Chúng tôi rời Tam Kỳ vào một buổi sáng, khi những tia nắng đầu tiên vừa tràn xuống phố. Chỉ chưa đầy 5 km về phía Đông, khung cảnh đô thị ồn ào nhanh chóng lùi lại, nhường chỗ cho vẻ đẹp yên ả, thanh bình đến lạ thường.
Lạc vào mê cung
Xe dừng lại bên một bến nước nhỏ, nơi những chòi sen mộc mạc soi bóng và hàng sậy xanh rì, đung đưa trong gió, như chào đón du khách.
Trước mắt chúng tôi là một vùng nước mênh mang, tĩnh lặng, uốn lượn trải dài qua các địa bàn từng có tên là các xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú của TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cũ.
Nơi đây, người dân địa phương vẫn thân mật gọi là "sông Đầm" - cái tên gợi sự gần gũi, thân thương cho "lá phổi xanh" độc đáo giữa lòng đô thị. Gọi là sông, nhưng thực tế đây là một hồ rộng với diện tích mặt nước khoảng 200 ha, không có thượng lưu, hạ lưu, mặt nước quanh năm tĩnh lặng.
Chim cò nhạn - loài chim có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, trú ngụ ở sông Đầm
Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, chúng tôi nhẹ nhàng lướt trên mặt sông Đầm, cảm nhận từng hơi thở của thiên nhiên trong nguồn không khí tinh khiết. Xung quanh, những bãi sậy cao quá đầu người tạo nên mê cung xanh mướt, kỳ ảo. Xen kẽ vào đó là sắc tím biếc của lục bình, hồng chúm chím của sen, trắng tinh khôi của hoa súng, tất cả cùng tô điểm cho mặt nước thêm phần thi vị.
Những hàng dừa nước được người dân và chính quyền địa phương vun trồng đang xanh tốt, trở thành những mảnh ghép lý tưởng, hòa quyện tuyệt đẹp vào bức tranh thủy mặc đa sắc màu.
Sức sống mãnh liệt của thảm thực vật nơi đây đã thu hút vô vàn loài chim về trú ngụ. Chúng tôi dễ dàng bắt gặp những đàn cò trắng bay lượn trên nền trời xanh biếc, tìm kiếm thức ăn, chơi đùa bên chiếc máy cày của những nông dân; những con diệc, bồ nông ung dung rảo bước trên vùng lát tìm mồi, hay đậu trên đám lục bình, sen súng rỉa lông.
Chỉ một tiếng động nhỏ, cả đàn chim nháo nhào, dáo dác bay lên không trung, tạo nên cảnh tượng ngoạn mục, khiến chúng tôi cứ ngỡ đang lạc giữa rừng U Minh của miền Tây sông nước. Khung cảnh ấy không chỉ đẹp mắt mà còn mang lại một cảm giác thư thái, an yên đến lạ thường.
Hệ sinh thái độc đáo
Sức hấp dẫn của sông Đầm không chỉ đến từ vẻ đẹp thơ mộng mà còn từ hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú, được ví như một kho báu quý giá của thiên nhiên.
Theo khảo sát mới đây của nhóm nghiên cứu Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, sông Đầm là mái nhà chung của 81 loài động vật có xương sống, bao gồm 33 loài cá, 1 loài lươn đồng, 16 loài bò sát, ếch nhái và đặc biệt là 31 loài chim; 214 loài động vật không xương sống và 211 loài côn trùng; 170 loài thực vật bậc cao, với đặc trưng là các loài cây ngập nước.
Những đóa hoa sen được Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Thăng 1 chăm sóc, vun trồng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của sông Đầm
Điều đáng chú ý, vài năm trở lại đây, sông Đầm còn trở thành điểm dừng chân của hàng ngàn con chim cò nhạn - loài chim quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Sự hiện diện của chúng không chỉ làm phong phú thêm đời sống tự nhiên mà còn biến nơi đây thành một địa điểm lý tưởng cho những ai yêu thích ngắm chim và hòa mình vào cảnh vật nên thơ, hữu tình.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị của sông Đầm, những năm qua, TP Tam Kỳ đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm quản lý, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Minh Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho biết thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiểm soát nguồn nước đầu vào sông Đầm, xử lý nghiêm các trường hợp dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt chim hoang dã và di cư.
