Sau khi tỉnh Khánh Hòa chính thức hợp nhất với Ninh Thuận, một không gian biển rộng lớn trải dài từ vịnh Vân Phong đến Cà Ná đã được thiết lập. Trong vùng biển này, đặc khu Trường Sa được kỳ vọng không chỉ là pháo đài bảo vệ chủ quyền mà còn trở thành một cực phát triển kinh tế biển đảo hiện đại, xanh và bền vững.
Vành đai kết nối
Theo Nghị quyết số 1667/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Khánh Hòa năm 2025, kể từ ngày 1-7, tỉnh Khánh Hòa mới có 65 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 64 xã, phường và 1 đặc khu là Trường Sa.
Dù có tên gọi mới nhưng Trường Sa từ lâu đã được nhắc đến như một điểm tựa chiến lược không thể thay thế của Việt Nam trên biển Đông. Với hơn 100 đảo, bãi đá và rạn san hô, Trường Sa không chỉ có vai trò bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn ẩn chứa tiềm năng phát triển kinh tế vô cùng to lớn.
Từ năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đã có đề xuất xây dựng Trường Sa trở thành một đặc khu biển đảo đa chức năng - vừa là căn cứ hậu cần nghề cá, trạm dịch vụ hàng hải quốc tế vừa là trung tâm nghiên cứu hải dương học và năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Các chiến sĩ luyện tập sẵn sàng chiến đấu ở Trường Sa
Việc tỉnh Khánh Hòa sáp nhập thêm phần biển từ Ninh Thuận càng củng cố thêm "vành đai kết nối" từ đất liền ra các đảo, mở rộng không gian phát triển theo trục biển đảo liên hoàn. Khánh Hòa trở thành tỉnh có đường bờ biển dài nhất cả nước, với gần 500 km bờ biển, khoảng 200 hòn đảo lớn, nhỏ; có nhiều vịnh nổi tiếng như: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Vĩnh Hy; có các cảng biển lớn như: Cam Ranh, Nha Trang, Cà Ná…
Trong đó, đặc khu Trường Sa trở thành một điểm tựa, "pháo đài" thép, động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế biển. Ngư dân Cao Văn Thơ, ngụ phường Nam Nha Trang, cho biết đội tàu cá gồm 4 chiếc của ông gắn bó với Trường Sa hơn 3 thập niên qua. Trường Sa chính là ngư trường quen thuộc, là mái nhà chung cho ngư dân. Ông cũng là người chứng kiến sự đổi thay không ngừng của Trường Sa.
"Tôi ra Trường Sa từ thời ngoài đó chưa có điện mặt trời, còn lấy nước từ bể hứng mưa để dùng. Đến nay, các đảo ở Trường Sa sáng trưng ánh điện. Các âu tàu hỗ trợ ngư dân có ở khắp vùng giúp ngư dân trú tránh bão, chăm sóc y tế, tiếp nhiên liệu. Việc trở thành đặc khu Trường Sa không chỉ là đổi tên, mà là mở ra một vận hội mới cho vùng biển đảo thiêng liêng này" - ông Thơ nói.
Gần đây nhất, ngày 15-7, tàu 950 thuộc Hải đội 411 - Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân đã cập quân cảng Cam Ranh, đưa ngư dân Đỗ Minh Vương (ngụ TP Đà Nẵng, làm việc trên tàu cá QNa-91996TS) bị bệnh từ đảo Phan Vinh A về đất liền để chăm sóc y tế an toàn.
Các quân y kịp thời cứu chữa một ngư dân bị tai nạn lao động khi đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa
Hay trước đó, ngày 11-7, lực lượng quân y đảo Song Tử Tây đã kịp thời tiếp nhận và tổ chức cấp cứu ngư dân Bùi Văn Trà (tỉnh Quảng Ngãi). Anh Trà không may trượt chân từ độ cao khoảng 3 m, vùng lưng đập mạnh vào mạn tàu rồi rơi xuống biển… Nếu không có những điểm tựa như vậy, việc vươn khơi bám biển của ngư dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Pháo đài vững chắc
Hiện nay, trên một số đảo lớn như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn đã có hệ thống nhà dân, trạm y tế, trường học, điện mặt trời, hệ thống cấp nước ngọt, trạm khí tượng và trung tâm hậu cần nghề cá. Đây là những hạt nhân đầu tiên cho mục tiêu phát triển thành vùng kinh tế biển tiền tiêu.
Một số mô hình kinh tế đang được thí điểm hiệu quả tại đây: Nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ với cá mú, hải sâm, bào ngư bằng công nghệ lồng nổi; điện mặt trời kết hợp trạm lọc nước biển phục vụ sinh hoạt và tiềm năng cung ứng cho tàu thuyền; dịch vụ hậu cần nghề cá: cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, cứu hộ cho ngư dân bám biển dài ngày.
Trong đề án mới, tỉnh Khánh Hòa sẽ hỗ trợ hình thành các trạm trung chuyển sản phẩm đánh bắt xa bờ, cho phép tàu thuyền vào nạp nhiên liệu, bán sản phẩm ngay trên biển, từ đó giảm chi phí vận hành và nâng cao thu nhập cho ngư dân. Ngư dân Trần Khắc Thạch, chủ tàu cá KH-99766TS, cho biết hiện mỗi chuyến biển của anh kéo dài 2 - 4 tháng. Sở dĩ có thời gian lâu như vậy vì doanh nghiệp có một tàu mẹ neo ở Trường Sa để thu gom thủy sản của ngư dân. Tàu ngư dân sẽ đổi nước, lương thực, dầu, đá… ngay tại Trường Sa mà không cần vào bờ. Điều này vừa tiết kiệm thời gian đi lại và nhiên liệu, mà thủy sản đánh bắt cũng được bảo quản tốt nhất nhờ công nghệ tiên tiến của tàu mẹ.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - trước thời điểm sáp nhập, để xây dựng và phát triển Trường Sa, Chính phủ đã thành lập và giao UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá tỉnh Khánh Hòa. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng, giúp Khánh Hòa phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đầu tư một số hạng mục công trình phục vụ dân sinh tại Trường Sa. Quỹ này đang tiếp tục huy động thêm các nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội tại Trường Sa.
Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đẩy mạnh xây dựng và phát triển Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Vì mục tiêu ấy, cả nước chung sức đồng lòng để một Trường Sa mới chuyển mình, phát triển mạnh mẽ hơn.
Thượng tá Bùi Xuân Bình - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 4 Hải quân - cho hay trong 5 năm tới, Vùng 4 Hải quân tiếp tục quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, nắm vững mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo của chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo vệ Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo được phân công, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Hướng đến trung tâm năng lượng biển
Với lợi thế vị trí xa bờ, lượng nắng và gió dồi dào quanh năm, Trường Sa được đánh giá là một trong những nơi có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và điện mặt trời nổi tốt nhất Việt Nam. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm đến việc triển khai hệ thống trạm phát điện nổi kết hợp lưu trữ, vừa phục vụ dân sinh trên đảo vừa cung cấp cho tàu cá, hải trình và thậm chí đưa vào lưới điện quốc gia nếu có cáp ngầm kết nối. Dự kiến trong 5 năm tới, Trường Sa sẽ là một mô hình năng lượng biển tự chủ, không phụ thuộc nguồn tiếp tế từ đất liền, từng bước xây dựng vùng biển xanh - thông minh - tự lực.
Nguồn: https://nld.com.vn/truong-sa-chuyen-minh-196250719212520115.htm
Bình luận (0)