Từ những thất bại đầu tiên
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống trồng nhãn, anh Bùi Xuân Sử thấu hiểu những vất vả, rủi ro của người nông dân khi lệ thuộc vào thời tiết, sâu bệnh và thị trường bấp bênh. Trước thực trạng sử dụng hóa chất tràn lan, ảnh hưởng đến chất lượng trái cây và sức khỏe người tiêu dùng, anh luôn trăn trở tìm hướng đi bền vững.
Năm 2018, sau khi tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp sạch và canh tác hữu cơ và tham gia hai khóa học về chăm sóc cây hữu cơ tại Hà Nội và Sơn La do Tổ chức nông nghiệp của Cộng hòa Ireland đào tạo, anh quyết tâm chuyển đổi hơn 1,3 mẫu của gia đình sang sản xuất nhãn hữu cơ, nói không với thuốc trừ sâu hóa học và phân bón vô cơ.
Anh Sử chia sẻ, khi anh quyết định thay đổi cũng có nhiều người ái ngại là liều, mạo hiểm, hiểu biết gì về hữu cơ đâu mà làm, ngay cả những thành viên trong gia đình cũng không ủng hộ. Anh Sử đối mặt với không ít khó khăn: chi phí đầu tư ban đầu cao, năng suất giảm do không dùng thuốc bảo vệ thực vật, giá nhãn bán ra bấp bênh, cộng đồng xung quanh còn nghi ngại. Nhất là năm 2020 – 2021, do bị sốc dinh dưỡng nên cây nhãn bị yếu, cho sản lượng thấp, mẫu mã quả xấu. Trung bình 1 sào chỉ cho năng suất từ 4-5 tạ, giảm gần một nửa so với thâm canh theo quy trình Vietgap, khó khăn nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Trước tình hình đó, anh Sử đứng trước hai lựa chọn: Tiếp tục cố gắng hay dừng lại?

Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và niềm tin vào con đường mình chọn, anh bắt đầu cải tạo đất bằng phân chuồng mục, ủ phân hữu cơ vi sinh, sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, thay thế hoàn toàn các loại thuốc hóa học. Anh còn tận dụng các bài thuốc dân gian như ngâm tỏi, gừng, ớt… làm dung dịch xịt để phòng sâu bệnh. Anh ghi chép cẩn thận từng công đoạn, từ bón phân đến tỉa cành, ra hoa, đậu quả, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt anh đã rút ra kinh nghiệm là phải chăm sóc dinh dưỡng theo từng cây. Nhờ đó, từ năm 2022, cây nhãn của gia đình anh đã dần hồi phục cho mẫu mã đẹp hơn, sản lượng cao hơn và chất lượng ngon hơn.
Trái ngọt từ sự kiên trì
Theo anh Sử, việc chăm cây nhãn theo hướng hữu cơ tốn nhiều công sức và thời gian hơn so với nhãn trồng theo phương pháp truyền thống. Phân bón cho cây chủ yếu từ các sản phẩm ngâm ngô, đỗ, cá… được ủ sinh phẩm, khử mùi hôi tanh rồi hòa nước và tiến hành tưới gốc cây. Cả một vụ chỉ sử dụng Nano Bạc, 3 tuần phun một lần, mỗi tuần lại lấy gừng, tỏi, ớt, rượu pha loãng để diệt trứng và xua đuổi côn trùng. Vườn nhãn anh Sử là mô hình đầu tiên ứng dụng chế phẩm Nano Bạc S500 sản xuất sản phẩm nhãn an toàn trong vùng xuất khẩu thị trường Mỹ. Hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Để phòng trừ sâu bệnh cho nhãn, anh Sử sử dụng các chế phẩm hữu cơ để xua đuổi côn trùng và hỗ trợ diệt nấm bệnh, tuyến trùng, vi rút, vi khuẩn...
"Với quyết tâm mang đến cho khách hàng những quả nhãn chất lượng, an toàn nhất, đến nay, gia đình tôi đã thành công với mô hình và được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Sau 5 năm, cây đã thuần hóa với nguồn thức ăn mới nên chất lượng quả đồng đều, mã đẹp, có vị ngọt thanh. Nhưng điều quan trọng nhất là khi thâm canh theo mô hình hữu cơ sẽ bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, " - anh Sử nói.
Anh Sử cho biết năm 2022, sau khi sản phẩm nhãn quả hữu cơ ở trang trại được anh gửi Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Hưng Yên kiểm tra và sản phẩm nhãn quả hữu cơ đã đủ tiêu chuẩn được xuất khẩu sang thị trường Đức.
Bên cạnh đó, anh Sử chủ động tham dự các hội chợ để quảng bá sản phẩm sạch; kết nối với chuỗi siêu thị để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, sản phẩm nhãn hữu cơ của anh được phân phối tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tại Hà Nội và được người tiêu dùng đánh giá cao, với giá bán cao hơn 30–40% so với sản phẩm thường, giúp tăng thu nhập, đồng thời tạo uy tín trên thị trường.
Đến nay, diện tích trồng nhãn hữu cơ của anh Bùi Xuân Sử là trên 1,3 mẫu, cho sản lượng trung bình hằng năm đạt 7-8 tấn, giá bán ra thị trường 45.000 – 55.000 đồng/kg.
Lan tỏa mô hình sản xuất sạch
Thành công với mô hình nhãn lồng hữu cơ, anh Bùi Văn Sử tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân xung quanh. Anh tham gia thành lập Hợp tác xã Nhãn lồng Nễ Châu với mục tiêu xây dựng thương hiệu nhãn sạch Hưng Yên, hướng đến thị trường xuất khẩu. HTX hiện có 33 thành viên với tổng diện tích trên 18 ha.
“Cũng thuyết phục vận động mãi đấy. Mình có nói bằng giời cũng không thể bằng người dân trực tiếp trải nghiệm. Một cây cũng được, vài ba cây cũng được. Tôi vẫn thường vận động bà con, các ông các bà yên tâm. Tôi làm cả vườn, nếu rủi ro, nếu thất bại thì tôi bị nặng nhất, tại sao tôi vẫn cứ làm, vì tôi tin là sẽ thành công”, anh Bùi Xuân Sử chia sẻ hành trình vận động các thành viên HTX thay đổi phương thức canh tác.
Hiện nay, mô hình của anh Sử được chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp đánh giá cao và chọn làm điểm tham quan, học tập. Hành trình sản xuất nhãn hữu cơ của anh Bùi Xuân Sử không chỉ là câu chuyện của trái nhãn sạch, mà còn là của tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, nhìn xa, trông rộng để vươn tầm của người nông dân Hưng Yên.
Nguồn: https://baohungyen.vn/anh-nong-dan-dam-me-lam-nong-nghiep-sach-3182502.html
Bình luận (0)