Thống đốc vùng quần đảo Ionian Yianis Trepeklis và Đại sứ Phạm Thị Thu Hương. |
Đại sứ Phạm Thị Thu Hương có cuộc gặp, làm việc với ông Yianis Trepeklis, Thống đốc vùng quần đảo Ionian tại trụ sở văn phòng vùng đặt tại đảo Corfu.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thống đốc Yianis Trepeklis nồng nhiệt chào đón Đại sứ Việt Nam tới thăm đảo Corfu, cho rằng chuyến thăm của Đại sứ đánh dấu sự khởi đầu cho sự xích lại gần nhau và tăng cường hợp tác giữa khu vực quần đảo Ionian và Việt Nam.
Theo Thống đốc Yianis Trepeklis, là quần đảo với những đảo nổi tiếng với du khách quốc tế, như Corfu, Zakynthos, Lefkada và đảo Cephalonia là hòn đảo lớn thứ 6 tại Hy Lạp, du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.
Bên cạnh đó, chính quyền vùng chú trọng triển khai các chính sách bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận.
Thống đốc Yianis Trepeklis mong muốn được tăng cường hợp tác du lịch, văn hóa với Việt Nam, để nhiều người Việt Nam sẽ tới thăm quần đảo Ionian và sẵn sàng đón các đoàn địa phương Việt Nam tới trao đổi, hợp tác trong vấn đề phát triển bền vững kinh tế biển kết hợp bảo tồn thiên nhiên, môi trường.
Cùng với việc giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và định hướng ưu tiên trong phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay, Đại sứ Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh những điểm chung, nét tương đồng về văn hóa, lịch sử và địa lý giữa Việt Nam và Hy Lạp. Theo Đại sứ, với khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ và chiều dài bờ biển hơn 3.200km, kinh tế biển, trong đó có du lịch đóng vai trò quan trọng với Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2025, Việt Nam đã đón gần 11 triệu khách quốc tế tới thăm. Lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt hơn 5 triệu lượt người/năm và Hy Lạp là một trong những điểm đến yêu thích ngày càng được nhiều du khách Việt Nam lựa chọn.
Phía Việt Nam sẵn sàng mời đại diện chính quyền vùng Ionian và doanh nghiệp trong khu vực thăm Việt Nam để tìm hiểu tiềm năng hợp tác kinh tế, văn hóa; mong muốn các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng tại Ionian sẽ sử dụng lao động Việt Nam làm việc tại đảo, chính quyền vùng và Đại sứ quán sẽ phối hợp chắp nối.
Trong trao đổi, Thống đốc Yianis Trepeklis đề nghị Đại sứ cung cấp thông tin về các triển lãm và hội chợ du lịch quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội; bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ của khu vực quần đảo Ionian trong việc tham gia các hoạt động quảng bá du lịch, văn hóa tại Việt Nam, một thị trường du lịch đang phát triển năng động tại châu Á, với dân số hơn 100 triệu người.
Thống đốc Yianis Trepeklis cũng đề xuất thiết lập quan hệ hợp tác kết nghĩa giữa khu vực quần đảo Ionian và một địa phương có biển, đảo của Việt Nam nhằm phát triển hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển cũng như nhiều hoạt động thực tiễn riêng có của các khu vực có cơ chế quần đảo.
Theo thống đốc Yianis Trepeklis, sự tương đồng về địa lý sẽ giúp hai bên dễ có tiếng nói chung, hiểu nhau hơn và sẵn sàng ký kết văn bản hợp tác với Việt Nam.
Phát biểu với báo chí ngay sau cuộc gặp, Thống đốc Yianis Trepeklis cho biết: “Việt Nam là một quốc gia với hàng ngàn hòn đảo. Chúng tôi có những mối quan tâm chung và có nhiều điểm chung trong lối sống. Việt Nam có truyền thống văn hóa phong phú và quần đảo Ionian là một điểm đến, ngoài du lịch, còn có kho tàng văn hóa mạnh mẽ, một yếu tố tạo nên lợi thế so sánh của chúng tôi. Chúng tôi đã thảo luận về triển vọng ngoại giao văn hóa và đề xuất về việc trao đổi, giao lưu văn hóa để có thể hiểu rõ hơn về văn hóa của nhau. Trong tương lai, sự hợp tác này có thể được thiết lập bằng một thỏa thuận, hoặc nghị định thư hữu nghị về hợp tác giữa vùng Ionian và các vùng của Việt Nam”.
Ngoài ra, đoàn công tác đã được Thống đốc Yianis Trepeklis mời tham quan và nghe giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của vùng quần đảo Ionian nói riêng và lịch sử Hy Lạp nói chung tại Bảo tàng Khảo cổ học Corfu, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á.
Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật châu Á đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong việc mở góc triển lãm về các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam. Đây là bảo tàng qốc gia của Hy Lạp, đang trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia và một số nước Nam Á.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm đảo Corfu, đoàn công tác tới thăm hỏi thân nhân gia đình ông Konstantinos Fitsitzoglou, người lính Việt Minh gốc Hy Lạp với tên gọi Việt Nam Nguyễn Văn Bông, nghe lại những câu chuyện giác ngộ Việt Minh và tham gia kháng chiến chống Pháp trong suốt 7 năm với hàng chục trận chiến lớn nhỏ khắp tỉnh Bình Thuận.
Sinh thời ông Konstantinos Fitsitzoglou Nguyễn Văn Bông từng nói “tôi sinh ra ở Hy Lạp nhưng Việt Nam là quê hương thứ nhất của tôi vì tuổi xuân của tôi đã trôi qua ở đây. Tôi đã cùng chia ngọt sẻ bùi với những người đồng đội, đồng chí trong chiến tranh”.
Hiện ông Nguyễn Văn Bông đã mất, con trai ông là Hoàng Minh Châu (tên Hy Lạp Châu Fitsitzoglou) cùng vợ và hai con đều là bác sĩ, đang sinh sống tại đảo Corfu, hội nhập tốt tại địa phương và vẫn giữ truyền thống văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tang-cuong-hop-tac-giua-viet-nam-va-quan-dao-ionian-hy-lap-321917.html
Bình luận (0)