Thúc đẩy giáo dục phát triển
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đã có nhiều chủ trương, quyết sách và hành động cụ thể để thúc đẩy giáo dục phát triển như: miễn học phí cho bậc mầm non, phổ thông; chỉ đạo xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo.
“Dự kiến, trong tháng 7/2025, Bộ chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về đột phá trong giáo dục, đào tạo” – Thứ trưởng thông tin và nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo của Việt Nam có những đổi mới mạnh mẽ; trong đó có sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của UNESCO.
Thứ trưởng nhắc lại những lần làm việc với UNESCO tại Việt Nam, trong đó nhiều nội dung liên quan đến giáo dục và đào tạo; nhất là trong thời gian xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã nhận được tham vấn của UNESCO trong xây dựng các chính sách. Hiện, Luật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2026.
Để Luật Nhà giáo sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, giá trị trong thực tiễn, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu Chính phủ ban hành 3 Nghị định và xây dựng gần 20 Thông tư hướng dẫn được ban hành đồng thời cùng thời điểm Luật hiệu lực.
Các văn bản này đóng vai trò then chốt để cụ thể hóa các quy định của Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống và tạo hành lang pháp lý, giúp các chính sách của luật được sớm đi vào thực tế cuộc sống, để nhà giáo tiếp cận sớm với các chính sách đã được quy định.
“Trong quá trình xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT rất cần tham vấn của UNESCO”- Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ.

Thời gian qua, giáo dục, đào tạo tiếp tục đổi mới theo hướng bao trùm, bền vững. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã kết thúc chu kỳ đầu tiên, dự kiến cuối năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm. Thứ trưởng mong muốn, ông JonaThan Baker có những tham vấn, gợi mở, hỗ trợ trong quá trình đổi mới giáo dục của Việt Nam.
Nhiều kết quả hợp tác trong giáo dục, đạo tạo
Bày tỏ vui mừng khi kết quả phối hợp xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời giữa Bộ GD&ĐT và UNESCO, Thứ trưởng cho biết, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030".
Mục tiêu chung của Đề án là, tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia. Bộ GD&ĐT đẩy mạnh giáo dục STEM, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), trong quản lý và năng lực sử dụng AI vào dạy – học.

Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu đến năm 2035, AI trở thành công cụ phổ biến đối với mỗi người học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Từ thực tiễn, thứ trưởng mong muốn, UNESCO có nhiều tham vấn, khuyến nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, AI trong giáo dục và đào tạo.
Ghi nhận thành công trong phối hợp xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, Thứ trưởng chia sẻ, UNESCO đã hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội triển khai xây dựng thành công mô hình này.
“Tới đây, chúng tôi tổ chức hội nghị báo cáo về việc triển khai mô hình Trường học hạnh phúc để nhân rộng trên toàn quốc, bảo đảm phù hợp theo điều kiện thực tiễn của từng địa phương” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh và mong muốn, UNESCO tiếp tục hỗ trợ giáo dục Việt Nam;
Trong đó, quan tâm đến học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh nữ, học sinh khuyết tật theo hướng bình đẳng, phát triển bền vững, với tinh thần không để ai bỏ lại phía sau.
Thứ trưởng đề xuất, UNESCO và Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình ký kết theo từng nội dung hoặc xây dựng chương trình tổng thể để có đầu mối trao đổi thông tin lẫn nhau, xây dựng cơ chế phối hợp để kịp thời điều chỉnh và nhân rộng, lan tỏa những điều tích cực.
Tại buổi làm việc, ông JonaThan Baker chia sẻ, UNESCO có những hỗ trợ phát triển giáo dục, cơ hội học tập mang tính chất bao trùm, bình đẳng. Cung cấp các chính sách, tăng cường hỗ trợ nhà giáo, trong đó có năng lực số, AI… UNESCO là đơn vị điều phối mạng lưới giáo dục toàn cầu; trong đó có mạng lưới nghiên cứu khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học học.
Điểm lại một số kết quả hợp tác trong giáo dục, đào tạo; ông JonaThan Baker nhắc đến chính sách nhà giáo. Điển hình như: Luật Nhà giáo đã được Quốc hội nước Việt Nam thông qua, tạo ra bước đột phá cho ngành Giáo dục, đặc biệt là nhà giáo.
Ông JonaThan Baker bày tỏ, UNESCO vinh dự đồng hành, hỗ trợ Bộ GD&ĐT trong dự án Luật Nhà giáo. “Trong quá trình xây dựng Luật, chúng tôi đã có những khuyến nghị các chính sách nhà giáo” - ông JonaThan Baker chia sẻ.

UNESCO có ký hợp tác với Chính phủ về các lĩnh vực; trong đó có giáo dục và đào tạo. Theo ông JonaThan Baker, đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta bàn về khung hợp tác cho năm 2026; trong đó có tăng cường hợp tác về khung năng lực số; tiếp tục thực hiện bình đẳng trong giáo dục, mở rộng mạng lưới học tập suốt đời ở Việt Nam. UNESCO hợp tác với Bộ GD&ĐT trong triển khai mô hình Trường học hạnh phúc.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/unesco-dong-hanh-voi-doi-moi-va-phat-trien-giao-duc-o-viet-nam-post739046.html
Bình luận (0)