Trước yêu cầu từ Bộ VHTTDL và thực tiễn quản lý di sản tại địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các di tích và hiện vật, di vật, cổ vật có giá trị trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương triển khai các nội dung theo chỉ đạo tại Công văn số 2895/BVHTTDL-DSVH ngày 20.6.2025 của Bộ VHTTDL.
UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo vệ tuyệt đối di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh ba nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ theo đúng quy định pháp luật, không để bất kỳ di sản nào bị buông lỏng, không có đơn vị hoặc cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, trông coi.
Thứ hai, rà soát, xác định rõ ràng đơn vị và cá nhân đại diện chịu trách nhiệm trực tiếp với từng di tích. Không để xảy ra tình trạng “vô chủ”, chồng chéo hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa.
Thứ ba, các ngành, địa phương cần xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý kịp thời mọi hành vi xâm hại, phá hoại di tích và hiện vật gắn với di tích. Tuyệt đối không để xảy ra mất mát, thất lạc hoặc bị hủy hoại di sản dưới bất kỳ hình thức nào.
Thanh Hóa hiện là một trong những tỉnh có hệ thống di sản phong phú bậc nhất cả nước. Toàn tỉnh đã kiểm kê và công bố 1.535 di tích, trong đó có 856 di tích được xếp hạng, bao gồm: Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia, 711 di tích cấp tỉnh.
Với khối lượng di sản lớn, phân bổ rộng khắp, việc bảo vệ các giá trị lịch sử - văn hóa không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các địa phương và cộng đồng dân cư.
Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý di sản hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch; đồng thời tiếp tục phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, giáo dục truyền thống và quảng bá hình ảnh địa phương.
Đây không chỉ là trách nhiệm quản lý nhà nước mà còn là lời cam kết của tỉnh đối với quá khứ và tương lai, gìn giữ những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/thanh-hoa-ra-toi-hau-thu-bao-ve-di-tich-co-vat-148818.html
Bình luận (0)