Theo quy định mới, ngoài các nhóm đối tượng được quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế, một số nhóm đối tượng đặc thù tiếp tục được bổ sung tham gia bảo hiểm y tế như: công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người dân cư trú tại các xã từng là an toàn khu cách mạng trong kháng chiến; nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn; nạn nhân bom mìn sau chiến tranh; thân nhân người làm công tác cơ yếu; người từng tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; học viên đào tạo quân sự cấp xã theo diện tập trung; các trường hợp đặc thù theo quy định của pháp luật.
Quy định cũng nêu rõ nguyên tắc tham gia bảo hiểm y tế đối với các đối tượng đồng thời thuộc nhiều nhóm, bảo đảm lựa chọn theo quyền lợi cao nhất. Mức đóng cơ bản được xác định bằng 4,5% tiền lương tháng hoặc mức lương cơ sở, tùy theo từng nhóm đối tượng. Trong đó, người lao động và người sử dụng lao động sẽ cùng đóng (theo tỷ lệ 1/3 và 2/3); cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đóng cho nhóm hưu trí, người hưởng trợ cấp thất nghiệp; ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng cho nhóm thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn...
Đặc biệt, nghị định quy định rõ mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong đó có các mức hỗ trợ 100%, 70%, 50% và 30% tùy theo từng nhóm đối tượng, thời gian hỗ trợ và điều kiện cụ thể. Việc hỗ trợ được thực hiện công khai, minh bạch, gắn với dữ liệu dân cư và cư trú quốc gia.
Việc ban hành Nghị định số 188/2025 là bước cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, thể hiện rõ chính sách nhân văn, chăm lo đời sống, sức khỏe của nhân dân, nhất là đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, người có công và các nhóm yếu thế trong xã hội.
Nguồn: https://baodanang.vn/ban-hanh-quy-dinh-moi-ve-doi-tuong-muc-dong-va-ho-tro-bao-hiem-y-te-3296828.html
Bình luận (0)