Thứ trưởng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ (thứ năm từ trái) và Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Uỷ ban Di sản thế giới (thứ sáu từ trái) cùng các thành viên đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp. |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp. Cùng tham dự còn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương; Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh; Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị và Huế, Trưởng ban Nội chính thành phố Huế, Đại sứ ta bên cạnh UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các Sở, ngành địa phương, Ban quản lý các khu Di sản thế giới tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, Ban thư ký Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam cùng nhóm chuyên gia của Việt Nam. Đây là Kỳ họp thứ hai Việt Nam tham gia với tư cách thành viên Uỷ ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Phát biểu tại Kỳ họp, Việt Nam khẳng định luôn chú trọng triển khai hiệu quả Công ước Di sản thế giới, lồng ghép tinh thần và nội dung của Công ước vào Luật di sản văn hoá năm 2024 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035, chú trọng đặt cộng đồng, người dân vào trung tâm, đề cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị 8 di sản thế giới tại Việt Nam, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác hiệu quả với Trung tâm Di sản thế giới và các cơ quan tư vấn. Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp cho Quỹ Di sản thế giới, đề xuất UNESCO và các nước thành viên tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả Công ước, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực, thúc đẩy tham gia và đóng góp của cộng đồng, phụ nữ và thanh niên.
Thứ trưởng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ, ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới (thứ tám từ phải) cùng các thành viên đoàn Việt Nam. |
Nhân dịp này, ngày 10/7, Thứ trưởng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ cũng đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với Giáo sư Nikolay Nenov, Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Uỷ ban Di sản thế giới, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về văn hoá Ernesto Ottone Ramirez, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo, Tổng Giám đốc Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) cùng Trưởng đoàn 20 nước thành viên Uỷ ban Di sản thế giới để thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương.
Trợ lý Tổng giám đốc về văn hoá đánh giá cao kết quả chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Tô Lâm tới trụ sở UNESCO (10/2024) và chuyến thăm Việt Nam rất thành công vừa qua của Tổng giám đốc UNESCO (6/2024), góp phần nâng tầm quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO, thể hiện sự tin cậy chiến lược và tầm nhìn chung hai bên. Chủ tịch Uỷ ban Di sản thế giới và Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới chia sẻ nhận định Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng, tin cậy, đóng góp hiệu quả, thực chất cho hợp tác UNESCO; là hình mẫu hợp tác giữa một quốc gia thành viên với Tổ chức; là điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân. Lãnh đạo UNESCO và các quốc gia thành viên cho rằng, Việt Nam có nhiều sáng kiến, mô hình hợp tác trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới cần được chia sẻ rộng rãi với các quốc gia thành viên khác.
Thứ trưởng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ trong cuộc trao đổi ông Ernesto Ottone Ramirez, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về văn hoá Ernesto Ottone Ramirez (thứ sáu từ phải). |
Chủ tịch Uỷ ban quốc gia UNESCO Nguyễn Minh Vũ mong muốn lãnh đạo và Ban thư ký UNESCO quan tâm, hỗ trợ tư vấn và ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam như Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Côn Sơn-Kiếp Bạc được xem xét ghi danh tại Kỳ họp lần này, Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê; Hang Con Moong; Tranh dân gian Đông Hồ; Nghệ thuật Chèo; Mo Mường; Thành phố sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh… Lãnh đạo UNESCO và ICOMOS cam kết hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, thúc đẩy các hồ sơ di sản mà Chủ tịch Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam đề nghị.
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 47 của Uỷ ban Di sản thế giới. |
* Chiều tối cùng ngày (giờ địa phương), Uỷ ban Di sản thế giới đã nhất trí thông qua Quyết định số 47 COM 7B.92 về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, theo đó, ghi nhận kết quả tích cực quốc gia thành viên đã thực hiện tốt các khuyến nghị của Kỳ họp Uỷ ban năm 2024, trong đó có Tầm nhìn trục chính tâm, chiến lược khảo cổ học và chiến lược diễn giải di sản Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt, Ủy ban Di sản thế giới khuyến nghị Việt Nam tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu liên ngành sau khi hạ giải các tòa nhà đã được Ủy ban thông qua, để bổ sung, làm rõ Tầm nhìn trục chính tâm Hoàng thành Thăng Long, trọng tâm là phục dựng Điện Kính Thiên và Không gian Chính Điện Kính Thiên.
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực và tôn trọng của Việt Nam trong việc giải quyết kịp thời các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, đồng thời tiếp nối sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và UNESCO, Đoàn liên ngành Trung tâm Di sản thế giới/ ICOMOS sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 7/2025, nhằm đánh giá các nỗ lực triển khai của Việt Nam, tư vấn chuẩn bị hồ sơ khoa học để đệ trình Báo cáo tình trạng bảo tồn khu di sản Hoàng thành Thăng Long, đề xuất chiến lược phục dựng Điện Kính Thiên và không gian Chính Điện Kính Thiên trước ngày 1/2/2026, và Ủy ban Di sản thế giới sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp lần thứ 48 năm 2026.
Đoàn Việt Nam làm việc tới Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS). |
* Ủy ban Di sản thế giới là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của Tổ chức UNESCO, với sự tham dự của 21 thành viên, có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản thế giới. Kỳ họp lần này sẽ xem xét 30 đề cử mới, mở rộng 2 di sản và rà soát tình trạng bảo tồn 248 di sản thế giới đã được ghi danh.
Nguồn: https://baoquocte.vn/viet-nam-phat-huy-vai-tro-thanh-vien-trach-nhiem-cua-uy-ban-di-san-the-gioi-320593.html
Bình luận (0)