Xót thương đồng đội hy sinh
Gần chạm ngưỡng bát thập niên, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn. Đặc biệt, ông có sức khỏe cùng trí nhớ mẫn tiệp. Trong phòng làm việc, những tập giấy do ông ghi chép cẩn thận thông tin liệt sĩ được sắp xếp khoa học, có thể tra cứu được ngay. Một lão tướng ở tuổi xưa nay hiếm nhưng sẵn sàng đi từ Bắc vào Nam để thực hiện các hoạt động tri ân liệt sĩ, làm công tác chính sách cho các đối tượng. Động lực nào giúp đôi chân ông không biết mỏi trên hành trình tình nghĩa? Trung tướng Hoàng Khánh Hưng thành thực: “Là nhờ các liệt sĩ phù trì, càng đi càng thấy sức mình khỏe ra, cái tâm thanh thản”. Ông đi để trả nghĩa đồng đội, vì thấy mình may mắn hơn rất nhiều liệt sĩ còn nằm lại nơi rừng sâu, núi thẳm.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng trao kinh phí ủng hộ xây nhà tình nghĩa tặng thân nhân liệt sĩ ở Quảng Ninh, năm 2024. Ảnh: TÍN NGHĨA |
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, đó là lý tưởng sống của lớp thanh niên quyết tâm diệt giặc lập công, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Tháng 11-1965, thanh niên Hoàng Khánh Hưng xung phong nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, Hoàng Khánh Hưng được điều về Đại đội Công binh Bến Thủy (Tỉnh đội Nghệ An) huấn luyện lái ca nô, kiên cường bám phà, bến sông dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù. Tháng 5-1969, đồng chí được biên chế về Tiểu đoàn 54 (Sư đoàn 324, Quân khu Trị Thiên), tham gia trận đánh đồi A Bia (còn gọi là “đồi thịt băm”) trên địa bàn Thừa Thiên-Huế. Trong trận đánh này, chứng kiến đồng chí Lê Minh Đức, xạ thủ 12,7mm, khi đối đầu với máy bay địch đã bị mảnh bom găm vào người và hy sinh, Hoàng Khánh Hưng vô cùng đau xót ôm người đồng đội cùng quê Nghệ An, rồi an táng đồng đội tại chiến trường. Qua năm tháng, địa vật đổi thay, dấu vết bị xóa nhòa nên hài cốt liệt sĩ (HCLS) Lê Minh Đức vẫn chưa tìm thấy.
Bước chân người lính Hoàng Khánh Hưng in dấu trên các chiến trường ác liệt. Tháng 7-1970, đồng chí tham gia chiến đấu ở Cốc Bai, Cô Pung (chiến trường Thừa Thiên-Huế) trên cương vị là Chính trị viên phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 54 (Sư đoàn 324). Đại đội có chiến sĩ Đặng Thọ Truật là xạ thủ 12,7 mm, cùng khẩu đội, có thành tích bắn hạ nhiều máy bay. Trong trận đánh tại cao điểm 935, địch thả bom bạt cả quả đồi. Có chiến sĩ hy sinh, đồng chí Hưng nén đau thương tự tay chôn cất đồng đội rồi mới rút về hậu cứ.
Giữa chiến trường ác liệt, chỉ sau một trận đánh đã người mất, người còn. Mùa hè rực lửa năm 1972, Hoàng Khánh Hưng tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Tại đây, người em kết nghĩa Nguyễn Văn Dư trong đội hình tiến công vào thành cổ đã bị thương vào chân. Liên lạc đơn vị đưa đồng chí Dư trở ra thì trúng đạn pháo và hy sinh. Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy HCLS Dư, khiến người anh, người đồng đội Hoàng Khánh Hưng day dứt bao năm qua.
Nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Sau chiến tranh, đồng chí Hoàng Khánh Hưng trải qua nhiều cương vị công tác và trở thành một vị tướng. Năm 2010, ông chính thức nghỉ hưu. Tuổi già nhưng không “lão giả an chi”, ông nghĩ nhiều về đồng đội. Có lần, ông đến thăm Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhận được lời căn dặn: “Khi chiến đấu, đồng đội bảo nhau người sống sẽ đưa người hy sinh trở về. Giờ hòa bình, chúng ta hãy gắng làm những việc tri ân đồng đội”.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng (thứ hai, từ phải sang) cùng vợ sang Lào tìm hài cốt liệt sĩ, năm 2019. Ảnh: TÍN NGHĨA |
"Đồng đội" hai tiếng thiêng liêng! Ông xót thương những người còn nằm lại nơi chiến trường xưa. Ông hồi tưởng quá khứ để rồi chập chờn trong ký ức hình ảnh người em kết nghĩa, người đồng đội cũ Nguyễn Văn Dư hy sinh khi tuổi mới đôi mươi. Đến nhà liệt sĩ Dư, ông thắp nén nhang thơm trước di ảnh. Bố mẹ liệt sĩ đã qua đời, chỉ còn lại người em gái hương khói phụng thờ. Căn nhà qua bao năm mưa nắng đã xuống cấp trầm trọng. Trở về Hà Nội, ông vận động các nguồn ủng hộ giúp xây ngôi nhà mới có vị trí trang trọng thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Dư. Ngày về thăm, người em gái liệt sĩ nắm lấy tay ông Hưng nghẹn ngào không nói nên lời.
Thời gian lùi xa dễ xóa nhòa những dấu vết quá khứ. Đó là thách thức lớn đối với công tác tìm kiếm HCLS. Điều trăn trở ấy càng hối thúc ông phải lên đường. Năm 2012, ông cùng một số thành viên của Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Quân khu Trị Thiên đi tìm HCLS. Trên chiếc xe bán tải của anh Đỗ Tuấn Đạt, một tình nguyện viên, ông trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội, giúp đỡ gia đình vận chuyển HCLS từ Nam ra Bắc.
Thế rồi ông cùng cộng sự sang Lào, nơi Sư đoàn 324 chiến đấu năm xưa và có đồng đội hy sinh được chôn cất ở đó. Đến Vientiane, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng được Đại tướng Chansamone Chanyalath, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Lào tiếp đón và hỗ trợ triển khai công tác tìm kiếm HCLS Quân tình nguyện Việt Nam. Suốt nhiều năm liền, ông có gần chục lần sang Lào và tìm được hàng chục phần mộ liệt sĩ, bàn giao cho Ban chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An làm công tác quy tập. Mỗi hành trình phải vượt qua cả nghìn ki-lô-mét trèo đèo, lội suối, luồn rừng nhưng không làm chùn bước vị tướng già nặng tình đồng đội. May sao trên chặng đường vất vả, ông có người vợ Nguyễn Thị Bích đồng hành. Vì là con liệt sĩ nên bà Bích rất đồng cảm và ủng hộ chồng tham gia các hoạt động tri ân, do đó, dù bản thân bị ung thư tuyến giáp nhưng bà vẫn hăng hái đi cùng chồng trên mọi nẻo đường.
Trên cương vị là Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng có điều kiện làm việc với Viện Hòa bình Hoa Kỳ và quen biết chuyên gia Andrew Wells-Dang là người có nhiều nghiên cứu, bài viết về các vấn đề di sản chiến tranh, qua đó trao đổi về việc tìm kiếm HCLS ở Việt Nam. Năm 2021, ông được Viện mời dự hội thảo tại Hoa Kỳ, thông qua đó liên hệ với các cựu chiến binh (CCB) Hoa Kỳ để có nguồn tin về liệt sĩ Việt Nam. Khi tiếp xúc, các CCB Hoa Kỳ nói với ông rằng họ cảm thấy ân hận và muốn làm việc gì đó để giúp Việt Nam trong công tác tìm kiếm HCLS. Sau hội thảo, ông báo cáo và đặt vấn đề với Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ tạo điều kiện để các CCB Hoa Kỳ sang Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm HCLS.
Tháng 6-2024, 7 CCB Hoa Kỳ bay sang Việt Nam. Trong đó, ông Brucolo cung cấp 21 bộ hồ sơ về hố chôn tập thể và phối hợp với đội quy tập HCLS của một số tỉnh khu vực Đông Nam Bộ tiến hành tìm kiếm. Đến nay, tại khu vực sân bay Lộc Ninh (Đồng Nai), 135 HCLS đã được tìm kiếm và quy tập.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho biết: “Khi trao đổi cụ thể, các CCB Hoa Kỳ thông tin, nếu khai quật hết theo hồ sơ thì có khoảng 3.000 HCLS. Ngay ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) còn khoảng 152 HCLS, khi đó, ông Brucolo là lính tại sân bay nên chứng kiến điều đó. Hiện tại, 21 bộ hồ sơ đã được bàn giao cho Ban chỉ đạo Quốc gia 515 để phục vụ các công tác tiếp theo”.
