Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cái tên bí ẩn đằng sau sự hồi sinh của Chelsea

Trong lúc người hâm mộ chỉ nhắc đến HLV Maresca, hay các ngôi sao Palmer, Pedro, truyền thông Anh đã phát hiện ra một cái tên đặc biệt đằng sau sự trỗi dậy mạnh mẽ của Chelsea: Willie Isa.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ16/07/2025

Chelsea - Ảnh 1.

Willie Isa (trái) từng là một ngôi sao rugby - Ảnh: REUTERS

Isa là ai?

Willie Isa không phải là cựu danh thủ bóng đá. Và cũng chưa từng góp mặt trong bất kỳ ban huấn luyện chuyên môn nào của các CLB ở Premier League trước khi gia nhập Chelsea. 

Nhưng ở Anh, Isa vẫn là một cái tên được nhiều người biết đến, với sự nghiệp khá lẫy lừng ở môn rugby. Sau 17 năm chinh chiến và hơn 300 trận đấu chuyên nghiệp, Isa tuyên bố giải nghệ vào tháng 1-2025 trong màu áo Wigan Warriors, ở tuổi 36. 

Chỉ một tháng sau, ông bất ngờ xuất hiện ở trung tâm huấn luyện Cobham của Chelsea, đảm nhiệm vai trò “Player Support and Development Officer” (tạm dịch: người phụ trách hỗ trợ và phát triển cầu thủ).

Trong một cách gọi khác, truyền thông Anh mô tả công việc của Isa là "huấn luyện ý chí" cho các cầu thủ Chelsea.

Theo The Athletic, quyết định bổ nhiệm Isa được đưa ra bởi giám đốc thể thao Laurence Stewart.

Mục tiêu của quyết định này là tăng cường nền tảng tinh thần và môi trường phát triển cá nhân cho các cầu thủ, đặc biệt là lớp trẻ. 

Trong bối cảnh Chelsea sở hữu một đội hình nhiều tài năng nhưng thiếu ổn định tâm lý, ban lãnh đạo xác định yếu tố tinh thần chính là “điểm nghẽn” khiến đội không thể bứt phá như kỳ vọng.

Công việc của Isa không nằm trong các buổi tập chiến thuật, cũng không can thiệp vào y tế hay hồi phục chấn thương.

Thay vào đó, ông dành thời gian để quan sát hành vi cầu thủ, trò chuyện cá nhân, thiết lập các nhóm thảo luận nội bộ và tổ chức những buổi giao lưu mang tính gắn kết. 

Giới truyền thông mô tả ông là một “cultural architect” - kiến trúc sư văn hóa đội bóng. HLV cũ của ông tại Wigan (CLB rugby), ông Matt Peet, từng phát biểu: “Willie không phải là người lớn tiếng. Nhưng anh ấy khiến tất cả đồng đội trở nên tốt hơn - cả về thái độ lẫn tinh thần. Anh ấy xây dựng tập thể bằng sự hiện diện và nhân cách của mình”.

Chính vai trò độc đáo này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: tại sao Chelsea lại chọn một cựu VĐV rugby mà không phải một bác sĩ tâm lý thể thao chuyên nghiệp? 

Câu trả lời nằm ở sự phân biệt rạch ròi giữa trị liệu tâm lý và huấn luyện ý chí. 

Vì sao lại chọn VĐV rugby?

Một bác sĩ tâm lý thường can thiệp khi cầu thủ gặp các rối loạn tâm thần như lo âu hay trầm cảm, sử dụng các phương pháp trị liệu lâm sàng như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hay chẩn đoán tâm bệnh. 

Trong khi đó, một người như Isa đóng vai trò gần gũi hơn: truyền cảm hứng, xây dựng thói quen tư duy tích cực, hướng dẫn cách vượt qua thất bại và nuôi dưỡng tinh thần cạnh tranh lành mạnh.  Tất cả những điều này đều không cần đến bằng cấp y học, mà cần kinh nghiệm thực chiến và khả năng kết nối với cầu thủ.

Đặc biệt với rugby, đây là môn thể thao xem trọng sức mạnh, tinh thần chiến đấu, và lại phần nào tương đồng với bóng đá ở kết cấu tập thể. Đây không phải là xu hướng riêng của Chelsea. Trên thế giới, nhiều CLB đã áp dụng mô hình tương tự.

Bodø/Glimt - CLB nhỏ của Na Uy từng gây sốc khi lọt tới bán kết Europa League - đã thuê một cựu phi công không quân để dẫn dắt đội về mặt tinh thần, giúp họ tạo nên bản sắc tập thể gắn bó và khả năng chống chịu áp lực phi thường. 

Man United dưới thời Ralf Rangnick cũng từng mời Sascha Lense, một cựu VĐV từng học chuyên ngành tâm lý thể thao, để làm việc trực tiếp với đội một.

Giáo sư Geir Jordet, chuyên gia phân tích tâm lý phạt đền nổi tiếng thế giới, cho rằng: “Khi một đội bóng thất bại không phải vì yếu tố kỹ thuật thì vấn đề rất có thể nằm ở yếu tố tâm lý và tổ chức. 

Cái tên bí ẩn đằng sau sự hồi sinh của Chelsea - Ảnh 3.

Isa có cơ bắp cuồn cuộn quen thuộc của VĐV rugby, hay bóng bầu dục - Ảnh: REUTERS

Những người như Isa có thể tạo ra ảnh hưởng sâu sắc trong cách đội bóng đối diện thất bại, duy trì sự tập trung và nâng cao tinh thần thi đấu".

Trong một phân tích đăng trên tạp chí Psychology of Sport and Exercise, một nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen đã chứng minh rằng những can thiệp phi y tế như huấn luyện tinh thần có thể cải thiện hiệu suất thi đấu đến 15-20%, đặc biệt ở nhóm cầu thủ trẻ.

Một tổng hợp 30 nghiên cứu meta-analysis khác trên PLOS One cho thấy các kỹ thuật như hình dung (imagery), kiểm soát ánh nhìn (quiet eye), và chánh niệm (mindfulness) đều có mức ảnh hưởng từ vừa phải đến cao đối với hiệu suất thi đấu. 

Vai trò của Isa tại Chelsea cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Gần như không có bất kỳ tấm ảnh nào ghi lại sự hiện diện của anh ở Stamford Bridge hay sân tập Cobham. 

Nhưng sự thật là Chelsea đang trỗi dậy mạnh mẽ từ khi có Isa. Trong mùa giải rồi, đội bóng thành London lâm vào khủng hoảng nặng nề giai đoạn tháng 12 đến tháng 2. Và từ khi Isa đến, các cầu thủ Chelsea dần trình diễn một bộ mặt hoàn toàn khác. 


HUY ĐĂNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/cai-ten-bi-an-dang-sau-su-hoi-sinh-cua-chelsea-20250715204312683.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm