Ông Lý Văn Vừ thổi khèn Mông |
Đam mê khèn Mông và cuộc đời đầy thử thách
Mặc dù khiếm thị từ nhỏ, ông Vừ không chịu đầu hàng số phận. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lại mất cả cha lẫn mẹ từ sớm, ông sống nhờ anh em họ hàng. Cuộc sống đầy gian khó, nhưng ước mơ của ông luôn cháy bỏng: được nhìn thấy màu sắc của thế giới xung quanh, được vui chơi cùng bạn bè.
Một ngày, trong khi ngồi trong nhà, ông bất ngờ nghe thấy tiếng khèn Mông từ xa vọng lại. Những âm thanh ấy khiến ông không thể ngồi yên. "Làm sao để thổi được khèn như thế? Làm sao để chế tác ra chiếc khèn phát ra những âm thanh tuyệt vời như vậy?" Câu hỏi ấy cứ mãi văng vẳng trong tâm trí ông.
Năm 18 tuổi, ông được những thợ khèn trong bản truyền dạy cách làm và thổi khèn. Dù không nhìn thấy, ông Vừ vẫn kiên trì học hỏi, bắt đầu từ những chiếc khèn đầu tiên làm sai đến nhiều lần, cho đến khi âm thanh đầu tiên vang lên hoàn hảo. "Tôi không bao giờ nản chí, dù lúc đầu khèn hỏng nhiều lắm," ông chia sẻ.
Ông Vừ chế tác khèn Mông. |
Tiếng Khèn kết nối tình yêu
Khi 26 tuổi, ông Vừ vẫn chưa có vợ, điều này khiến ông cảm thấy tự ti trong xã hội. Tuy nhiên, chính tiếng khèn đã thay đổi vận mệnh của ông. Trong một lần thổi khèn tại huyện Bảo Lâm, ông gặp được bà Ma Thị Nhua, người vợ sau này của mình. “Khèn đã giúp tôi tìm thấy người bạn đời của mình” ông Vừ chia sẻ.
Cuộc sống gia đình không dễ dàng, với bốn đứa con nhỏ và những khó khăn trong sinh kế. Tuy nhiên, ông Vừ đã dùng chính nghề chế tác khèn để nuôi sống gia đình. Mỗi tháng, ông có thể làm được từ 4 đến 5 chiếc khèn, bán với giá khoảng 1,5 triệu đồng mỗi chiếc. Dù không nhìn thấy, ông vẫn tự tay làm khèn, mang ra chợ phiên để bán.
Chế tác một chiếc khèn Mông là cả một quá trình tỉ mỉ. Ông Vừ cho biết: "Đầu tiên, tôi chọn trúc, không quá già cũng không quá non, sau đó phơi khô. Tiếp theo, tôi khoét lỗ cho lưỡi đồng - công đoạn quan trọng nhất, vì lưỡi đồng quyết định âm thanh của khèn." Mỗi chiếc khèn hoàn thiện, ông lại cẩn thận thử âm thanh, điều chỉnh lưỡi đồng sao cho hoàn hảo.
Dù không nhìn thấy, đôi tay ông Vừ vẫn điêu luyện, như thể có một sự sắp đặt hoàn hảo trong từng thao tác. Mỗi chiếc khèn là một tác phẩm nghệ thuật, mang đậm tình yêu và tâm huyết của ông với văn hóa dân tộc.
Dù không nhìn thấy, ông Vừ vẫn tự tay làm khèn, mang ra chợ phiên để bán. |
Khèn - Linh hồn của người Mông
Với ông Vừ, khèn không chỉ là một nhạc cụ. Nó là người bạn tri kỷ, luôn bên ông trong những lúc vui buồn. Trong những dịp Tết, lễ hội, hay khi kết duyên vợ chồng, khèn luôn là một phần không thể thiếu.
Ông chia sẻ: "Khèn là tiếng lòng của người Mông, là cầu nối giữa thế giới tâm linh và con người. Tiếng khèn còn là niềm vui khi đón Xuân, là tiếng rước cô dâu về nhà chồng, là lời tỏ tình."
Khi mái tóc đã bạc, ông Vừ vẫn muốn truyền đam mê khèn Mông cho thế hệ trẻ, để văn hóa này không bị mai một. "Tôi muốn những chiếc khèn Mông bay cao hơn, xa hơn, để các thế hệ sau gìn giữ và phát huy," ông tâm sự.
Chia tay ông Lý Văn Vừ, người đã gần 50 năm gìn giữ "linh hồn" của dân tộc Mông trên đỉnh Nghè Luông, chúng tôi tin rằng tiếng khèn của ông sẽ mãi mãi vang vọng, góp phần duy trì và phát triển văn hóa Mông tại vùng cao Cao Minh. Tiếng khèn ấy không chỉ gọi mời du khách đến với các xã phía Bắc tỉnh Thái Nguyên mà còn là sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/tieng-khen-mong-tren-dinh-nghe-luong-c1b18c9/
Bình luận (0)