Tri ân, vinh danh
Công tác tri ân người có công với đất nước như một dòng chảy không khi nào ngừng nghỉ và rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội. Để tri ân hiệu quả, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng trực tiếp báo cáo với các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương để thấy được vai trò của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Đây là một tổ chức xã hội không có biên chế, quỹ lương nhưng cán bộ, hội viên vẫn miệt mài trên hành trình tri ân, góp phần làm dịu bớt đau thương do chiến tranh để lại.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng thắp hương tri ân hai liệt sĩ được trở về an nghỉ tại Yên Bái (nay là tỉnh Lào Cai), năm 2023. Ảnh: TÍN NGHĨA |
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đặc cách công nhận 5 liệt sĩ của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng và cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo lời ông kể lại thì câu chuyện đó là cả hành trình kiên trì, bền bỉ và đầy khó khăn.
Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng thành lập đầu năm 1968, có nhiệm vụ bám trụ chiến đấu trong lòng địch, khi bổ sung lực lượng chỉ biết bí danh mà không rõ thân thế, quê quán. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, 13 chiến sĩ của Tiểu đoàn anh dũng hy sinh. Nhà nước đã cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 8 liệt sĩ, còn lại 5 chiến sĩ với bí danh chị Hai Đòn Gánh, anh Tư Cơm Tấm, chị Sáu Già, bác Bo và chị Lý Giao Duyên chưa được cấp. Đã rất nhiều năm đồng đội gửi đơn đề nghị công nhận liệt sĩ cho 5 chiến sĩ nhưng chưa thành công. Năm 2024, ông trực tiếp gặp gỡ các nhân chứng nghiên cứu văn bản, liên hệ các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh, thẩm định nội dung, làm văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đề nghị công nhận liệt sĩ. Nhờ nỗ lực của ông cùng sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức, kết quả đã thành công tốt đẹp. Các liệt sĩ được cấp Bằng "Tổ quốc ghi công", được khắc tên trong đền thờ Bến Dược để đời sau ghi nhớ, tri ân.
Trong công tác tri ân liệt sĩ, việc tìm kiếm, đính chính thông tin và trả lại tên cho liệt sĩ hết sức ý nghĩa. Hiện tại, trong hơn 1.146.000 liệt sĩ của cả nước, vẫn còn 530.000 liệt sĩ chưa biết tên hoặc bị sai lệch, hơn 300.000 HCLS đã đưa vào nghĩa trang, 180.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho biết: “Để đính chính thông tin, chúng tôi thực hiện bằng các phương pháp như thực chứng, đối chiếu hồ sơ với thực địa, giám định ADN... Mỗi trường hợp nhận được kết quả đúng, chúng tôi giúp thân nhân đưa HCLS về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương”.
Trong hành trình hỗ trợ gia đình liệt sĩ, ông dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, động viên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ. Các mẹ đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Ông chia sẻ: “Có mẹ nằm trên giường, không đi lại được, bàn tay gầy guộc, đôi mắt đục mờ. Khi hỏi chuyện, câu nói đầu tiên của mẹ là “Con tôi đâu?”, “Bao giờ con tôi về?”. Lúc đó, tôi không cầm được nước mắt, tự nhủ lòng mình càng phải cố gắng hơn nữa trong công tác đền ơn đáp nghĩa”.
Dẫu chiến tranh đã lùi xa nhưng hành trình tri ân của Trung tướng Hoàng Khánh Hưng vẫn tiếp tục như một lời thề son sắt giữa những người lính với nhau. Trong sự lặng lẽ của những chuyến đi xuyên rừng, giữa những tấm bia vô danh nhuốm màu thời gian hay ánh mắt mẹ già mòn mỏi chờ con, ông gắng sức tìm kiếm HCLS, đưa về quê hương, nối liền khát vọng “đoàn tụ” với thân nhân.
VŨ DUY
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/vi-tuong-tron-nghia-tri-an-837698
Bình luận (0)