Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thí sinh thi hát, kể chuyện, bật xa... tranh suất vào sư phạm

Sáng 5-7, thí sinh từ nhiều tỉnh, thành phố đã mặc áo dài, trang phục dân tộc, 'quần đùi áo số'... hội tụ về Trường đại học Sư phạm Hà Nội để thi năng khiếu xét tuyển vào ngành sư phạm.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ05/07/2025

sư phạm - Ảnh 1.

Đỗ Thị Minh Ánh, quê Mai Châu, Phú Thọ mặc trang phục truyền thống của người Thái để 'ghi điểm' phần thi năng khiếu hát - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Trong trang phục truyền thống của người Thái, Đỗ Thị Minh Ánh, quê Phú Thọ, cho biết đã cùng mẹ xuống Hà Nội trước hai ngày để tham dự kỳ thi năng khiếu tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, lấy kết quả xét tuyển sư phạm mầm non.

Trong buổi sáng nay, Ánh thi năng khiếu kể chuyện, buổi chiều thi năng khiếu hát. Buổi chiều thi hát, Ánh sẽ trình bày ca khúc Niềm vui của em.

"Em rất yêu thích trẻ em. Bố mẹ em cũng định hướng em học sư phạm mầm non. Để tham dự kỳ thi năng khiếu, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT một tuần, em bắt đầu đi học thêm về thẩm âm, tiết tấu và học kể chuyện, 2 buổi/tuần. Hiện tinh thần em đã khá thoải mái", Ánh nói.

Đứng trước phòng thi kể chuyện, Đỗ Thu Huyền, quê Ninh Bình, chia sẻ khá hồi hộp khi tham dự kỳ thi năng khiếu, bởi phần thi kể chuyện thí sinh phải bốc thăm một câu chuyện dài khoảng 1 trang A4, sau đó có khoảng 10 phút để học thuộc và kể lại truyền cảm.

"Phần thi hát em sẽ hát bài hát Niềm vui của em. Bởi vì có nhiều anh chị từng thi nói lại hát bài này dễ được điểm cao nên em muốn xin vía may mắn này", Huyền nói.

Thí sinh thi hát, kể chuyện, bật xa... tranh suất vào sư phạm - Ảnh 2.

Vũ Thị Vân, quê Bắc Ninh, đam mê thể thao từ nhỏ, yêu thích các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu, bóng rổ, điền kinh - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Hoàn thành bài thi bật xa ngay đầu giờ sáng, Vũ Thị Hân, học sinh trường THPT Lý Thường Kiệt số 1, Bắc Ninh, cho biết khi tập luyện ở nhà, Vân đo thử được khoảng 2,3 m. Phần thi 100m, ở nhà Vân thử bấm đạt 14 giây.

"Em mong ước được thành giáo viên thể dục. Em không lo nghề này vất vả, em chỉ sợ mình không có việc để làm.

Em từng được huy chương bạc môn bóng đá ở Hội khỏe Phù Đổng cấp quốc gia năm ngoái và giải nhất đá cầu Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh Bắc Giang (cũ) năm nay. Ngoài xét tuyển Trường đại học Sư phạm Hà Nội, em có thi thêm Trường đại học Thể dục thể thao Hà Nội", Vân chia sẻ.

sư phạm - Ảnh 3.
sư phạm - Ảnh 4.
sư phạm - Ảnh 5.

Vân hoàn thành bài thi bật xa sáng 5-7 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Kỳ thi năng khiếu của Trường đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra hai ngày 5 và 6-7, có 3.202 thí sinh tham dự. Trong đó, ngành giáo dục mầm non và giáo dục mầm non - sư phạm tiếng Anh có 1.617 thí sinh đăng ký; giáo dục thể chất 816 thí sinh; sư phạm âm nhạc 386; sư phạm mỹ thuật 383.

Với ngành sư phạm âm nhạc, thí sinh thi hai môn năng khiếu, gồm năng khiếu hát hai bài (1 ca khúc và 1 bài dân ca Việt Nam) và môn năng khiếu 2 lý thuyết âm nhạc cơ bản, đọc nhạc.

Ngành sư phạm mỹ thuật, thí sinh thi hai môn năng khiếu hình họa 240 phút và trang trí 210 phút.

Thí sinh thi sư phạm giáo dục thể chất tham dự hai môn năng khiếu, gồm môn năng khiếu 1 bật xa và môn năng khiếu 2 chạy 100m.

Ở ngành sư phạm mỹ thuật và giáo dục thể chất, thí sinh có thể sử dụng môn toán hoặc môn văn thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển cùng điểm hai môn năng khiếu.

sư phạm - Ảnh 6.

Thí sinh khởi động trước khi vào thi bật xa - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Môn thi năng khiếu để tuyển sinh vào các ngành giáo dục mầm non và giáo dục mầm non - sư phạm tiếng Anh gồm nội dung hát (bao gồm hát và thẩm âm - tiết tấu) và nội dung kể chuyện và đọc diễn cảm. Điểm thi môn năng khiếu là trung bình cộng điểm thi của hai nội dung thi.

Thí sinh xét vào ngành giáo dục mầm non sẽ sử dụng môn toán, văn, kết hợp điểm thi năng khiếu. Với thí sinh xét tuyển ngành giáo dục mầm non - sư phạm tiếng Anh cần xét môn toán, tiếng Anh hoặc văn, tiếng Anh kết hợp điểm thi năng khiếu.

sư phạm - Ảnh 7.

Thí sinh mặc trang phục truyền thống tham dự kỳ thi năng khiếu sáng 5-7 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Năm nay, Trường đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển gần 5.000 sinh viên vào 50 ngành/chương trình đào tạo với ba phương thức gồm: dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thí sinh có thành tích, năng lực vượt trội; dựa vào điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức; điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp điểm thi năng khiếu vào một số ngành.

Năm ngoái, điểm chuẩn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT khối ngành sư phạm vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội dao động từ 22 - 29,3. Các ngành xét kết hợp điểm môn năng khiếu điểm chuẩn dao động từ 22,69 - 25,66.

NGUYÊN BẢO

Nguồn: https://tuoitre.vn/thi-sinh-thi-hat-ke-chuyen-bat-xa-tranh-suat-vao-su-pham-2025070509454633.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm