Việc lựa chọn ngành nghề một cách thông minh, phù hợp với năng lực và xu hướng phát triển là chìa khóa giúp các em định hướng đúng tương lai.
Loay hoay chọn ngành học
Sau khi nhận được kết quả thi tốt nghiệp THPT và bước vào đợt đăng ký xét tuyển, nhiều học sinh lớp 12 vẫn “đứng giữa ngã ba đường” với đầy lo lắng và bối rối. Việc chọn ngành, chọn trường còn là bài toán khó với không ít thí sinh. Các em không chỉ đối mặt với hàng trăm tên ngành học, mà còn chịu sức ép từ kỳ vọng của phụ huynh, định hướng xã hội và nỗi sợ học nhầm ngành.
Nguyễn Ngọc Minh (thí sinh tại tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Em muốn học Thiết kế đồ họa nhưng bố mẹ bảo ngành đó không ổn định, khó xin việc. Em phân vân giữa theo đuổi đam mê hay chọn ngành có đầu ra rõ ràng hơn như Kinh tế”.
Tình trạng phân vân giữa đam mê cá nhân và kỳ vọng gia đình không chỉ xảy ra với Minh mà còn là câu chuyện chung của nhiều thí sinh, như trường hợp của Mai Diệu Anh (cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM). Nữ sinh từng đặt mục tiêu thi vào ngành Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.
Suốt năm lớp 12, em tập trung ôn khối D01 (Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh), với mong muốn được làm biên tập viên như mơ ước từ nhỏ. Tuy nhiên, sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Diệu Anh nhận ra mức điểm dự kiến của mình khó có khả năng trúng tuyển vào ngành Báo chí ở nguyện vọng 1.
“Em thấy điểm chuẩn những năm trước cao, còn điểm em chỉ ở mức khá. Bây giờ em không biết nên chuyển sang ngành nào khác gần với báo chí hay thử sức ngành hoàn toàn mới”, Diệu Anh chia sẻ. Hiện tại, nữ sinh phân vân giữa các ngành như Marketing, Kinh doanh quốc tế hoặc Luật Thương mại quốc tế, vì nghĩ có thể học rồi chuyển hướng sang làm truyền thông hoặc viết lách sau này. Dù vậy, em mang tâm lý tiếc nuối vì không đạt được mục tiêu ban đầu và lo sợ chọn nhầm ngành, học mà không thật sự yêu thích.
Nhiều học sinh bày tỏ nỗi lo lắng khi đọc mô tả ngành mà không hiểu gì. Trong khi đó, phụ huynh thường có xu hướng định hướng con vào các ngành ổn định như Y Dược, Sư phạm, Kế toán… Không ít trường hợp các em chọn ngành học chỉ vì bạn bè cùng đăng ký, người thân học ngành đó, hoặc bởi điểm chuẩn cao nên nghĩ đó là ngành tốt. Việc không tự đánh giá được bản thân, thiếu thông tin, định hướng nghề nghiệp từ sớm khiến cho giai đoạn này trở thành áp lực lớn.

Sắp xếp nguyện vọng xét tuyển ra sao?
Dự định chọn tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) để xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Hà Nội, nhưng do kết quả tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua không đạt như mong đợi, đặc biệt môn Tiếng Anh, Nguyễn Quang Anh (Nội Bài, Hà Nội), đã quyết định thay đổi. Thí sinh này chuyển sang tổ hợp A06 (Toán, Hóa học, Địa lí) và điều chỉnh mục tiêu xét tuyển vào ngành Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng một số ngành sử dụng tổ hợp A06 của các trường khác.
Hiện nay, nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn như Quang Anh sau khi nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT. Đại diện các trường đại học nhận định, điều này cho thấy thí sinh và phụ huynh chưa hiểu rõ nguyên tắc xét tuyển đại học trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).
Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại, nhấn mạnh, năm 2025, thí sinh không cần chọn phương thức hay mã tổ hợp xét tuyển. Hệ thống sẽ tự động xét tuyển dựa trên các phương thức được các trường công bố trong đề án tuyển sinh.
