Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thành phố Hồ Chí Minh: Khẳng định vị thế tiên phong trong chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo

TPHCM đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trung tâm khoa học - công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của khu vực bằng cách phát huy thế mạnh của 3 tỉnh, thành trước đây; từ đó tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp phong phú, hướng đến xây dựng thành phố thông minh, đáng sống và đầy khát vọng vươn xa.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng09/07/2025

Hội tụ các thế mạnh

Tỉnh Bình Dương trước đây đã xác định phát triển công nghiệp công nghệ số và công nghiệp bán dẫn là yêu cầu tất yếu để duy trì đà tăng trưởng bền vững, tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nơi đây cũng đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp qua đầu tư, phát triển các phòng thực hành thí nghiệm công nghệ (FabLabs/TechLabs) ở các trường đại học, cao đẳng…

J1e.jpg
TPHCM với các mục tiêu phủ sóng 5G rộng khắp các khu vực trong thời gian tới. Ảnh: TẤN BA

Theo lộ trình đề ra, trọng tâm trong thời gian tới sẽ đưa Khu Công nghệ thông tin tập trung đi vào hoạt động, hình thành Công viên KH-CN, khởi công Khu tổ hợp giáo dục - đào tạo; tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ĐMST, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ đã triển khai phát triển hạ tầng công nghệ số hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến và hướng đến phủ sóng 5G trên toàn khu vực. Nơi đây đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng KH-CN.

Trong đó, đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” đóng vai trò quan trọng, mang tính đặc thù của khu vực này. Hoạt động KH-CN và ĐMST được kỳ vọng góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh ở mức trên 0,7; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt trên 40%.

Quy hoạch chiến lược các Khu Công nghệ, Khu Công nghệ cao

Ngành KH-CN TPHCM sẽ tập trung khai thác tiềm năng của từng vùng một cách đồng bộ qua các lĩnh vực. Về hạ tầng, sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao, cùng các nhà mạng phát triển mạng 5G phủ rộng để tạo nền tảng kết nối thông suốt. Các Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Khu Nông nghiệp công nghệ cao sẽ được quy hoạch mở rộng và xây mới với chiến lược cụ thể trên toàn địa bàn. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp trên toàn thành phố sử dụng Quỹ phát triển KH-CN cho hoạt động R&D và đổi mới công nghệ hiệu quả hơn.

TPHCM khi chưa hợp nhất với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã sở hữu nền tảng KH-CN lớn của khu vực và cả nước; sở hữu hệ thống 97 trường đại học, cao đẳng, trong đó nhiều trường có uy tín và năng lực nghiên cứu hàng đầu, tiêu biểu như Đại học Quốc gia TPHCM. Bên cạnh đó, thành phố còn có hơn 450 tổ chức KH-CN, 134 phòng thí nghiệm hiện đại và 123 tổ chức trung gian hỗ trợ các hoạt động KH-CN, ĐMST. Cùng đó, các mô hình KH-CN tiên tiến đã khẳng định thương hiệu trong nhiều năm qua như Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo.

Trong lĩnh vực chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0, TPHCM đã khẳng định vị thế tiên phong. Kinh tế số được xác định là trụ cột tăng trưởng, hiện đang đóng góp khoảng 20% vào GRDP của thành phố. Song song đó, hệ sinh thái khởi nghiệp thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (chiếm khoảng 50% tổng số startup của cả nước), với sự tham gia của hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm và hơn 20.000 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH-CN.

Định hình hướng phát triển mới

Theo đại diện Sở KH-CN TPHCM, từ những thế mạnh của từng địa phương trước khi sáp nhập, TPHCM hôm nay sẽ trở thành một trung tâm thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các chuyên gia quốc tế tham gia vào các dự án nghiên cứu lớn, đặc biệt là các lĩnh vực thế mạnh của từng vùng như kinh tế biển, công nghiệp bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo (AI). Chính quyền sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số ĐMST.

J4a.jpg
Với hệ thống metro hiện đại, TPHCM kỳ vọng trong tương lai sẽ kết nối rộng khắp các khu vực

“Các trung tâm R&D sẽ liên kết, đẩy mạnh đầu tư thành các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế và phòng thí nghiệm trọng điểm. Thành phố tạo lập thị trường KH-CN chung, trong đó Sàn giao dịch công nghệ của TPHCM sẽ được xây dựng và vận hành để kết nối với các sàn giao dịch công nghệ trong vùng Đông Nam bộ và toàn quốc, từ đó đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ giữa các viện, trường tại TPHCM với các doanh nghiệp sản xuất”, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết.

Sở KH-CN TPHCM đã hoạch định các mục tiêu để tạo ra sức mạnh cộng hưởng phát triển các tiềm năng và thế mạnh vốn có. Đó là xây dựng một không gian ĐMST và chuyển đổi số thống nhất; từ đây kiến tạo một hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo có quy mô vùng và quốc tế, kết nối chặt chẽ các chủ thể gồm viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước trên toàn địa bàn TPHCM. Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST TPHCM sẽ được phát triển gắn với mạng lưới trung tâm của vùng và quốc gia... Thành phố sẽ trở thành trung tâm quốc gia về hạ tầng trung tâm dữ liệu, hình thành một trung tâm dữ liệu lớn quy mô vùng để phục vụ chung cho toàn bộ TPHCM mới.

Khu vực Bình Dương cũ sẽ được định vị là “công xưởng” sản xuất công nghiệp thông minh và logistics hiện đại của TPHCM. Qua đó ưu tiên ứng dụng các công nghệ như robotics, tự động hóa và in 3D. Mở rộng các khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung tại đây, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư sản xuất linh kiện, vi mạch điện tử. Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ hàng hải, trung tâm kinh tế biển và năng lượng sạch, từ đây hình thành một trung tâm R&D đạt chuẩn quốc tế về kinh tế biển và các tổ hợp nghiên cứu biển, đại dương và tài nguyên thiên nhiên. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN và chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để tối ưu hóa hệ thống cảng biển nước sâu, phát triển du lịch thông minh…

“Đối với khu vực lõi TPHCM hiện hữu, sẽ định vị là “bộ não” nghiên cứu, trung tâm tài chính và dịch vụ chất lượng cao để hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến của các doanh nghiệp Fintech, phát triển mạnh các ngành công nghệ chiến lược như AI, phần mềm và nội dung số. Tập trung hình thành ít nhất 1-2 trung tâm R&D đạt chuẩn quốc tế trong lĩnh vực tài chính và công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực hành chính công, tài chính, ngân hàng, y tế và giáo dục chất lượng cao”, ông Lâm Đình Thắng chia sẻ.

3 nhóm nhiệm vụ hoạt động trọng tâm của Sở KH-CN TPHCM

- Xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng số TPHCM, một nội dung then chốt để hình thành không gian số, dữ liệu mở và nền tảng cho đô thị thông minh.

- Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong nội bộ sở với trọng tâm là xây dựng hệ thống quản trị số phục vụ điều hành - đánh giá - giám sát theo thời gian thực.

- Triển khai quyết liệt giai đoạn 2 của đề án sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, hướng tới tổ chức lại bộ máy theo mô hình tinh gọn, giảm chồng chéo, tăng hiệu quả hoạt động. Đây là tiền đề cho việc xây dựng hệ sinh thái các đơn vị KH-CN có năng lực tự chủ, sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ KH-CN trong bối cảnh mới.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-khang-dinh-vi-the-tien-phong-trong-chuyen-doi-so-va-khoi-nghiep-sang-tao-post803155.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm