Người dân Khâu Đấng hiện còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa truyền thống. |
Thân thương những nếp nhà sàn
Giữa những ngày nắng hạ, chúng tôi vượt qua Đèo Yêu thơ mộng, đi thêm hơn 2km từ trung tâm xã Bằng Thành, tỉnh Thái Nguyên sẽ lên đến bản làng của đồng bào dân tộc Sán Chỉ - Khâu Đấng. Nằm ở vị trí trên cao, Khâu Đấng thơ mộng giữa mây trời bao phủ, không gian trong trẻo và những nếp nhà sàn chân phương dưới chân núi hùng vĩ.
Cùng chị Hoàng Thị Mộng, Bí thư Chi bộ thôn Khâu Đấng, chúng tôi đến ngôi nhà sàn của ông Hoàng Văn Cầu. Ông Cầu là người có uy tín, đã có 32 năm làm trưởng thôn, là người hết lòng với sự phát triển của Khâu Đấng hôm nay. Giống như những người dân ở bản làng vùng cao khác, ông Hoàng Văn Cầu giản dị, ít nói và có đôi mắt sáng lấp lánh.
Ngôi nhà sàn của gia đình ông Cầu đã hơn 30 năm tuổi, cột nhà vuông vắn, bền chắc với thời gian. Để dép bên dưới, chúng tôi đi chân trần lên những bậc thang nhẵn bóng, mát rượi. Phía trước cửa nhà có khoảng sàn rộng, nơi đây thường dùng để phơi ngô, thóc...
Nhà sàn của gia đình ông Cầu gồm 54 chiếc cột; 3 gian chính, 2 gian cột con và 3 gian cột hiên. Gian chính giữa là gian thờ, phía hai bên là gian buồng rộng. Bếp lửa được đặt giữa nhà, đây là không gian chung, nơi nhen lên ngọn lửa ấm áp của gia đình.
Hiện nay, Khâu Đấng có 36 hộ dân nhưng vẫn lưu giữ được 33 nếp nhà sàn. Các căn nhà ở đây có điểm tương đồng là đều dựa lưng vào núi, mặt chính ở hướng Nam và cầu thang từ hướng Đông đi lên. Ông Cầu bảo, bà con ở đây quan niệm rằng, khi mặt trời mọc, những tia nắng đầu tiên sẽ chiếu theo cầu thang mà lên nhà, như vậy gia đình sẽ làm ăn dễ hơn, ngày càng phát triển, đi lên.
Ngồi trước hiên nhà, nhìn ra ngọn núi với mây trắng vấn vít xung quanh, ông Cầu cất giọng trầm ấm: Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, từ bé đã được các cụ dặn phải giữ lấy cái gốc của mình. Người Sán Chỉ về đây sinh sống, dựa vào rừng núi, đến năm 1990 mới biết làm ruộng bậc thang, đời sống bắt đầu được nâng lên.
Tôi vẫn nhắc với các cháu: Mình là người dân tộc Sán Chỉ, văn hoá truyền thống phải giữ vững, trang phục, nhà sàn, ngôn ngữ… đó là những điều cốt lõi.
Phát huy giá trị văn hoá truyền thống
Bếp lửa trong nhà sàn truyền thống. |
Đến Khâu Đấng, không khó để có thể nhận ra tình yêu và ý thức giữ gìn văn hoá truyền thống của người dân nơi đây. Dọc đường đi, từ những cụ bà đến em bé nhỏ xíu, tất cả đều mặc trang phục truyền thống.
Chạm tay vào viền trang trí được thêu rất kỳ công trên áo, bà Hoàng Thị Xuân (67 tuổi) chia sẻ: Con gái ở Khâu Đấng 12 tuổi đã bắt đầu học thêu, cắt may trang phục. Đầu tiên sẽ học khâu vạt áo, rồi học thêu trang trí. Ở đây trẻ con đi học hay chúng tôi đi làm nương, làm rẫy cũng mặc trang phục truyền thống. Thế nên ai cũng có vài bộ để thay nhau, có một bộ đẹp nhất để mặc trong những dịp quan trọng hay lễ hội.
Trang phục dân tộc Sán Chỉ không có nhiều màu sắc sặc sỡ, chủ yếu là vải chàm với những điểm nhấn thêu tay kỳ công. Áo dài bên ngoài làm bằng vải chàm có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải, các mép áo được viền một dải màu đỏ, chiều dài tà áo ngang bắp chân.
Đi kèm với bộ trang phục Sán Chỉ đó là chiếc thắt lưng. Thắt lưng được dệt từ những sợi len, sợi vải nhuộm nhiều màu sắc, có đính những bông bạc, hoặc kim loại, tạo điểm nhấn nổi bật. Cùng với đó là vòng cổ, vòng tay bằng bạc lấp lánh, vòng cổ còn được buộc phía sau gáy một dải trang trí cầu kỳ, nhiều màu sắc.
Điều đặc biệt nhất trong tạo hình của những cô gái Sán Chỉ là kiểu tóc được búi cao và trang trí với nhiều phụ kiện. Búi tóc được quấn quanh bởi một dải ghim trắng, phía trên là mặt trống đồng, bên phải trang trí bằng những chiếc trâm cài có gắn từng chùm chuông nhỏ.
Chỉ lên dải gim cài được cuốn quanh búi tóc, chị Triệu Thị Linh (sinh năm 2003) bảo: Trước đây chưa nghĩ ra cách cài ghim sẵn như này thì mỗi lần làm tóc phải mất cả giờ đồng hồ. Nhưng đấy là trong những dịp đặc biệt thôi, còn khi đi làm chỉ dùng khăn trùm đầu cho thuận tiện. Trước đây tôi và các bạn thường xuyên mặc trang phục truyền thống đi học, ai cũng khen đẹp nên rất là tự hào.
Bên cạnh nếp nhà sàn, trang phục truyền thống, người dân ở đây còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hoá, như: Lễ hội đầu xuân; các nghi lễ đặc trưng…
Với những lợi thế về thiên nhiên, văn hoá, con người, Khâu Đấng đang là một trong những điểm du lịch cộng đồng được đầu tư, hỗ trợ phát triển. Hiện nay, giao thông, điện lưới, công trình dân sinh đang được hoàn thiện. Có 9 gia đình đăng ký thực hiện kinh doanh dịch vụ homestay đã chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, hàng rào, trưng bày các vật dụng truyền thống của người Sán Chỉ.
Người dân phấn khởi bắt tay vào thực hiện mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi các loại vật nuôi bản địa để phát triển kinh tế, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm…
Nói về định hướng trong tương lai, chị Hoàng Thị Mộng, Bí thư Chi Bộ thôn Khâu Đấng tự tin: Bà con trong thôn rất phấn khởi, ai cũng sẵn sàng bắt tay vào làm du lịch cộng đồng. Khâu Đấng hiện có thể đón tiếp 50 khách du lịch lưu trú. Hy vọng trong thời gian tới, thôn Khâu Đấng sẽ đẹp hơn, được nhiều người biết đến và sớm đón những đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm các giá trị văn hóa.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc được gìn giữ nguyên vẹn, cùng cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, con người thân thiện và tinh thần sẵn sàng đổi mới, Khâu Đấng đang hội tụ nhiều yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng cao Thái Nguyên.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/binh-yen-khau-dang-25b0dcc/
Bình luận (0)