Theo đó, thí sinh chỉ cần tập trung lựa chọn ngành học và sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng xét tuyển. Để làm được điều này, thí sinh phải cung cấp đầy đủ dữ liệu (theo tiêu chí, điều kiện, quy trình đăng ký trong thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo) tương ứng với ngành/chương trình đã đăng ký để các trường sử dụng xét tuyển.
Ông Nguyễn Quang Trung nêu ví dụ, thí sinh B. muốn đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học A, nơi có 4 phương thức xét tuyển, mỗi phương thức tương ứng với một số mã tổ hợp. Trước đây, nếu thí sinh B đủ điều kiện tham gia 3/4 phương thức, thí sinh phải đăng ký 3 nguyện vọng, mỗi nguyện vọng tương ứng với 1 mã phương thức và 1 mã tổ hợp.
Năm nay, thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng vào ngành Công nghệ thông tin, đồng thời cung cấp đầy đủ dữ liệu như điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có), kết quả kỳ thi riêng (nếu có)... Phần mềm sẽ tự động sắp xếp nguyện vọng để thí sinh có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành đã chọn. “Vì vậy, năm nay thí sinh chỉ cần đăng ký mã ngành, mã trường, tên trường mà không phải đăng ký tổ hợp xét tuyển hay mã phương thức xét tuyển”, ông Trung nhấn mạnh.

Chọn nguyện vọng thông minh
Những áp lực và bối rối trong chọn ngành không chỉ đến từ sự thiếu thông tin mà còn bởi những sai lầm phổ biến thí sinh dễ mắc phải khi đưa ra quyết định quan trọng này. TS Hồ Thanh Trí - Viện trưởng Viện Quốc tế, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, qua nhiều năm gắn bó với công tác tuyển sinh và đào tạo, ông nhận thấy không ít sinh viên sau khi vào đại học phải chuyển ngành học vì lựa chọn ban đầu chưa phù hợp. Theo TS Trí, có 5 sai lầm phổ biến mà học sinh thường gặp trong quá trình chọn ngành, trường.
Thứ nhất, chọn ngành theo trào lưu, theo ngành hot được truyền thông và mạng xã hội quảng bá, nhưng lại bỏ qua yếu tố phù hợp với năng lực và tính cách cá nhân. “Nhiều em chạy theo ngành đang hot mà không thực sự hiểu mình có hợp hay không”, ông chia sẻ.
Thứ hai, chọn ngành chỉ dựa vào điểm thi. Một số học sinh sau khảo sát thừa nhận lý do chọn ngành đơn thuần là đủ điểm đỗ, nhưng khi vào học lại nhanh chóng mất động lực vì không thực sự yêu thích.
Thứ ba, sai lầm khác khá phổ biến xuất phát từ việc chọn ngành theo bạn bè hoặc gia đình. “Trường Đại học Công Thương TPHCM có tổ chức chương trình cho học sinh THPT đến tham quan, chúng tôi nhận thấy nhiều em chọn ngành chỉ vì bạn thân cũng đăng ký ngành đó”, TS Trí nói.
Thứ tư, nhiều học sinh chưa tìm hiểu kỹ về ngành học, thậm chí chỉ biết tên ngành mà không rõ chương trình học gồm những gì, sau khi ra trường có thể làm công việc gì.
Cuối cùng, yếu tố môi trường đào tạo cũng chưa được nhiều học sinh cân nhắc đúng mức.
Theo TS Trí, môi trường học tập có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kỹ năng, tư duy và sự gắn bó với ngành nghề. Từ những quan sát thực tế, TS Trí khuyên học sinh nên lựa chọn ngành học dựa trên sự phù hợp với bản thân, đồng thời cân nhắc đến xu hướng phát triển của xã hội và đặc biệt môi trường đào tạo, nơi có thể hỗ trợ sinh viên phát triển toàn diện cả năng lực lẫn thái độ nghề nghiệp.
Để tránh sai lầm phổ biến và đưa ra lựa chọn sáng suốt, các chuyên gia đề xuất những phương pháp cụ thể giúp thí sinh định hướng ngành nghề một cách khoa học và hiệu quả. PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, trong bối cảnh có quá nhiều ngành nghề và trường đào tạo, thí sinh dễ rơi vào trạng thái hoang mang.
Lúc này, truyền thông, gia đình và người thân có thể là nguồn thông tin hỗ trợ thiết thực, giúp các em đối chiếu với trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh “quyết định cuối cùng vẫn phải đến từ sự hiểu mình”.
Chuyên gia này “mách” thí sinh cách đơn giản và hiệu quả trong việc chọn ngành học với “công thức 3x3”. Cụ thể, học sinh liệt kê 3 lĩnh vực nghề nghiệp mà mình quan tâm trong 3 năm tới (chẳng hạn: Truyền thông - công nghệ - logistics). Với mỗi lĩnh vực, chọn ra 1 - 2 trường đại học có thế mạnh tương ứng, từ đó hình thành 9 lựa chọn khả thi. Sau đó, căn cứ vào năng lực học tập, điểm thi và điều kiện cá nhân để rút gọn còn 3 nguyện vọng phù hợp nhất.
“Quan trọng là học sinh phải chọn nghề, chọn ngành rồi mới chọn trường. Nghĩa là bạn phải biết mình muốn làm gì trước, rồi mới tìm nơi đào tạo ngành đó tốt nhất. Đừng chọn ngược lại chỉ vì tên trường hay trend ngành học nhất thời”, ông Tuấn kết luận.
Bên cạnh “công thức 3x3”, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc tự thấu hiểu bản thân là yếu tố cốt lõi để tránh những lựa chọn sai lầm. ThS Trần Thị Như Quỳnh - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, nhiều thí sinh hiện nay còn mơ hồ trong lựa chọn ngành học vì chưa xác định rõ bản thân và mong muốn gì trong tương lai.
Theo ThS Quỳnh, việc thiếu định hướng ngay từ đầu có thể khiến học sinh mất thời gian, tốn chi phí nếu phải chuyển ngành giữa chừng, thậm chí lỡ nhịp so với bạn bè đồng trang lứa. Chính vì vậy, việc lựa chọn ngành học cần được cân nhắc nghiêm túc từ chính sở thích, năng lực và mục tiêu cá nhân của học sinh, không nên chạy theo số đông hay để người khác quyết định thay.

Cẩn trọng thao tác đăng ký xét tuyển
Theo Quy chế tuyển sinh năm 2025, tất cả phương thức xét tuyển sẽ được thực hiện cùng một đợt sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Dựa trên thông tin đăng ký xét tuyển của thí sinh, các cơ sở giáo dục đại học tự tải dữ liệu từ Hệ thống để xét tuyển, xác định điểm chuẩn cho từng phương thức, sau đó đưa kết quả xét tuyển trở lại Hệ thống để lọc ảo. Quá trình xét tuyển diễn ra đồng thời, đảm bảo Hệ thống xử lý toàn bộ dữ liệu để thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất.
Do đó, trước khi đăng ký xét tuyển trên Hệ thống, TS Cao Xuân Liễu - Phó Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, khuyên thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo để lựa chọn ngành và trường phù hợp. “Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển phải thực hiện trực tuyến trên Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia”, TS Liễu lưu ý.
Từ năm 2025, Bộ GD&ĐT bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh, công tác tuyển sinh sẽ tuân theo quy trình xét tuyển chung trên Hệ thống. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, từ 16/7 đến 28/7, thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần).
Tất cả thí sinh, kể cả người được xét tuyển thẳng phải đăng ký xét tuyển trực tuyến và đưa tất cả nguyện vọng lên Hệ thống. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh và quy chế của các cơ sở đào tạo, tránh đăng ký nguyện vọng vào ngành/chương trình không đủ điều kiện.
