Trung tâm phục vụ hành chính công cơ sở 1, Đặc khu Cát Hải. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG) |
Đặt hiệu quả phục vụ lên hàng đầu
Đội ngũ cán bộ công chức của các tỉnh đang phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tại tỉnh Lào Cai, ngay sau khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ngoài việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, Bí thư Đảng ủy cùng Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã đã gặp gỡ, đối thoại, vận động người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm đường dây truyền tải điện 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên, dự án đường sắt tốc độ cao Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội…
Bí thư Đảng ủy xã Cảm Nhân, tỉnh Lào Cai Hoàng Thị Duyên cho biết, cách vận hành của xã mới được cán bộ tin tưởng, người dân hài lòng. Từ nhà ở đến trụ sở làm việc gần 100km, cho nên 15 ngày qua, do công việc cuốn đi, nên chị Duyên chưa về nhà thăm chồng con.
Sau khi sắp xếp, tỉnh Lạng Sơn đặt các xã trung tâm kết nối khu vực tại trụ sở cấp huyện cũ, được xem như một giải pháp linh hoạt, tiết kiệm, bảo đảm hiệu quả điều hành. Tỉnh bố trí cán bộ từ huyện cũ giữ chức danh chủ chốt tại các xã, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên được phân công là Bí thư Đảng ủy xã, phường mới ở trung tâm khu vực, giúp công tác lãnh chỉ đạo được hiệu quả.
Ông Hoàng Công Làng, trưởng thôn Liên Hợp, xã Hữu Liên cho biết: “Trước đây phải lên huyện để gặp và làm việc với các đồng chí lãnh đạo, giờ chỉ cần lên xã là các thắc mắc của chúng tôi đều được các đồng chí giải đáp”. Bên cạnh đó, một số cán bộ chủ chốt của Tỉnh đoàn cũng được bố trí giữ các chức vụ Phó Bí thư thường trực, phụ trách khối văn phòng, góp phần đổi mới tư duy lãnh đạo, thích ứng với những đòi hỏi về chuyển đổi số hiện nay.
Cùng với việc thiếu cán bộ, tình trạng cơ sở vật chất còn thiếu… là thực tế diễn ra tại nhiều địa phương. 37 xã phía bắc tỉnh Thái Nguyên phải bố trí trụ sở Đảng ủy, HĐND-UBND và khối Mặt trận ở các trụ sở xã cũ nằm xa nhau. Trụ sở xã không có nhà công vụ, cán bộ xuống xã tạm kê giường ngủ trong phòng làm việc. Nhiều xã thiếu biên chế, thiếu cán bộ chuyên ngành tài chính, kế toán, công nghệ thông tin…
Để khắc phục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn đã chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát, có văn bản tham mưu điều động, biệt phái cán bộ từ sở, ngành về hỗ trợ. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ theo cách “cầm tay, chỉ việc”, đồng thời bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để vận hành hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã.
Nhiều cách làm linh hoạt
Thành phố Hải Phòng có hai đặc khu mới được thành lập, trong đó Đặc khu Cát Hải được thành lập trên cơ sở nguyên trạng huyện đảo Cát Hải, với 10 xã và 2 thị trấn, diện tích gần 287km² và dân số hơn 71.000 người. Tuy nhiên, trụ sở hành chính, trung tâm phục vụ hành chính công của đặc khu đặt ở đảo Cát Bà. Do đó, chính quyền địa phương đã quyết định mở thêm Trung tâm phục vụ hành chính công cơ sở 2 tại khu vực đảo Cát Hải, từ ngày 21/7 sẽ chính thức hoạt động, giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng cho 15.000 người dân sinh sống trên đảo Cát Hải.
