Nguồn tài nguyên văn hóa bản địa độc đáo
Việc sáp nhập các xã Nghĩa Hưng, Hà Bầu, Chư Đang Ya và Biển Hồ thành xã Biển Hồ đã hình thành một vùng du lịch giàu tiềm năng, độc đáo và đa dạng. Sau khi sắp xếp, xã Biển Hồ có tổng diện tích tự nhiên 170,44 km2 với 40 thôn, làng, trong đó có 22 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi làng là một “mảnh ghép” văn hóa - lịch sử - thiên nhiên đặc trưng, góp phần tạo nên bức tranh tổng thể đa sắc màu.
Với 41% dân số là người dân tộc thiểu số, xã Biển Hồ có nền tảng quý giá để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm chất Tây Nguyên, từ khám phá đời sống văn hóa, tham gia lễ hội, biểu diễn cồng chiêng, tìm hiểu các nghề truyền thống, đến thưởng thức ẩm thực truyền thống… Đồng thời, hình thành mô hình du lịch có sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa.

Bà R’Cơm H’Myữ - Chủ tịch Hội LHPN xã Biển Hồ - cho hay: Năm 2022, CLB Dệt thổ cẩm làng Phung được thành lập với 20 thành viên là phụ nữ nhằm lưu giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc. Hội LHPN và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã trích kinh phí, đồng thời kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 50 triệu đồng mua khung cửi cùng một số nguyên liệu dệt thổ cẩm cho các thành viên. Đồng thời, tích cực đưa các sản phẩm của CLB giới thiệu tại các sự kiện văn hóa của địa phương.
Nghệ nhân Rơ Lan Pel - Chủ nhiệm CLB Dệt thổ cẩm làng Phung - chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm gắn bó lâu đời với người phụ nữ Jrai và là niềm tự hào của người dân xã Biển Hồ. Tôi sử dụng phòng khách của gia đình làm nơi trưng bày sản phẩm thổ cẩm của CLB. Nơi đây trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Những sản phẩm thổ cẩm do các thành viên CLB làm ra đều bền và đẹp, được khách hàng ưa chuộng đặt mua làm kỷ niệm khi đến tham quan du lịch tại xã Biển Hồ. Điều này không chỉ tạo thêm thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng mà còn là động lực để chị em phụ nữ duy trì nghề dệt truyền thống của dân tộc”.

Nhiều dư địa phát triển các loại hình du lịch
Tiềm năng phát triển du lịch của xã Biển Hồ dựa trên nhiều lợi thế như: địa bàn rộng lớn, bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú... Xã có các vùng cảnh quan trọng điểm như: Biển Hồ - “đôi mắt Pleiku”; núi lửa Chư Đang Ya - địa điểm gắn liền với lễ hội hoa dã quỳ; núi Chư Nâm; hồ Tân Sơn; đồi chè Biển Hồ; hàng thông trăm tuổi. Bên cạnh đó, xã có các đặc trưng văn hóa Tây Nguyên như lễ hội cồng chiêng, nhà rông, giọt nước…; các điểm đến du lịch tâm linh như nhà thờ Giáo xứ Tiên Sơn, nhà thờ Giáo xứ Đức Bà Biển Hồ, di tích nhà thờ cũ Hà Bầu, chùa cổ Bửu Minh.

Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya được Chính phủ đưa vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: Về tiềm năng, Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya có 2 hạt nhân du lịch chính là Khu sinh thái Biển Hồ ở phía Nam và miệng núi lửa Chư Đang Ya ở phía Bắc. Đây là khu vực có địa hình thuận lợi, cảnh quan đẹp với diện tích mặt nước lớn và đa dạng; là khu vực có nhiều điểm du lịch triển vọng với những di tích lịch sử được xếp hạng; có lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Tại buổi làm việc với xã Biển Hồ mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung cho rằng: Xã Biển Hồ sau sáp nhập có quy mô diện tích và dân số lớn, hội tụ nhiều điểm du lịch kỳ vĩ, mở ra cơ hội hình thành một không gian du lịch liên hoàn, đa dạng và giàu bản sắc. Xã Biển Hồ có thể phát triển đồng thời nhiều loại hình du lịch đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Trong lộ trình phát triển, xã cần tính toán, đề xuất phương án để khai thác tốt các dư địa phát triển du lịch. Đồng thời, xã cần hình thành các quy hoạch để tính toán, phát triển các hoạt động trải nghiệm, lưu trú, hình thành các điểm đến, kết nối khách du lịch…
“Nếu biết kết nối các thôn, làng, bảo tồn giá trị gốc và nâng cấp hạ tầng đón khách, Biển Hồ hoàn toàn có thể trở thành điểm đến văn hóa - sinh thái - cộng đồng tiêu biểu của Gia Lai”-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Rah Lan Chung nhấn mạnh.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/bien-ho-xay-dung-mo-hinh-kieu-mau-ve-du-lich-post561693.html
Bình luận (0)