- Sáng 21/7, đồng chí Trần Anh Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với bão số 3 tại các xã Gia Phong, xã Nho Quan, xã Giao Minh. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh.
Theo báo cáo của các địa phương: Để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai, nhất là bão số 3, các địa phương đang tập trung chỉ đạo các phòng, đơn vị triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, lấy “phòng là chính”; thường xuyên quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, PCTT theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Tăng cường kiểm tra đê, kè, cống, công trình thủy lợi theo nhiệm vụ, địa bàn được phân công. Rà soát lại hệ thống kênh mương, các trạm bơm, kế hoạch chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện phục vụ nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu. Phát hiện, theo dõi, xử lý kịp thời những công trình, vị trí mặt đê bị hư hỏng đảm bảo an toàn trong phòng, chống bão, lũ. Kích hoạt kịch bản ứng phó bão số 3 trong điều kiện thời tiết cực đoan, diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài.
Các địa phương rà soát kế hoạch huy động nhân lực, vật tư, phương tiện... phục vụ công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn theo phương án “4 tại chỗ” đảm bảo tính khả thi, sát với thực tế; đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát để thay thế, bổ sung nhân lực kịp thời, đảm bảo chất lượng khi cần huy động.
Tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT; chỉ đạo lực lượng tuần tra, canh gác đê thực hiện nhiệm vụ trong mùa mưa lũ theo quy định; chỉ đạo lực lượng quản lý đê nhân dân, cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, phát hiện, giải tỏa sự cố ách tắc dòng chảy ngay từ giờ đầu…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Dũng đã đi kiểm tra thực địa tại khu vực đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Phong; hồ Yên Quang, xã Nho Quan; kè Giao Hương trên tuyến đê hữu Hồng, xã Giao Minh.
Qua kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, tập trung vào các vị trí đã xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ năm 2024; xác định các trọng điểm xung yếu, xây dựng và kích hoạt, sẵn sàng vận hành phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm "4 tại chỗ".
Đối với các vị trí tiềm ẩn nguy hiểm như: cống dưới đê yếu, các vị trí đê xung yếu… cần lập phương án bảo vệ chi tiết, cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, lực lượng, phương tiện ứng cứu. Tổ chức lực lượng thường trực tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố trong mùa mưa, lũ. Chủ động theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn và diễn biến mưa, gió bão để thông tin kịp thời đến người dân, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để người dân chủ động phòng tránh. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để có biện pháp bảo vệ an toàn về người, công trình.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không đảm bảo an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan. Các xã, phường sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động phối hợp với các địa phương theo dõi, tổng hợp tình hình thiên tai, báo cáo các sự cố kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh.
* Sáng 21/7, đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh, Tổ trưởng Tổ chỉ huy khu vực 33 xã (thuộc tỉnh Hà Nam cũ) đã chủ trì hội nghị ứng phó với bão số 3 (bão WIPHA).
Dự hội nghị có đồng chí Phạm Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tổng Biên tập Báo và Phát thanh - Truyền hình tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 3 (bão WIPHA) còn tiếp tục mạnh lên (sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 15). Từ ngày 21-22/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, gây gió mạnh, mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm. Thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các xã, phường: Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác chỉ đạo, ứng phó với cơn bão; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chỉ đạo, ứng phó với cơn bão số 3.
Tại khu vực 33 xã (thuộc tỉnh Hà Nam cũ), các phường, xã cũng đã xây dựng và triển khai các phương án ứng phó với cơn bão số 3, trong đó các địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho người, bảo vệ các trọng điểm về phòng, chống lụt bão, xây dựng và triển các giải pháp bảo vệ tài sản cho người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Anh Chức nhấn mạnh: Để ứng phó kịp thời với cơn bão số 3, các ngành và địa phương tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện và lực lượng sẵn sàng khắc phục thảm họa, sự cố; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, nhà ở và công trình xây dựng. Tổ chức cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai đến người dân để Nhân dân chủ động ứng phó bảo đảm an toàn.
Tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven sông, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan. Đối với các xã ven sông Hồng, có nhiều hộ dân nuôi cá lồng yêu cầu bà con neo đậu lồng bè, không ra ngoài sông khi có bão và lũ dâng cao.
Kiểm tra thực tế tại Trạm bơm Tắc Giang ở phường Duy Tiên và xã Nam Xang và Trạm bơm Mộc Nam ở phường Duy Tân, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Anh Chức yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên bố trí cán bộ trực 24/24h, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, sẵn sàng hoạt động, ứng phó khi có mưa lũ dâng cao.
* Sáng 21/7, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ phòng, chống bão tại Khu công nghiệp Châu Sơn và Trạm bơm Ngòi Ruột.
Khu công nghiệp Châu Sơn có diện tích 377 ha, nằm trên địa bàn các phường Châu Sơn, Phù Vân và Lý Thường Kiệt. Hiện có hơn 140 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử, chế biến nông sản và may mặc, thu hút trên 20.000 lao động. Tuy nhiên, Khu công nghiệp này thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ vào mùa mưa, đặc biệt tại các khu vực thấp trũng. Ngoài ra, đoạn tuyến đê Bùi dài 1,7 km chạy qua khu vực này cũng tiềm ẩn nguy cơ nước sông dâng cao tràn vào khu công nghiệp.
Trạm bơm Ngòi Ruột có tổng công suất 62.000 m3/giờ có vai trò tiêu thoát nước cho Khu công nghiệp Châu Sơn, khu dân cư đô thị và một phần đất nông nghiệp vùng lân cận. Để ứng phó tạm thời với tình trạng ngập úng cục bộ thường xảy ra, địa phương đã triển khai lắp đặt trạm bơm dã chiến với khoảng 10 tổ máy công suất lớn, đồng thời yêu cầu các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng và bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa bão.
Tại các điểm kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn ghi nhận tinh thần chuẩn bị sẵn sàng phòng, chống bão; đồng thời yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, đặc biệt tại các công trình đang xây dựng dở dang và khu vực ven sông, nơi thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ khi nước dâng cao.
Chủ động khơi thông dòng chảy, kênh tiêu, rãnh thoát nước, cửa thu nước; thực hiện ngay việc chằng chống nhà xưởng, văn phòng, kho bãi, tháo dỡ biển quảng cáo, cắt tỉa cây xanh để bảo vệ an toàn công trình và hệ thống điện. Các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn cho người lao động; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, sẵn sàng ứng phó, bảo vệ tính mạng, tài sản, phòng ngừa sự cố môi trường và đảm bảo điều kiện nhanh chóng phục hồi sản xuất sau bão.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/cac-dong-chi-lanh-dao-tinh-kiem-tra-cong-tac-phong-chong-thien-tai-ung-pho-bao--250721213556161.html
Bình luận (0)