Từ ngày 1-7-2025, Việt Nam chính thức có 13 đặc khu hình thành từ các huyện đảo. Đây không chỉ là bước chuyển đổi về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương mà còn mở ra kỳ vọng đột phá về kinh tế biển, nâng cao năng lực quản trị vùng biên và củng cố vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Khai thác tối đa tiềm năng
13 đặc khu chính thức vận hành từ ngày 1-7, gồm: Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh); Cát Hải, Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Hoàng Sa (TP Đà Nẵng); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Lâm Đồng); Côn Đảo (TP HCM); Phú Quốc, Kiên Hải, Thổ Chu (An Giang).
Trong số đặc khu của tỉnh An Giang, Phú Quốc có tổng diện tích hơn 589 km2; quy mô dân số của 2 phường Dương Đông, An Thới và 6 xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn của thành phố Phú Quốc (cũ) trên 150.000 người.
Đặc khu Phú Quốc có đủ các cảng biển quốc tế, cảng hành khách quốc tế, cảng hàng không quốc tế, cùng hệ thống khu kinh tế ven biển để định hình là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí quốc tế, trung tâm tài chính - thương mại dịch vụ của khu vực ĐBSCL.
Với việc trở thành đặc khu, kỳ vọng Phú Quốc và Phú Quý tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Ảnh: DUY NHÂN
Với những điều kiện, tiềm năng, lợi thế như trên, Phú Quốc giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Theo ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc, để phát huy vị thế "cửa ngõ phía Tây Nam" của Tổ quốc, Phú Quốc cần một thể chế năng động, vượt trội nhằm phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.
Theo ông Khoa, Phú Quốc xác định kinh tế biển là trụ cột chiến lược, vừa phát triển vừa bảo vệ, như: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển hạ tầng cảng biển - dịch vụ hậu cần với các lực lượng bảo vệ biển đảo; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn rạn san hô, rừng nguyên sinh, gắn với hoạt động tuần tra dân sự - quân sự trên biển. Ông Khoa cho rằng cần định hình thể chế rõ hơn và sớm cụ thể hóa "Đề án chính quyền đặc khu Phú Quốc" để có khung pháp lý đầy đủ, minh bạch.
Vốn là một xã thuộc TP Phú Quốc trước đây, đặc khu Thổ Châu có diện tích chưa tới 14 km2, dân số gần 1.900 người. Đây là một trong những đặc khu xa đất liền và điều kiện kinh tế, giao thông thuộc diện khó khăn nhất so với các đặc khu còn lại.
Dù vậy, việc chuyển thành đặc khu, chính quyền Đặc khu Thổ Châu kỳ vọng tạo thế phát triển mới. "Thổ Châu từ trước đã được xác định là đảo tiền tiêu, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. Do đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế không tách rời quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền. Mục tiêu, nhiệm vụ sắp tới là tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc" - lãnh đạo đặc khu Thổ Châu khẳng định.
Cần cơ chế tài chính đặc thù
Việc thành lập đặc khu không chỉ mở ra một chương mới cho sự phát triển của đảo tiền tiêu mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia trong tình hình mới.
Những ngày đầu tháng 7, tại đặc khu Phú Quý (tỉnh Lâm Đồng), không khí làm việc khẩn trương lan tỏa khắp các cơ quan hành chính. Sau khi được công bố trở thành đặc khu, Phú Quý bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, định hình một trung tâm kinh tế biển, du lịch và quốc phòng - an ninh chiến lược giữa biển Đông.
Đặc khu Phú Quý. Ảnh: CHÂU TỈNH
Phú Quý có diện tích chỉ hơn 16 km² nhưng lại nắm giữ vị trí đặc biệt quan trọng - là tiền đồn phía Đông Nam của Tổ quốc. Với hạ tầng giao thông biển và điện gió đang được cải thiện từng ngày, cùng vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu ôn hòa và vùng biển ngư trường phong phú, hòn đảo này hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một đặc khu đa chức năng.
Ông Lê Hồng Lợi, Chủ tịch UBND Đặc khu Phú Quý, chia sẻ: "Việc được công nhận là đặc khu giúp chúng tôi có thêm cơ sở để kêu gọi đầu tư hạ tầng trọng điểm, như cảng biển nước sâu, khu hậu cần nghề cá quy mô lớn. Quan trọng hơn, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển đi liền với giữ vững chủ quyền Tổ quốc".
