Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bước chuyển mình ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam - Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển

(Chinhphu.vn) - Ngày 28/7, tại TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã dự Lễ kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam và ra mắt hệ thống công nghệ thông tin mới.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ28/07/2025

Bước chuyển mình ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam - Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Hệ thống công nghệ thông tin mới - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những chuyển mình ngoạn mục

Lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và ra mắt Hệ thống công nghệ thông tin mới là một dấu mốc lịch sử quan trọng, ghi dấu chặng đường hình thành và phát triển đầy nỗ lực, kiên cường và sáng tạo của một thị trường vốn hiện đại trong một nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ, một đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới – thịnh vượng và hạnh phúc.

Cách đây tròn một phần tư thế kỷ, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức ra đời với phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000 tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM.

Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu cho một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, minh bạch, hiệu quả cho nền kinh tế quốc dân. Khi ấy, thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết là REE và SAM, với vốn hóa chưa tới 01% GDP và chỉ khoảng 3.000 tài khoản giao dịch.

Bước chuyển mình ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam - Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển- Ảnh 2.

Sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những chuyển mình ngoạn mục - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Tuy khởi đầu rất khiêm tốn, nhưng sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những chuyển mình ngoạn mục.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch vượt 1.600 (lúc thành lập chỉ có 02 doanh nghiệp), bao phủ hầu hết các ngành kinh tế chủ lực.

Tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, tương đương gần 71% GDP (7/2025) - mức cao nhất trong lịch sử (tăng tăng gấp 06 lần so với 10 năm trước).

Thị trường trái phiếu với quy mô đạt gần 30% GDP - đặc biệt là trái phiếu chính phủ - là kênh huy động vốn ổn định cho ngân sách nhà nước.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư đã vượt 10 triệu, cho thấy sự lan tỏa sâu rộng của thị trường đến toàn xã hội;

Các phiên giao dịch tỷ USD đã trở nên thường xuyên, khẳng định thanh khoản và độ sâu thị trường đứng top đầu ASEAN, vượt cả Thái Lan, Singapore trong nhiều thời điểm cao điểm.

Bước chuyển mình ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam - Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và chúc mừng Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Thị trường chứng khoán: "Bệ phóng" cho doanh nghiệp phát triển vượt bậc

Không chỉ là kênh dẫn vốn, thị trường chứng khoán còn là "bệ phóng" cho các doanh nghiệp phát triển vượt bậc. Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã trở thành tập đoàn có quy mô khu vực.

Thị trường chứng khoán đã góp phần huy động được hàng triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển, khẳng định vai trò "huyết mạch" bên cạnh hệ thống ngân hàng và bảo hiểm của nền kinh tế hiện đại và là một trong các trụ cột quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia.

Không những thế, thị trường chứng khoán còn đóng vai trò trọng yếu trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Trong giai đoạn 2011-2020, hơn 650 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn qua kênh chứng khoán, thu về hơn 229 nghìn tỷ đồng, góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch, hiệu quả.

Bước chuyển mình ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam - Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng bày tỏ, một phần tư thế kỷ dù không quá dài nhưng là hành trình xây dựng, phát triển đầy bản lĩnh và bền bỉ của thị trường chứng khoán Việt Nam, từ sơ khai đến chuẩn mực của một thị trường bậc cao của nền kinh tế đất nước. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã cho thấy vai trò, đóng góp hiệu quả trong từng chặng đường phát triển của kinh tế đất nước; từ đó đã khẳng định là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế và doanh nghiệp.

"Những thành quả đó là minh chứng rõ nét của chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ban, ngành và địa phương, các tổ chức trong nước, quốc tế… cùng nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, người lao động lĩnh vực Chứng khoán và thành viên thị trường", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Việt Nam đang bước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Để đạt được các mục tiêu to lớn, toàn diện mà Đảng, Chính phủ đặt ra, trọng trách và nhiệm vụ của ngành tài chính nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng trong thời gian tới cũng rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm lớn để biến thách thức thành động lực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bước chuyển mình ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam - Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Phát huy các kết quả đã đạt được, quyết tâm cao nhất hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, thời gian tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị toàn ngành chứng khoán triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của thị trường.

Thứ hai, tổ chức vận hành thị trường một cách an toàn, ổn định, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm nâng cao tính minh bạch và kỷ cương thị trường.

Thứ ba, tiếp tục tái cấu cơ cấu các trụ cột của thị trường hiệu quả, tăng cường nhà đầu tư tổ chức, nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên thị trường chứng khoán, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nhà đầu tư.

Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, vừa phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới.

Thứ năm, tăng cường thông tin tuyên truyền và đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư; thúc đẩy hợp tác quốc tế toàn diện, có chiều sâu, nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Trần Mạnh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/buoc-chuyen-minh-ngoan-muc-cua-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-be-phong-cho-doanh-nghiep-phat-trien-10225072812483889.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm