Bài 1: Phát triển vượt bậc
Bài 2: Nâng tầm giá trị
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và yêu cầu ngày càng cao từ thị trường trong và ngoài nước, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi đã trở thành một tiêu chí bắt buộc để phát triển bền vững. Chính vì vậy, ngay từ sớm, tỉnh Tiền Giang đã nhận diện rõ vấn đề này và có bước đi bài bản.
QUY HOẠCH VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi được xác định là vấn đề quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Do đó, ngay từ những năm 2003, ngành Nông nghiệp đã tham gia Dự án Phát triển khí sinh học (Hà Lan), Dự án QSEAP, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (DA LCASP).
Hệ thống xử lý phân gia cầm bằng bồn ủ vi sinh (trang trại quy mô lớn). |
Nhờ vậy, đến nay đã có gần 12.000 công trình khí sinh học được xây dựng, giúp các hộ chăn nuôi tận dụng chất thải để tạo ra năng lượng sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, các trang trại quy mô vừa và lớn cũng được hướng dẫn xây dựng bồn ủ vi sinh để sản xuất phân hữu cơ, vừa giảm chất thải cho môi trường, vừa tạo thêm giá trị kinh tế từ phụ phẩm chăn nuôi. Với các cơ sở nhỏ và nông hộ, ngành chăn nuôi khuyến khích áp dụng những giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả như: Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái, ủ phân bằng chế phẩm sinh học EM, xử lý phân bằng ấu trùng ruồi lính đen. Những giải pháp này không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế nông hộ, mà còn đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, giảm thiểu phát tán mầm bệnh và mùi hôi ra môi trường xung quanh.
Ngoài ra, một trong những chiến lược quan trọng giúp Tiền Giang phát triển ngành chăn nuôi bền vững là thực hiện quy hoạch và tái tổ chức lại sản xuất theo vùng tập trung, chuyên môn hóa và có kiểm soát.
Bên cạnh đó, việc căn cứ vào Luật Chăn nuôi năm 2018 và các nghị định hướng dẫn, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có Nghị quyết 30/2020 ngày 10-12-2020 của HĐND tỉnh quy định rõ: Không được phép chăn nuôi trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư nhằm tránh lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, tỉnh cũng đã thực hiện chủ trương quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung 200 ha tại xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước. Vùng chăn nuôi tập trung tại xã Thạnh Hòa đang được hình thành và thu hút đầu tư; định hướng phát triển các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Việc quy hoạch vùng chăn nuôi không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý nhà nước, mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút đầu tư và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BỀN VỮNG
Để phát triển ngành chăn nuôi toàn diện, hiệu quả và bền vững, ngoài việc ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi, ngành còn trú trọng đến công các phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh với phương châm: Chủ động - hiệu quả - an toàn.
Mô hình chăn nuôi trang trại gà ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ảnh do Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung cấp. |
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong quá trình phát triển ngành, Tiền Giang từng đối mặt với nhiều đợt dịch bệnh nghiêm trọng gây tổn thất lớn. Có thể kể đến: Dịch cúm gia cầm xảy ra từ cuối năm 2003 đến đầu năm 2004, thiệt hại hơn 329 tỷ đồng; dịch tai xanh trên heo năm 2010, tiêu hủy gần 2.900 tấn heo; dịch tả heo châu Phi năm 2019, ảnh hưởng tới 6.099 hộ, tiêu hủy gần 10.000 tấn heo; viêm da nổi cục trên trâu và bò năm 2021, tiêu hủy hơn 3,7 tấn gia súc...
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời từ UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc của ngành Thú y và chính quyền địa phương, công tác phòng, chống dịch bệnh đã có chuyển biến rõ rệt. Đến nay, tỉnh đạt được những kết quả nổi bật như: Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm duy trì ổn định trên 75% tổng đàn; các ổ dịch đều được phát hiện sớm, xử lý gọn, không còn xảy ra các ổ dịch lây lan diện rộng; không có ca bệnh dại trên người và chó từ năm 2018 đến nay.
Đặc biệt, Tiền Giang còn là một trong những địa phương tiên phong áp dụng kỹ thuật test nhanh để phát hiện và xử lý heo bệnh kịp thời. Đồng thời, tỉnh tổ chức tập huấn sâu rộng đến tận ấp, giúp người dân nắm vững kiến thức phòng dịch, lựa chọn vắc xin phù hợp dựa trên kết quả giám sát mầm bệnh hằng năm.
Song song đó, công tác kiểm soát vận chuyển và kiểm dịch động vật được thực hiện nghiêm ngặt. Ngành chăn nuôi còn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc phòng bệnh lây từ động vật sang người, cung cấp thuốc sát trùng miễn phí cho vùng có nguy cơ cao.
Từ chỗ phòng dịch bằng kinh nghiệm dân gian, đến nay, Tiền Giang đã kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý đàn vật nuôi bằng phần mềm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về: Tác hại của dịch bệnh, lạm dụng kháng sinh; tầm quan trọng của vệ sinh chuồng trại, an toàn sinh học; hiệu quả từ chăn nuôi an toàn, theo chuỗi liên kết. Những thay đổi tích cực này đã lan tỏa đến từng hộ chăn nuôi, từ đó tạo nên một cộng đồng sản xuất có trách nhiệm, sẵn sàng đổi mới, thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Với nền tảng đã đạt được, ngành chăn nuôi tỉnh Tiền Giang tiếp tục đặt mục tiêu phát triển theo hướng bền vững về môi trường, hiệu quả về kinh tế, an toàn về dịch bệnh, hội nhập quốc tế, ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý vật nuôi, môi trường và chuỗi cung ứng. Đồng chí Hồ Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết:
“Trong thời gian tới, để ngành chăn nuôi tỉnh tiếp tục phát triển, ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi của tỉnh trong lĩnh vực chăn nuôi; nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả từ các kết quả của đề tài khoa học - công nghệ tỉnh. Đặc biệt là xử lý chất thải trong chăn nuôi đúng quy định.
Ngành đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong chăn nuôi; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn vật nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật. Đồng thời, xây dựng và đăng ký thương hiệu theo hình thức chứng nhận nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với sản phẩm gà ác, gà tre và sản phẩm chăn nuôi gà; triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi hằng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt một cách có hiệu quả nhất”.
Chặng đường phát triển của ngành chăn nuôi Tiền Giang 50 năm qua không chỉ là câu chuyện tăng đàn hay sản lượng, mà là sự thay đổi toàn diện về tư duy, cách làm và hướng đi. Với định hướng phát triển gắn chặt với bảo vệ môi trường và kiểm soát dịch bệnh, trong giai đoạn mới, ngành tiếp tục vững bước trở thành một trong những nơi đi đầu trong xây dựng ngành chăn nuôi hiện đại, an toàn, xanh - sạch - bền vững và sẵn sàng hội nhập quốc tế.
HỮU THÔNG
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202507/nganh-chan-nuoi-huong-phat-trien-ben-vung-than-thien-voi-moi-truong-bai-cuoi-phat-trien-gan-voi-bao-ve-moi-truong-1046360/
Bình luận (0)