Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường cổ phiếu tại sàn HOSE. Ảnh minh họa: Hứa Chung/TTXVN 

Theo Công ty Chứng khoán Maybank (MBKE), đây là tín hiệu tích cực giúp thị trường tài chính ổn định trở lại, tạo tiền đề để dòng vốn ngoại có thể quay lại thị trường Việt Nam trong nửa cuối năm 2025.

Đánh giá về khả năng ứng phó, MBKE nhận định phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuẩn bị nhất định. Nhiều doanh nghiệp đang chủ động đàm phán cơ chế chia sẻ chi phí với các đối tác nhập khẩu tại Mỹ, điều chỉnh cơ cấu giá bán và tối ưu hóa chuỗi cung ứng để duy trì năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, xu hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường. Với các yếu tố cấu trúc như nền tảng sản xuất phát triển, 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), chi phí lao động cạnh tranh và dân số gần 100 triệu người, Việt Nam vẫn được kỳ vọng giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn quốc tế trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, MBKE cho rằng thỏa thuận thương mại đã loại bỏ một yếu tố bất định lớn, tạo điều kiện để nhà đầu tư tái tập trung vào các yếu tố nền tảng như triển vọng tăng trưởng nội địa và lợi nhuận doanh nghiệp.

MBKE tiếp tục khuyến nghị ưu tiên các nhóm cổ phiếu có chia cổ tức, cũng như những lĩnh vực được hỗ trợ bởi cơ cấu đầu tư và các gói kích thích như công nghệ thông tin, logistics, hàng không, bất động sản, tiêu dùng và thép.

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research (Công ty cổ phần Chứng khoán SSI) - nhận định: Đây là "tín hiệu rất tích cực", đặc biệt khi Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ ba của Mỹ có thể đạt được thỏa thuận sơ bộ về thuế quan - cơ sở nâng cao vị thế thương mại quốc tế.

“Mức thuế mới nếu đi kèm với quy tắc xuất xứ thuận lợi, đây có thể là nền tảng ổn định, không chỉ mang tính tạm thời”, ông Hưng nhận định. Ông Phạm Lưu Hưng cũng nhấn mạnh, yếu tố cần theo dõi kỹ là thời hạn ngày 9/7 là mốc kết thúc đợt đàm phán 90 ngày.

 

“Chúng ta không chỉ quan tâm đến mức thuế mà còn phải theo dõi kỹ quy tắc xuất xứ. Bài học từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy nếu quy tắc xuất xứ quá khắt khe, doanh nghiệp dù có mức thuế thấp cũng khó được hưởng ưu đãi,” ông Hưng nói.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang phản ánh tích cực trước thông tin mới. Tính đến phiên giao dịch ngày 2/7, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.384,59 điểm, đánh dấu mốc cao nhất trong hơn 3 năm qua. Lần gần nhất chỉ số này ghi nhận mức tương đương là vào phiên 20/4/2022, khi VN-Index chốt phiên ở 1.384,72 điểm. Việc VN-Index ttái lập mức cao của tháng 4/2022 thể hiện tâm lý thị trường đang tích cực hơn, với dòng tiền cải thiện và kỳ vọng lớn vào kết quả kinh doanh quý II, tiến độ nâng hạng thị trường cũng như khả năng thu hút dòng vốn ngoại trong nửa cuối năm 2025.

Trong phiên sáng 3/7, thị trường duy trì trạng thái giao dịch tích cực, dù đầu phiên có rung lắc nhẹ. VN-Index phục hồi và vượt ngưỡng 1.390 điểm. Cuối phiên sáng, VN-Index tăng 7,19 điểm lên 1.391,78 điểm.

Tại thị trường quốc tế, cổ phiếu Nike - doanh nghiệp có 50% sản lượng giày và 30% sản lượng may mặc sản xuất tại Việt Nam - đã tăng 4% trong phiên gần nhất tại Phố Wall, phản ánh niềm tin của giới đầu tư toàn cầu vào khả năng duy trì ổn định chuỗi cung ứng từ Việt Nam sau thỏa thuận.

Theo dự báo từ MBKE, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm tài chính 2025 dự kiến đạt 15,1% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu ổn định và nhu cầu trong nước mạnh mẽ.

Khi rủi ro thương mại đã dịu xuống, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm được đánh giá là đáng kỳ vọng, với tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại và dòng vốn ngoại được kỳ vọng sớm quay lại.

Theo baotintuc.vn

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/thoa-thuan-thuong-mai-viet-nam-hoa-ky-tin-hieu-tich-cuc-cho-dong-von-va-thi-truong-chung-khoan-155317.html