Ông Hùng lưu ý, nếu cơ sở đào tạo tổ chức đăng ký xét tuyển riêng, yêu cầu nộp hồ sơ và minh chứng trực tiếp hoặc trực tuyến tại trường, thí sinh cần thực hiện theo quy định của trường nhưng phải đăng ký trên Hệ thống để được xét tuyển chung. Các minh chứng xét tuyển như chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ SAT, điểm thi năng khiếu, điểm thi đánh giá năng lực… cần được nộp tại cơ sở đào tạo theo hướng dẫn.
Năm 2025, Bộ GD&ĐT không giới hạn tổ hợp xét tuyển. Do đó, ngoài các tổ hợp truyền thống, các trường có thể bổ sung tổ hợp xét tuyển mới. Trước những băn khoăn về nguyện vọng và phương thức xét tuyển, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển, nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp. Hệ thống không phân biệt phương thức xét tuyển, nên thí sinh chỉ cần đăng ký ngành xét tuyển, tập trung chọn ngành thực sự yêu thích và phù hợp năng lực, không cần quan tâm đến phương thức xét tuyển.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, năm nay, xét tuyển sớm được bỏ hoàn toàn, chỉ giữ xét tuyển thẳng cho các đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các phương thức trước đây dùng cho xét tuyển sớm vẫn được giữ, chỉ điều chỉnh về thời gian. Do đó, các cơ sở đào tạo sẽ xét tuyển và công bố kết quả thống nhất trong một đợt theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, năm nay, sẽ không còn chia chỉ tiêu theo từng phương thức. Các trường sẽ có phương án quy đổi tương đương điểm trúng tuyển để đảm bảo dù thí sinh xét tuyển theo phương thức nào thì các em luôn được ưu tiên sử dụng kết quả cao nhất.
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing khuyên thí sinh: “Nhiều thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng, như 30, 40, thậm chí 50 nguyện vọng nhưng lại không rõ mình muốn gì. Điều này khiến các em thêm hoang mang.
Thay vào đó, thí sinh nên chia nguyện vọng thành 2 nhóm: 1 - 2 nguyện vọng cao hơn điểm thật để nuôi ước mơ; 3 - 4 nguyện vọng tương đương với năng lực hiện tại và 2 - 3 nguyện vọng có điểm chuẩn thấp hơn từ 1 đến 1,5 điểm để làm phương án dự phòng”. Cũng theo bà Phụng, để tránh sai sót khi thao tác trên Hệ thống, thí sinh nên xem kỹ các video, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; rà soát dữ liệu cá nhân, thông tin ngành học và ghi chú cẩn thận ra sổ tay.
Ngoài ra, thí sinh cần chú ý lỗi thường gặp là nhầm mã trường, ngành hoặc tên ngành. “Chẳng hạn, Trường Đại học Tài chính - Marketing có tên viết tắt là UFM, nhưng mã trường trên hệ thống là DMS. Nếu nhầm lẫn hai tên này, thí sinh có thể chọn sai trường”, ThS Phụng dẫn chứng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phước - Trưởng khoa Xây dựng, Trường Đại học Mở TPHCM cho rằng, trong muôn vàn lựa chọn ngành nghề và trường đại học hiện nay, điều quan trọng nhất là thí sinh phải tự đưa ra quyết định mình là ai trong tương lai. Ông cũng lưu ý, khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh, học sinh cần sắp xếp các lựa chọn theo đúng thứ tự yêu thích thực sự, không nên đảo ngược chỉ vì nghĩ ngành đó khó đỗ hoặc trường có điểm chuẩn cao.
“Nhiều thí sinh xếp ngành mình yêu thích xuống các nguyện vọng sau, vì sợ không đủ điểm. Nhưng điều này có thể khiến các em bỏ lỡ đúng ngành phù hợp nhất với bản thân”, ông Phước nhấn mạnh.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-can-nao-chon-nganh-hoc-dang-ky-xet-tuyen-post740153.html
Bình luận (0)