Trong định hướng phát triển, chính quyền Đặc khu Phú Quý xác định ba trụ cột chính: kinh tế biển, du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo. Các dự án điện gió ngoài khơi, cảng cá kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm bảo tồn biển... đang được xúc tiến đồng bộ, gắn với quy hoạch không gian biển mang tầm dài hạn. Theo ông Lê Hồng Lợi, đặc khu Phú Quý sẽ dành ưu tiên cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực khai thác hải sản bền vững, chế biến xuất khẩu và dịch vụ biển. "Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế tài chính đặc thù như ưu đãi thuế, hỗ trợ hạ tầng, cấp phép đầu tư nhanh để thu hút các doanh nghiệp lớn về đảo" - ông Lợi nói.
Đặc khu Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) có diện tích tự nhiên 230 ha, dân cư sinh sống thường xuyên trên đảo 480 người; trong đó, có 24 hộ gia đình với 96 nhân khẩu. Ông Trần Xuân Anh - Bí thư, Chủ tịch Đặc khu Cồn Cỏ - cho biết việc Cồn Cỏ trở thành đặc khu không chỉ là sự điều chỉnh về mặt hành chính, mà còn mở ra cơ hội, không gian phát triển đột phá cho đảo.
Ngày 10-7 vừa qua, ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đã đến đặc khu Cồn Cỏ kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Ông Lê Ngọc Quang yêu cầu địa phương khẩn trương phối hợp các cấp ngành có thẩm quyền đôn đốc xây dựng, thực hiện Đề án "Phát triển huyện đảo Cồn Cỏ mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh". Trong đó, bám sát quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và định hướng phát triển về phía Đông, trọng tâm là phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Việc thành lập đặc khu là bước đi chiến lược trong tầm nhìn phát triển biển đảo quốc gia. Từ vùng đảo xa xôi, các đặc khu đang chuyển mình trở thành những "pháo đài" vững chãi - nơi kinh tế biển và quốc phòng - an ninh được phát triển song hành, mở ra kỳ vọng về một mô hình đặc khu kiểu mới, gắn chặt lợi ích dân sinh với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ông LÊ ANH TÚ, Bí thư Đảng ủy Đặc khu Côn Đảo, TP HCM:
Phát huy các giá trị sinh thái biển
Với việc trở thành đặc khu thuộc TP HCM, tôi kỳ vọng có những thay đổi lớn từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kể cả người dân Côn Đảo. Với nguồn lực của thành phố, tôi cũng kỳ vọng Côn Đảo sẽ được đầu tư đồng bộ về hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, điện, nước, viễn thông...
Chúng tôi đề xuất thành phố tiếp tục quan tâm, làm việc với Chính phủ trình Bộ Chính trị, Quốc hội để sớm thông qua Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Côn Đảo. Chúng tôi cũng kiến nghị thành phố, Trung ương sớm triển khai một số dự án trọng điểm. Trong đó có dự án xây dựng sân bay quốc tế Côn Đảo. Dự án này được báo cáo trước Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa -Vũng Tàu vào ngày 3-5. Có được sân bay quốc tế thì các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế sẽ quan tâm, đầu tư nhiều hơn ở Côn Đảo. Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu đầu tư cảng biển du lịch cho Côn Đảo, góp phần phát huy các giá trị sinh thái biển - đảo cho Côn Đảo.
Các dự án trọng điểm này kỳ vọng tạo nền tảng để Côn Đảo phát triển vượt bậc trong 5 năm, 10 năm tới.
Ông NGUYỄN HOÀNG GIANG, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi:
Tạo cú hích mạnh mẽ cho Lý Sơn
Lý Sơn có vị trí chiến lược trên Biển Đông và sở hữu tiềm năng du lịch biển đảo độc đáo. Khi xây dựng định hướng phát triển đặc khu Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đặt ra một số mục tiêu cốt lõi phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo hàng đầu; thúc đẩy kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý; bảo tồn văn hóa và phát triển bền vững.
Đảng bộ và chính quyền Lý Sơn kiên định mục tiêu xây dựng huyện đảo này thành trung tâm du lịch biển đảo, tận dụng vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa bản địa và các di tích lịch sử gắn với Hoàng Sa - Trường Sa để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tỉnh kỳ vọng các cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho đặc khu sớm được ban hành, tạo cú hích mạnh mẽ cho phát triển du lịch bền vững tại Lý Sơn.
B.Ngọc - T.Trực ghi
Nguồn: https://nld.com.vn/tao-the-moi-cho-cac-dac-khu-196250712204116886.htm
Bình luận (0)