Thu hoạch lúa xuân ở xã Cẩm Giàng. |
Các xã phía Nam tỉnh đã cơ bản hoàn tất thu hoạch từ cuối tháng 6 và đang chăm sóc mạ vụ mùa, thì thời điểm này, các xã phía Bắc đang bước vào cao điểm thu hoạch. Tại các xã Bằng Thành, Nghĩa Tá hay Cẩm Giàng, Phủ Thông... trên khắp các cánh đồng, đâu đâu cũng là hình ảnh người dân tất bật thu hoạch lúa. Những chuyến xe chở thóc đầy bao nối đuôi nhau về nhà đã trở thành khung cảnh quen thuộc, báo hiệu một mùa vàng bội thu.
Trước khi sáp nhập, toàn tỉnh Bắc Kạn (cũ) gieo cấy hơn 8.000ha lúa xuân, trong đó khoảng 1.500ha sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: Japonica, QR1, HT1, tẻ nương Hà Giang... Trong số này, khoảng 210ha lúa chất lượng được sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm qua hợp tác xã, tổ hợp tác và các đại lý, cá nhân. |
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng may mắn được thu hoạch thuận lợi. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong tháng 5 và tháng 6, nhiều diện tích lúa xuân tại các xã: Thượng Minh, Vĩnh Thông, Phủ Thông, Na Rì… bị ngập úng, lúa đổ rạp, khiến năng suất một số nơi giảm đáng kể.
Thực tế cho thấy, ở nhiều xã các giống lúa chất lượng cao tiếp tục khẳng định thế mạnh và giá trị. Trong đó, các giống lúa, như: Japonica, QR1, HT1… cho hiệu quả nổi bật.
Vùng trồng lúa hữu cơ ở xã Yên Phong chủ yếu sử dụng giống lúa Japonica. |
Các xã: Yên Phong, Nghĩa Tá, Phủ Thông, Cẩm Giàng (những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh trước sáp nhập)... đã và đang hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Trong đó, một số diện tích còn được sản xuất theo hướng hữu cơ, có liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác trong khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ xã Yên Phong là một trong những điển hình như vậy. Được hình thành từ năm 2021, hiện nay tổ hợp tác này đã có hơn 16ha lúa được công nhận sản xuất hữu cơ, chủ yếu với các giống được sử dụng là Japonica và Bao thai.
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ xử lý đất, bón phân, chăm sóc đến thu hoạch, sản phẩm lúa gạo của tổ hợp tác này tiêu thụ thuận lợi, thị trường đón nhận.
Người dân phía Bắc tỉnh khẩn trương thu hoạch lúa xuân. |
Bà Hoàng Thị Chinh, thành viên Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong, chia sẻ: Tổ hợp tác đã mở rộng liên kết sản xuất với khoảng 30ha lúa hữu cơ, chủ yếu giống lúa Japonica. Chúng tôi tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, đến chăm sóc. Nhờ vậy mà sau khi thu hoạch thóc bán được giá 12.000 đồng/kg, gạo bán 22.000 đồng/kg, cao hơn so với các giống lúa thông thường. Tổ hợp tác đã có các đơn hàng đều đặn từ các tỉnh.
Ông Hà Cát Chấn ở thôn Nà Ngảng (xã Cẩm Giàng) vừa đảo thóc trên sân, vừa vui vẻ trò chuyện: Đầu vụ xuân thời tiết khô hạn, giữa vụ lại mưa kéo dài nhưng may mắn ruộng nhà tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Gia đình cấy hơn 2.000m² lúa giống Japonica, hạt thóc thu về chắc và đều, bán được giá hơn các giống khác.
Ông Hà Cát Chấn ở thôn Nà Ngảng, xã Cẩm Giàng, phấn khởi vì vụ này năng suất lúa đạt khá. |
Vụ xuân đang khép lại, nhường chỗ cho vụ mùa tới với những kỳ vọng tiếp nối. Trên những cánh đồng rực nắng, người dân đang hối hả thu hoạch, những nụ cười rạng rỡ báo hiệu về một nền nông nghiệp hiệu quả, phát triển bền vững.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/cac-xa-phia-bac-tap-trung-thu-hoach-lua-xuan-7441ba1/
Bình luận (0)