Lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: PHƯƠNG LAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc. Ảnh: GIA KHÁNH
Giữa khói binh, ai cũng nguyện lòng hy sinh...
Tháng 7 - mùa tri ân trở về. Chúng tôi đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bảy (sinh năm 1935), ngụ xã Óc Eo. Bước vào căn nhà nhỏ, không khí như trĩu nặng bởi những nỗi đau và cũng bừng sáng bởi khí phách kiên cường của một đời mẹ. Ở nơi ấy, từng bức tường, từng góc nhà vẫn còn vẹn nguyên ký ức về tháng năm xưa cũ đầy gian khó và kiêu hãnh. Mỗi câu chuyện mẹ kể như rót vào lòng người nghe vị mặn của nước mắt, vị ngọt của tình yêu nước và sự hy sinh thầm lặng.
Chồng mẹ, liệt sĩ Hứa Văn Thật, vĩnh viễn ra đi năm 1969 trong khói lửa chiến tranh, để lại trong tim mẹ nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai. Năm 1982, người con trai Hứa Hà Triều ngã xuống chiến trường Campuchia, nối tiếp truyền thống anh hùng của gia đình. Những nếp nhăn trên gương mặt mẹ khắc sâu mất mát, nhưng ánh mắt mẹ vẫn sáng lên niềm tự hào và tình yêu quê hương bất diệt.
Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn luôn nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình, độc lập, trách nhiệm gìn giữ thành quả mà cha ông đã đổi bằng máu xương. Bà Phạm Thị Biện (sinh năm 1937), mang trên mình thương tật hạng 3/4, di chứng chất độc hóa học, hiện đang thường trú khóm An Thới, phường Mỹ Thới. Bà tham gia kháng chiến từ rất sớm, với tinh thần yêu nước sục sôi. Năm 1968, trong một trận chiến ác liệt tại Cà Mau, bà cùng đồng đội đã phải đối mặt với mưa bom bão đạn của kẻ thù. “Ngày đó, dù tôi và đồng đội bị thương, nhưng không ai tỏ ra sợ hãi, chỉ một lòng chiến đấu vì Tổ quốc”, bà Biện xúc động kể lại.
Đến năm 1972, một biến cố lớn ập đến. Bà bị địch bắt giam, đứa con đầu lòng khi ấy mới hơn 1 tuổi cũng phải chịu cảnh tù đày cùng mẹ. “Tôi chịu đòn nhiều nhất. Hơn mười mấy tháng bị bắt giam, chịu liên tiếp những trận đòn roi lên tấm thân nhỏ bé, con còn nhỏ khát sữa đòi mẹ, nghĩ lại cảnh ấy, lòng căm thù lại càng sôi sục trong tôi”, bà Biện nghẹn ngào. Những đòn roi tàn khốc, tiếng khóc đòi sữa của con thơ không làm bà gục ngã mà ngược lại, càng hun đúc thêm ý chí kiên cường để đấu tranh giành độc lập.
Mặc niệm tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: GIA KHÁNH
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Giang Thanh Khoa thăm gia đình người có công với cách mạng.
Thực hiện hiệu quả chính sách
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 102/CĐ-TTg, ngày 30/6/2025. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công, cũng như triển khai Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
Tại An Giang, công tác quản lý và chăm lo người có công với cách mạng luôn được chú trọng. Hiện tỉnh đang quản lý trên 87.860 hồ sơ người có công và liên quan, trong đó có trên 14.000 lượt người có công nhận trợ cấp hàng tháng. Lĩnh vực hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg, toàn tỉnh có 2.024 trường hợp người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở được hỗ trợ cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới. Đến nay đã hoàn thành 1.991 căn, đạt 98,4%, còn 32 căn đang khẩn trương hoàn thiện, phấn đấu bàn giao trước ngày 27/7/2025.
Những ngày qua, các đoàn công tác của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đồng loạt tổ chức nhiều chuyến thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động thường niên, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh đối với gia đình có công với cách mạng, những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Các đoàn đến thăm, động viên, trao những phần quà ý nghĩa; ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Thế hệ hôm nay bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, cống hiến của cha anh, đồng thời động viên các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc, phường Thới Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 9.000 liệt sĩ, Bí thư Tỉnh đoàn Phan Duy Bằng khẳng định: “Tuổi trẻ An Giang xin nguyện tiếp nối truyền thống cánh mạng của các thế hệ đi trước; tuyệt đối tin tưởng, nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn; tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, sức trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn nêu cao tinh thần xung kích, tình nguyện, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đối mặt với thử thách, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc và Nhân dân cần”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG LAN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/78-nam-ven-nghia-tri-an-a424942.html
Bình luận (0)