Sư trụ trì chùa Thiếu Lâm - Thích Vĩnh Tín (giữa) - Ảnh: CN
Ngày 27-7, tài khoản WeChat chính thức của Thiếu Lâm Tự xác nhận ông Thích Vĩnh Tín đang bị nhiều cơ quan liên ngành điều tra với các cáo buộc nghiêm trọng: biển thủ vốn dự án và tài sản chùa, vi phạm giới luật tu hành, quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ trong thời gian dài và có ít nhất một người con ngoài giá thú.
Đồng thời nhà chùa cũng thông báo ông đã bị đình chỉ chức vụ trụ trì để phục vụ công tác điều tra.
“Chúng tôi cam kết hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng, và sẽ thông tin kịp thời tới công chúng theo tiến trình sự việc”, thông báo viết, được dẫn lại trên các trang báo chính thống như The Paper và Sina Tài chính.
Các cáo buộc lần này không phải mới. Năm 2015, một người tự nhận là cựu đệ tử của Thiếu Lâm từng đứng ra tố cáo ông Vĩnh Tín với nội dung tương tự: sử dụng tiền chùa vào mục đích cá nhân, nuôi con riêng, quan hệ tình cảm ngoài giới luật.
Khi đó chính quyền tỉnh Hà Nam đã vào cuộc nhưng kết luận không đủ bằng chứng để xử lý. Tuy nhiên lần này vụ việc được chính Thiếu Lâm Tự công bố trước, với giọng điệu cứng rắn và nghiêm trọng hơn, khiến dư luận tin rằng các cáo buộc không còn có thể bị che đậy như trước.
Ngay sau khi thông tin được xác nhận, làn sóng chỉ trích bùng lên trên khắp các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc và truyền thông chính thống.
Tờ Phoenix News dẫn lời nhà bình luận Hu Xijin nhận định đây là "hồ sơ bê bối tôn giáo lớn nhất trong nhiều năm" và cảnh báo hậu quả đối với uy tín lâu đời của Thiếu Lâm Tự.
Tờ Sina không giấu lo ngại khi đặt câu hỏi về tính minh bạch trong vận hành tài sản tôn giáo: “Thiếu Lâm là biểu tượng quốc gia, nhưng đã quá lâu hoạt động như một doanh nghiệp với người đứng đầu vừa tu hành vừa làm quản trị”.
Không chỉ trong nước, báo chí quốc tế cũng theo sát và bày tỏ thất vọng sâu sắc. Financial Times nhấn mạnh ông Thích Vĩnh Tín - người từng đưa Thiếu Lâm Tự thành thương hiệu toàn cầu, được gọi là "CEO nhà chùa", giờ lại đối mặt với những cáo buộc làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín cá nhân và hình ảnh một biểu tượng võ học, di sản văn hóa Trung Hoa.
AP News đăng bài với tiêu đề “Trụ trì chùa Thiếu Lâm bị điều tra vì biển thủ và có con riêng”, đồng thời nhấn mạnh đến tác động tiêu cực đến văn hóa Trung Quốc.
South China Morning Post, trong một bài viết ngày 28-7, đánh giá vụ việc “đã gây chấn động không chỉ trong giới Phật giáo mà còn với cả cộng đồng võ thuật quốc tế”.
Sư trụ trì Thích Vĩnh Tín từ lâu đã bị chỉ trích - Ảnh: QQ
Thiếu Lâm Tự từ lâu được xem là cái nôi võ học Trung Hoa, nơi khởi phát của nhiều môn phái và giá trị đạo đức võ lâm. “Thật khó tưởng tượng rằng vị trụ trì của nơi thiêng liêng đó lại bị cáo buộc vi phạm cả giới luật lẫn đạo lý võ học”, bài báo viết.
Deccan Herald (Ấn Độ) thì gọi đây là cú sốc lớn đối với những ai từng xem Thiếu Lâm như biểu tượng tinh thần của phương Đông, nơi dung hòa giữa tâm linh và võ công.
Phản ứng từ cộng đồng võ thuật cũng cho thấy sự thất vọng sâu sắc. Trên các diễn đàn võ học Trung Quốc, nhiều người bày tỏ cảm giác bị phản bội.
Một võ sư họ Trương, từng dẫn học trò đến Thiếu Lâm tập huấn, trả lời Sina Sports rằng ông cảm thấy “mất mặt vì từng giới thiệu Thiếu Lâm như nơi thanh tịnh và gương mẫu”. Trên mạng xã hội Weibo, hashtag “Thiếu Lâm lung lay” đã đạt hơn 200 triệu lượt đọc chỉ sau 2 ngày, đi kèm hàng nghìn bình luận phẫn nộ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/be-boi-thieu-lam-tu-bieu-tuong-vo-hoc-trung-quoc-lung-lay-20250728111335454.htm
Bình luận (0)