Sau sáp nhập, do địa bàn rộng, nhiều xã, phường của tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức đồng thời hai điểm tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Với tinh thần ưu tiên cao nhất cho các Trung tâm phục vụ hành chính công, bảo đảm vận hành trơn tru, thông suốt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá tổng thể các trung tâm phục vụ hành chính công để trang bị, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Phát huy ưu điểm của mô hình chính quyền địa phương hai cấp, người dân có thể nộp thủ tục “phi địa giới”. Thời gian tới, tỉnh sẽ lựa chọn 18 trung tâm phục vụ hành chính công theo khu vực để đầu tư có trọng điểm cả về nhân lực, cơ sở vật chất, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Những ngày đầu vận hành, việc kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, xã Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã linh hoạt xử lý hồ sơ theo cách truyền thống cho người dân trước, sau đó cán bộ làm thêm giờ để cập nhật dữ liệu lên hệ thống.
Đồng chí Vũ Hoàng Quý, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Lũng cho biết: “Đến nay, việc vận hành đã cơ bản được ổn định, xã cũng đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí tỉnh cấp, nâng cấp Trung tâm phục vụ hành chính công khang trang, sạch đẹp, phục vụ người dân kịp thời, thông suốt”.
Bà Triệu Múi Nảy, xã Mẫu Sơn cho biết, do tuổi cao, đi lại khó khăn, bà thường rất ngại ra xã làm thủ tục hành chính. Nay được cán bộ xã về tận nhà giúp giải quyết, bà rất vui và biết ơn.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Theo đồng chí Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn, tới đây ngoài việc phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp chuyên sâu, Sở sẽ xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo AI dùng chung cho các xã, phường: “Mô hình AI này sẽ hỗ trợ cán bộ công chức cấp xã xử lý công việc, tra cứu dữ liệu được nhanh chóng hiệu quả, đồng thời giúp tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng công việc của từng cán bộ, qua đó hướng tới mục tiêu quản trị số hiện đại theo đúng tinh thần của Nghị quyết 57 của Trung ương”.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai Dương Đức Huy cho biết, tỉnh đã hỗ trợ mỗi xã của tỉnh Lào Cai (cũ) 5 tỷ đồng, các xã tỉnh Yên Bái (cũ) một tỷ đồng mua sắm trang thiết bị làm việc; khẩn trương nghiên cứu các chính sách hỗ trợ về nhà ở công vụ, sinh hoạt phí, công tác phí...giúp cán bộ đến nơi mới yên tâm công tác.
Tỉnh duy trì các tổ “Bình dân học vụ số” hướng tới “Người bản số”, với tinh thần người thông thạo hướng dẫn người chưa biết, sử dụng ngôn ngữ bản địa (H’Mông, Dao, Giáy, Tày...) để truyền tải các chính sách mới đến từng người dân. Tỉnh cũng chủ động báo cáo với Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan về các khó khăn cần tháo gỡ...
Trong quá trình triển khai, kết nối liên thông giữa các địa phương của tỉnh Bắc Ninh với các bộ, ngành chưa thông suốt. Thí dụ, trong lĩnh vực hộ tịch, hồ sơ liên thông khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi hiện gặp trục trặc, không liên thông gửi hồ sơ từ trang dichvucongbacninh.vn sang phần mềm https://hotichdientu.moj.gov.vn/ của Bộ Tư pháp.
Một số trường hợp khi tiếp nhận hồ sơ hộ tịch không nhập được dữ liệu, dẫn đến không tiếp nhận được hồ sơ trực tuyến. Việc tra cứu dữ liệu cũ trên phần mềm https://hotichdientu.moj.gov.vn/ của Bộ Tư pháp chưa thực hiện được, dẫn đến mất nhiều thời gian tra cứu thủ công dữ liệu cũ từ sổ giấy trong khi địa bàn quản lý cấp trích lục hộ tịch rộng.
Việc xử lý hồ sơ đất đai chưa liên thông đầy đủ với hệ thống quốc gia. Mặt khác, các địa phương lúng túng trong triển khai khi một số văn bản của các bộ, ngành chưa thống nhất về phân cấp, thẩm quyền… Những vướng mắc này cần sớm được các bộ, ngành tháo gỡ, để chính quyền 2 cấp hoạt động hiệu quả, sát dân, gần dân, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-on-dinh-nen-nep-155818.html
Bình luận (0)