Ngày 30-6, lễ công bố các nghị quyết, quyết định về thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã đồng loạt diễn ra trên cả nước. Chính quyền mới sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-7.
Tại TP.HCM, buổi lễ chính thức công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương về thành lập TP.HCM, kết thúc sứ mệnh 38 đơn vị cấp huyện và thành lập mới 168 xã, phường, đặc khu, TP.HCM mới.
Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận cảm xúc và kỳ vọng của người dân trong khoảnh khắc lịch sử này, tại một số xã, phường mới tại TP.HCM.

“Trước phải đi 20km, giờ gần hơn, tiết kiệm thời gian”
Tại trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Bình (trụ sở UBND quận Tân Bình cũ), PV ghi nhận có rất đông người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính.
Chia sẻ với PV trong sự phấn khởi, anh Đoàn Hoàng Nam cho biết mình đến để nhận kết quả cho thủ tục đăng ký hộ kinh doanh. "Tôi đã đăng ký hồ sơ qua mạng, nay chỉ lên để nhận kết quả nên cũng rất tiện, không cần đợi chờ quá lâu, không cần phải nộp giấy tờ rườm rà như trước. Đặc biệt, trước đây thủ tục đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện ở UBND quận nay chuyển về cấp xã, phường xử lý, tôi thấy rất thuận tiện"- anh Nam nói.

Tại phường Hiệp Bình (sáp nhập phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước và một phần phường Linh Đông, TP Thủ Đức cũ), PV gặp anh Phạm Ngọc Thịnh đang đi làm thủ tục chứng thực giấy tờ tại UBND phường.
"Đa số các thủ tục sẽ chuyển giao từ quận về phường giải quyết nên thay vì trước đây tôi phải chạy từ ngã tư Bình Phước qua UBND TP Thủ Đức để làm thủ tục, nay chỉ hơn 1km đi ra trụ sở UBND phường là thực hiện xong, rất thuận lợi"- anh Thịnh chia sẻ.
Còn tại Trung tâm phục vụ hành chính công UBND xã Hóc Môn (trên cơ sở sáp nhập các xã Tân Xuân, Tân Hiệp và thị trấn Hóc Môn), Trung tâm đã chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật, thiết lập các mã QR để phục vụ người dân xã Hóc Môn vào ngày 1-7.
Anh Nguyễn Minh Hoàng cho biết mình đến làm thủ tục xin cấp số nhà tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Hóc Môn, anh được cán bộ xã tại đây chỉ dẫn nhiệt tình.
Ra về với tâm trạng đầy phấn khởi, anh Hoàng nói với PV: “Đi lại làm thủ tục bây giờ tiện hơn rất nhiều. Cán bộ cũng gần dân hơn. Mong rằng sau khi sáp nhập thời gian tới mọi việc ổn định, cơ quan hành chính đi vào khuôn khổ, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn nữa”, anh Hoàng nói.
Tương tự, anh Vinh (ngụ Vĩnh Lộc B cũ) cho biết, anh có công việc liên quan đến giấy tờ đất đai và liên hệ tại trụ sở mới của xã Tân Vĩnh Lộc.
Anh Vinh chia sẻ trước đây, khi có công việc liên quan giấy tờ, anh phải lên trên Trung tâm hành chính huyện Bình Chánh. Từ nhà anh đến huyện khoảng gần 20 km. Giờ đây, có việc liên quan giấy tờ hành chính chỉ cần chạy lên cấp xã, vừa gần, đỡ mất thời gian.
“Tôi phải nói việc sáp nhập cấp xã, bỏ cấp huyện là chính quyền mới sẽ rất gần dân, tiết kiệm nhiều chi phí cho người dân.
Trước đây, khi làm các thủ tục liên quan giấy tờ, từ nhà lên trên huyện, xong có khi lại về xã xong lên lại trên huyện, rồi photo các loại giấy tờ, sao y. Có hồ sơ nhà đất thì số lượng photo, sao y rất nhiều và chỉ để lưu. Giờ đây, tôi mang CCCD đi photo là xong, hạn chế đi tới lui, tiết kiệm chi phí, sướng không, rất đơn giản”, anh Vinh nói.

Cán bộ gần dân hơn
Chị Huỳnh Ngọc Minh Duyên cho biết đến phường Sài Gòn để làm thủ tục đăng ký đất đai. Sau khi trải nghiệm trực tiếp, chị Minh Duyên nhận xét: "Hôm nay tôi đến làm hồ sơ đăng ký đất đai, mọi việc diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Tôi thấy việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp là phù hợp và hiệu quả. Tôi kỳ vọng trong thời gian tới, các thủ tục hành chính sẽ được xử lý nhanh gọn hơn, người dân không phải mất công tìm kiếm nhiều nơi để làm giấy tờ".
Cũng tại phường Sài Gòn, anh Châu Trần Mãn cho biết anh đến phường để làm thủ tục giấy tờ.
"Việc sáp nhập Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương với TP.HCM là chủ trương đúng đắn. Cái gì tốt cho đất nước thì tôi nghĩ Nhà nước cứ mạnh dạn làm. Khi sáp nhập như vậy, bộ máy hành chính được tinh gọn, việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng thuận tiện hơn. Trước kia phải đi lên quận để làm nhiều loại giấy tờ, giờ chỉ cần đến phường thuộc địa bàn mới là có thể giải quyết được thủ tục – rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian và công sức".

Anh Mãn cũng đánh giá cao tinh thần phục vụ của cán bộ tại phường Sài Gòn: "Hôm nay tôi đến làm giấy tờ và được các bạn ở đây hỗ trợ rất tận tình. Mọi thủ tục được giải quyết nhanh gọn. Tôi kỳ vọng các địa phương khác trong cả nước cũng sẽ vận hành hiệu quả như ở đây – cán bộ niềm nở, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Như vậy là quá tuyệt vời."
Bà Nguyễn Thị Xuân Hoa (70 tuổi, xã Vĩnh Lộc A cũ) cho biết, bà đến UBND xã Vĩnh Lộc (sáp nhập xã Vĩnh Lộc A và xã Phạm Văn Hai của huyện Bình Chánh) để hỏi thủ tục làm hồ sơ xin trợ cấp dành cho người cao tuổi. Dù đây là lần đầu đến trụ sở mới nhưng bà không cảm thấy bỡ ngỡ vì được cán bộ hướng dẫn tận tình từng bước, từ việc kê khai thông tin đến chuẩn bị giấy tờ liên quan.
“Tôi thật sự cảm thấy vui vì thấy chính quyền mới rất gần dân. Người dân đến làm việc được hỗ trợ đầy đủ, không ai bị lạc lõng hay rơi vào tình trạng không biết hỏi ai. Cách làm việc của cán bộ cũng không có gì xáo trộn, thậm chí tôi còn thấy có phần nhanh nhẹn và chuyên nghiệp hơn trước” – bà Hoa nói.
Chị Ngô Thị Yên, người dân thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc A cũ (nay là xã Vĩnh Lộc), cho biết chị đến UBND xã để thực hiện thủ tục công chứng giấy tờ. Ban đầu, do thay đổi đơn vị hành chính, chị cũng không khỏi hồi hộp, lo lắng liệu có phải chờ đợi lâu hay không, quy trình có thay đổi gì phức tạp không.
Tuy nhiên, khi đến nơi, chị cảm thấy hoàn toàn yên tâm. Các loại giấy tờ cần thiết được giải thích rõ ràng, cụ thể. Với những người dân chưa quen điền biểu mẫu hoặc lớn tuổi, cán bộ sẵn sàng hỗ trợ ghi thông tin, giúp tiết kiệm thời gian và tránh sai sót.
Sau trải nghiệm trực tiếp, chị Yên bày tỏ sự ủng hộ với mô hình chính quyền hai cấp. Theo chị, việc sắp xếp lại bộ máy là cần thiết để tinh gọn, hiệu quả hơn, miễn sao không làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho người dân. Chị kỳ vọng trong thời gian tới, chính quyền cấp xã, phường sau sáp nhập sẽ tiếp tục phát huy tinh thần gần dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời các nhu cầu thiết yếu của người dân.
Anh Mai Công Nghĩa (ngụ phường Đông Hưng Thuận mới) chia sẻ: “Bất kỳ thay đổi nào cũng đều nhằm mục tiêu sau cùng là phục vụ người dân tốt hơn. Và người dân – chứ không ai khác – chính là những người đặt nhiều kỳ vọng nhất vào mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Tôi tin rằng, nếu được tổ chức tốt, việc bỏ cấp quận/huyện sẽ không gây xáo trộn mà còn giúp tinh giản bộ máy, giảm trung gian và tăng tốc độ xử lý công việc. Một trong những yếu tố then chốt để làm được điều đó chính là vận hành công nghệ. Khi các thủ tục hành chính được số hóa, dữ liệu dân cư được kết nối liên thông, việc giải quyết hồ sơ cho người dân không nhất thiết phải qua nhiều tầng nấc như trước đây.
Các phường mới đã sẵn sàng phục vụ người dân
Ông Trần Sinh Hùng, Phó bí thư thường trực Đảng uỷ phường Tân Bình, cho biết phường Tân Bình được thành lập trên cơ sở sáp nhập của phường 13, 14 và một phần của phường 15 quận Tân Bình cũ với khoảng 90.000 người.
Trung tâm phục vụ hành chính công là bộ phận rất quan trọng được lãnh đạo phường Tân Bình đặc biệt quan tâm vì đây là bộ phận trực tiếp phục vụ người dân ngay khi chính quyền mới đi vào hoạt động. Do vậy mà bộ máy hoạt động, công tác nhân sự và cơ cở vật chất của trung tâm hành chính công đã được chuẩn bị từ cách đây nửa tháng.
"Trước khi đưa vào hoạt động chính thức thì trung tâm hành chính công của phường Tân Bình đã được vận hành thử ba lần và được hướng dẫn, theo dõi, giám sát sát sao của trung tâm chuyển đổi số TP nên đã vận hành trơn tru và sẵn sàng đi vào hoạt động phục vụ người dân"- ông Hùng thông tin.
***
Bà Ngô Hải Yến – Phó Chủ tịch UBND phường Sài Gòn chia sẻ tại thời khắc lịch sử sáp nhập: Thực sự thì tôi cảm thấy rất xúc động. Hôm nay là một thời khắc đặc biệt khi tất cả các địa phương trên cả nước cùng công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và các tỉnh, thành về sắp xếp đơn vị hành chính. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rằng việc sắp xếp này giống như “sắp xếp lại giang sơn” nhưng thể hiện rất rõ tinh thần quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong công tác chỉnh đốn tổ chức, tinh gọn bộ máy, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Biển tên mới ghi “Ủy ban nhân dân phường Sài Gòn” sẽ chính thức được lắp đặt, thay thế cho tên gọi cũ là “Ủy ban nhân dân Quận 1”. Đây là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt, không chỉ với cá nhân tôi mà còn với tất cả anh chị em cán bộ, công chức từng công tác tại phường 1, cũng như những người sắp tham gia vào bộ máy của phường Sài Gòn.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là việc đổi tên này đánh dấu một bước khởi đầu mới – khởi đầu cho một mô hình quản lý hành chính linh hoạt hơn, tinh gọn hơn và gần dân hơn.
"Với vai trò là lãnh đạo phường, tôi thấy đó chính là tư duy lãnh đạo và cách làm việc của cả hệ thống cán bộ, công chức. Vì vậy, thay đổi tư duy ở đây là chúng tôi – những người đứng đầu và cả đội ngũ cán bộ – phải xác định rằng việc phục vụ nhân dân không còn dừng ở những công việc hành chính chung chung, mà phải là những việc cụ thể, thiết thực, diễn ra hằng ngày. Cán bộ phải chủ động nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, thậm chí là những vướng mắc nhỏ nhất của người dân để kịp thời tham mưu, giải quyết nhanh và hiệu quả", bà Yến nói.
***
Bà Trần Thị Mai Lý, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, trong những ngày qua đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác truyền thông, xây dựng các trang Fanpage chính thức để tuyên truyền cho người dân về sự kiện sáp nhập.
Bên cạnh đó, chỉ đạo triển khai các bước chuẩn bị tiếp nhận tổ chức cơ sở Đảng từ Quận ủy quận Phú Nhuận chuyển giao, đồng thời thành lập các cơ quan chuyên trách giúp việc cho Đảng ủy sau khi sáp nhập. Đồng thời, bộ máy hành chính cũng được kiện toàn nhằm sẵn sàng phục vụ người dân đến thực hiện các thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công đặt tại trụ sở mới của phường.
Bà Lý cũng cho biết thêm, TP.HCM đã tổ chức thử nghiệm hệ thống dùng chung hai lần và kết quả cho thấy mọi hoạt động vận hành đều thông suốt. Các văn bản từ TP chuyển về cấp phường đầy đủ, xuyên suốt, hệ thống họp trực tuyến của Thành ủy – UBND kết nối ổn định, không xảy ra gián đoạn. Đội ngũ cán bộ, công chức tại phường đã thuần thục thao tác, sẵn sàng tiếp nhận khối lượng công việc tăng lên sau khi sáp nhập.
“Toàn bộ đảng viên và người dân trên địa bàn đều háo hức chờ đón thời khắc chuyển giao này. Tinh thần chung của anh em rất phấn khởi. Trung tâm hành chính công đã sẵn sàng phục vụ người dân ngay từ những ngày đầu tiên của mô hình mới” – bà Lý nhấn mạnh.
***
Bà Trần Thị Diệu Hiền, Chánh văn phòng UBND phường Cầu Kiệu, cho biết, rất xúc động khi TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung bước vào giai đoạn đổi mới.
Thời gian qua, để chuẩn bị cho việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, phường đã cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nhằm nắm vững quy định mới của trung ương và TP.HCM.
“Riêng bản thân tôi đã sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện đầy đủ những nội dung công tác mới; thực hiện tốt kỷ luật kỷ cương. Đồng thời, cố gắng hoàn thiện tốt công tác chuyên môn của mình để góp phần phát triển địa phương vững mạnh, tiến bộ hơn” - bà Hiền nói.
Bà Hiền cũng cho biết thêm, những công việc cũ trước đây còn tồn đọng đã được xử lý kịp thời hoặc bàn giao lại cho bộ phận xử lý tiếp theo. Còn về phường mới, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, từ nhân sự, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phần mềm dùng chung đến chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức.
“Tôi hy vọng và tin tưởng rằng vận hành chính thức mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1-7 sẽ mang đến hiệu quả, thông suốt và thành công” - bà Hiền chia sẻ.
Nguồn: https://ttbc-hcm.gov.vn/tp-hcm-nguoi-dan-phan-khoi-khi-xa-phuong-moi-di-vao-hoat-dong-1019051.html
Bình luận (0)