Nhiều chủng loại cây bản địa như vừng cừa, sậy, dừa nước, tràm ta, lộc vừng, mù u... đã được trồng phục hồi, góp phần tạo nên vành đai xanh mát, bảo vệ môi trường. Mỗi năm, địa phương thả thêm hàng ngàn con cá các loại để làm đa dạng nguồn lợi thủy sản, góp phần tái tạo sự cân bằng tự nhiên.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi này, hệ sinh thái sông Đầm đã có những chuyển biến tích cực. Diện tích cây xanh tăng lên rõ rệt, mặt nước trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản dần phục hồi. Điều đáng quý là nhận thức của người dân địa phương cũng đã thay đổi.
Ông Phan Đình Ngộ, trưởng thôn Vĩnh Bình, cho hay những năm gần đây tôm cá đã về với sông Đầm nhiều hơn, cảnh quan cũng phục hồi xanh mát hơn. Đáng chú ý, trước sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và sự vào cuộc của người dân địa phương, tình trạng dùng xung điện đánh bắt thủy sản hay săn bắn chim dường như không còn.
Ngọc thô chờ giũa
Sông Đầm không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn hấp dẫn du khách bởi sẽ có những trải nghiệm du lịch sinh thái độc đáo, đậm chất bản địa.
Rất nhiều du khách đến vùng Bãi Sậy của sông Đầm đã hào hứng khi được làm như một dân chài lưới thực thụ, tự tay thả lưới bắt cá, chứng kiến những chiếc bẫy chươm truyền thống đặt xen kẽ giữa những vùng hoa sen, hoa súng, hoa lục bình. Mỗi lần thu hoạch, niềm vui vỡ òa khi những mẻ cá tôm tươi rói được kéo lên, mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ.
Đàn cò trắng bay lượn, chơi đùa với nông dân đang cày ruộng
Đó không chỉ là hoạt động giải trí mà còn là cách để du khách hiểu rõ hơn về đời sống sinh hoạt, về phương thức đánh bắt truyền thống của người dân địa phương.
Ông Bùi Việt Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Thăng 1, là người tiên phong làm du lịch sinh thái tại sông Đầm, cho hay những năm qua, du khách đến nhiều hơn với sông Đầm. Tuy nhiên, sông Đầm vẫn còn rất hoang sơ, chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ để thu hút, níu chân khách lâu hơn. Để phát triển du lịch một cách bài bản, ông cho rằng cần được đầu tư nhiều hơn và đồng bộ.
Ông Nguyễn Minh Nam cho biết định hướng trong đề án phát triển du lịch của Tam Kỳ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là gắn kết hệ sinh thái sông Đầm với di tích lịch sử Địa đạo Kỳ Anh, để tạo thành một khu vực trải nghiệm du lịch sinh thái gắn với giá trị bản địa, hướng tới đưa Bãi Sậy của sông Đầm thành một điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm có thương hiệu của địa phương.
Theo ông Nam, khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, lãnh đạo cơ sở ở đây cần tiếp tục kiến nghị với thành phố chú trọng phát triển du lịch sông Đầm theo định hướng đã đặt ra, vì đây thực sự là một viên ngọc thô, nếu giũa kỹ sẽ tỏa sáng.
Lá phổi xanh
Khi chiều buông xuống, mặt nước sông Đầm chuyển sang sắc vàng cam dịu nhẹ, từng cánh chim trở về tổ, mái chèo khua nhẹ trên dòng nước, để lại những gợn sóng nhỏ rồi tan dần.
Tôi hiểu rằng sự bình yên này không phải tự nhiên có, mà đó là thành quả từ lòng yêu quê hương, từ sự đổi thay trong nhận thức và hành động của mỗi người dân nơi này.
Với hệ động thực vật phong phú và vai trò là "lá phổi xanh" điều hòa không khí cho cả vùng, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch chung của TP Tam Kỳ (cũ) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới xây dựng một đô thị sinh thái hiện đại, thân thiện với môi trường. Sông Đầm được định hướng sẽ trở thành trung tâm lưu giữ, bảo tồn và cứu hộ cứu nạn sinh vật cảnh không chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũ mà còn cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Chính quyền TP Tam Kỳ (cũ) từng đề xuất thành lập Khu Bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học hệ sinh thái sông Đầm cấp quốc gia, cũng như xây dựng Bảo tàng Đa dạng sinh học tại khu vực này.
Sông Đầm tưởng luôn lặng lẽ nhưng trong nó đang mang nhiều thông điệp từ quá khứ, sức sống hiện tại và khát vọng trong tương lai.
Nguồn: https://nld.com.vn/yen-a-song-dam-196250712193648781.htm
Bình luận (0)