
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Xây dựng thành phố Đà Nẵng Võ Tấn Hà cho biết, trong suốt hơn một thập kỷ qua, BIM đã có những bước tiến ban đầu rất đáng khích lệ ở Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng. Tuy nhiên, việc triển khai BIM hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống đáng lo ngại.
Nhiều dự án áp dụng BIM nhưng chỉ dừng ở mức mô hình 3D trình diễn, chưa tích hợp tiến độ - chi phí - quản lý vận hành; các cơ quan quản lý chưa có công cụ giám sát chất lượng mô hình; doanh nghiệp ngại đầu tư do chưa có chính sách khuyến khích hoặc cơ chế chia sẻ rủi ro; thiếu kết nối dữ liệu giữa thiết kế - thi công - vận hành; đặc biệt thiếu một thể chế dẫn dắt đồng bộ để biến BIM từ mô hình công nghệ thành công cụ quản lý đô thị, quản trị quốc gia.

Vì vậy, hội thảo nhằm nhận diện, đánh giá đúng các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, nhất là về cơ chế, thể chế, chính sách phát triển BIM ở Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Các đại biểu đề nghị xây dựng đề án phát triển BIM của thành phố Đà Nẵng đến năm 2035, với lộ trình rõ ràng, mục tiêu cụ thể và danh mục dự án trọng điểm; thành lập Văn phòng điều phối BIM thành phố Đà Nẵng làm đầu mối hướng dẫn, kiểm soát, tổng hợp, đào tạo và kết nối các bên; lựa chọn một số dự án đầu tư công tiêu biểu để triển khai thí điểm Regulatory Sandbox BIM, qua đó hoàn thiện cơ chế chính sách, chuẩn hóa quy trình và đánh giá hiệu quả thực tế.
Cùng với đó, các đại biểu nêu ý kiến về phát triển hệ thống CDE địa phương và thư viện BIM Object địa phương hóa, giúp tăng tính liên thông, tiết kiệm chi phí và tạo cơ sở cho mô hình hóa dữ liệu toàn thành phố. Kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - cơ sở đào tạo để phát triển đội ngũ chuyên gia BIM đa tầng.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội thảo, đồng thời cho biết sẽ tổng hợp kết quả hội thảo thành một báo cáo chi tiết, gửi đến Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Đà Nẵng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố và các đơn vị liên quan.
Theo ông Đặng Việt Dũng, đây là bước khởi động quá trình xây dựng Đề án phát triển BIM thành phố Đà Nẵng, tích hợp với các chiến lược về đô thị thông minh, chuyển đổi số và đầu tư công hiệu quả; hỗ trợ việc hình thành mạng lưới chuyên gia BIM địa phương, có năng lực kiểm định mô hình, đào tạo nhân lực và tư vấn cho các dự án công - tư...

“Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào thời kỳ “dữ liệu là tài nguyên chiến lược”, BIM chính là cánh cổng để bước vào quản trị công trình - dự án - đô thị bằng công nghệ số, tư duy hệ thống và năng lực dữ liệu. Nếu không làm chủ được BIM sẽ tụt hậu không chỉ về công nghệ, mà cả về năng suất, hiệu quả đầu tư và chất lượng phát triển đô thị”
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng
Nguồn: https://baodanang.vn/tim-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-ap-dung-mo-hinh-thong-tin-cong-trinh-tren-dia-ban-da-nang-3297263.html
Bình luận (0)