên cạnh đó, mở rộng đường vào cảng từ 61m lên 120m, đồng thời bổ sung tuyến dự phòng 6-8 làn xe để hạn chế xung đột giao thông.

Doanh nghiệp cũng đề xuất bổ sung quy hoạch tuyến đường song song với cao tốc Bến Lức - Long Thành nhằm nâng cao năng lực vận chuyển. Quy hoạch khu thương mại - dịch vụ rộng 40 hécta phía sau cảng nhằm hình thành hệ sinh thái logistics khép kín. Một kiến nghị đáng chú ý khác là điều chỉnh hướng tuyến ống dẫn khí Phú Mỹ - Thành phố Hồ Chí Minh ra xa khỏi cảng và tuyến đường kết nối để đảm bảo an toàn khai thác. Đồng thời, đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Phước An nhằm khai thác đồng bộ với cảng, tạo chuỗi động lực mới thúc đẩy kinh tế tỉnh và khu vực.

Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng ghi nhận và đánh giá cao các kiến nghị của doanh nghiệp. Một số nội dung đã được tỉnh điều chỉnh; một số nội dung khác sẽ được cân nhắc đưa vào Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình điều chỉnh. Những kiến nghị có tính chiến lược dài hạn sẽ được xem xét bổ sung quy hoạch và tính toán nguồn lực thực hiện.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh, hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là trọng tâm của mọi quy hoạch phát triển, trong đó có hạ tầng giao thông. Việc bổ sung các tuyến kết nối nhằm phát huy hiệu quả đầu tư cả cảng hàng không quốc tế lẫn cảng biển là yêu cầu cấp thiết. Tỉnh đang xúc tiến một số dự án lớn quanh khu vực sân bay như: khu thương mại tự do, khu công nghệ thông tin tập trung, các khu và cụm công nghiệp quy mô lớn... Đây sẽ là cơ hội lớn để hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực và gia tăng sức hút cho Cảng Phước An.

Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống bày tỏ, Cảng Phước An có vai trò quan trọng trong định hình hệ thống logistics của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, nếu không sớm đầu tư đồng bộ hạ tầng kết nối, cảng sẽ khó phát huy được vai trò trung chuyển hàng hóa như kỳ vọng. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng giao thông là yêu cầu tất yếu để thúc đẩy phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Hoàng Lộc

 

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/can-pha-the-doc-dao-cho-cang-bien-lon-nhat-tinh-dong-nai-d9c22d8/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm