Chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Văn Phương (bên phải) trao đổi về tiến độ dự án với đại diện Kanglongda Huế |
Đồng hành cùng nhà đầu tư
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và chuyển mình mạnh mẽ, việc đảm bảo các dự án đầu tư được triển khai đúng tiến độ không chỉ là yêu cầu quản lý hành chính, mà còn là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững cho địa phương. Huế đang vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nên yêu cầu này càng trở nên cấp bách.
Thời gian qua, thành phố ghi nhận hàng loạt dấu hiệu tích cực. Đến cuối tháng 6/2025, toàn thành phố có 344 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký tăng hơn 116% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt trên 7.400 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ…
Thành phố đã chủ động hỗ trợ nhà đầu tư khởi động nhiều dự án quy mô lớn như, Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza, Trung tâm Logistics Chân Mây, hai khu nhà ở xã hội tại An Vân Dương, Nhà máy Cristobalite… Tổng mức đầu tư các nhà máy, dự án lên đến 6.000 tỷ đồng cho thấy quyết tâm thu hút và hiện thực hóa dòng vốn vào Huế.
Trên lĩnh vực công nghiệp, một loạt dự án giai đoạn 2 và 3 của các nhà máy như Kim Long Motor Huế, Kanglongda Huế, Nhà máy bia Carlsberg Việt Nam... đang được chính quyền thành phố hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đây là các dự án không chỉ có quy mô lớn, mà còn tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, đóng góp lớn cho ngân sách và định hình lại cấu trúc công nghiệp địa phương.
Năng lực cán bộ là yếu tố quan trọng để giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp |
Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo thành phố luôn nhấn mạnh, việc hỗ trợ nhà đầu tư không chỉ dừng ở khâu khởi công, mà phải xuyên suốt vòng đời dự án; đánh giá lại toàn bộ các thủ tục có thời gian xử lý kéo dài để kịp thời rút ngắn.
Sự quyết liệt này giúp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Huế tiếp tục duy trì vị trí trong top 10 toàn quốc, xếp thứ 6 năm 2024 - tăng 2 bậc so với năm trước. Đồng thời, đưa chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng 10 bậc, lên vị trí thứ 7.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế, yếu tố then chốt chính là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố trong việc đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. “Thành phố thành lập các tổ công tác chuyên giám sát, hỗ trợ dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Các tổ này không chỉ nắm tiến độ, mà còn kịp thời tháo gỡ các “nút thắt” từ thủ tục pháp lý, quy hoạch đến giải phóng mặt bằng”, ông Nguyễn Văn Phương nói.
Thúc đẩy tiến độ bằng hành động thực chất
Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2025, TP. Huế đã giải ngân hơn 2.229 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương 50,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, một con số tích cực, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, nếu bóc tách cơ cấu, phần vốn ODA lại chưa đạt yêu cầu. Điều này cho thấy, các dự án phụ thuộc vào thủ tục liên ngành, liên cấp vẫn đang bị ách tắc ở khâu giải ngân. Và thực tế cũng cho thấy, giải phóng mặt bằng tiếp tục là điểm nghẽn lớn nhất với hầu hết các dự án đang triển khai tại Huế.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2025 mới đây, ông La Phúc Thành, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, các đơn vị, địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công.
Hiện nay, bên cạnh các dự án đang triển khai, thành phố cũng tiến hành rà soát toàn bộ các dự án chậm tiến độ theo các nhóm cụ thể. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ năng lực tài chính, năng lực triển khai hoặc có dấu hiệu đầu cơ, làm nghẽn dòng vốn đầu tư vào các khu vực chiến lược.
Đi đôi với đó là một loạt các giải pháp mang tính chủ động được triển khai. Đó là việc thành phố tập trung chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch, hoàn thiện quy hoạch và đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị trọng điểm để kêu gọi và thu hút đầu tư.
Đáng chú ý, tại Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 1/7/2025 về việc tổ chức vận hành thông suốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và xây dựng xã, phường toàn diện, Chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Văn Phương đã yêu cầu các xã, phường nhanh chóng hoàn thiện bộ máy, ổn định vận hành, cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, chỉ số quản trị và hành chính công cấp xã.
Theo ông Phương, một bộ máy chính quyền cơ sở đáng tin cậy, minh bạch, thân thiện với nhà đầu tư và người dân chính là “nền móng” cho tăng trưởng bền vững.
Cũng theo chỉ thị này, thành phố xác định phải tạo điều kiện thực chất cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh tiếp cận được đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn và các thủ tục hành chính đầu tư. Trong đó, thủ tục phải minh bạch, rút gọn nhưng vẫn đúng luật; tránh tình trạng chậm trễ do công văn qua lại hoặc thiếu sự phối hợp liên ngành.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/tao-dieu-kien-de-cac-du-an-hoan-thanh-dung-tien-do-155581.html
Bình luận (0)