Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sứ mệnh bóng đá sinh viên: Bài học từ Nhật, Hàn

(NLĐO) - Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức giải bóng đá sinh viên mở rộng lần I-2025 với sự tham dự của 8 đội đến từ các trường ĐH, CĐ khu vực phía Nam.

Người Lao ĐộngNgười Lao Động20/07/2025

Đây là giải đấu bóng đá cấp độ sinh viên mà ý nghĩa của giải vượt hẳn một sân chơi bóng đá sinh viên đơn thuần.

Bóng đá sinh viên và nền tảng thể thao học đường

Ở châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 cường quốc bóng đá xây dựng nền tảng bóng đá học đường, bóng đá sinh viên rất vững chắc.

Sứ mệnh bóng đá sinh viên - Ảnh 1.

Giải bóng đá sinh viên mở rộng lần I-2025 với sự tham dự của 8 đội đến từ các trường Đại học, Cao đẳng khu vực phía Nam

Thể thao nói chung hay bóng đá học đường nói riêng được hai quốc gia Đông Bắc Á phát triển không phải để đuổi theo thành tích, mà nhằm phát triển thể chất, tao hiệu ứng kết nối cộng đồng xã hội. Đến khi cộng đồng bóng đá đủ lớn, diện tuyển chọn đủ rộng, các nhà tuyển trạch dễ tìm ra tài năng bóng đá hơn.

Thể thao học đường ở Nhật, Hàn vừa giúp học sinh theo đuổi đam mê bộ môn thể thao yêu thích, mà còn góp phần tăng cường độ vận động, rèn luyện ý thức làm việc nhóm, kết nối tập thể, trải nghiệm những thử thách cá nhân.

Tại Nhật Bản, mỗi năm hệ thống giải đấu bóng đá học đường (như giải các Trường Trung học toàn Nhật), giải sinh viên các Trường Đại học, các giải bóng đá học sinh vùng... được tổ chức thường xuyên. Ở đây, học sinh tham gia chơi bóng từ khá sớm, trước hết là cấp độ festival dành cho các lứa U6, U8, U10, U13, cho đến cấp học sinh trung học, rồi giải thuộc hệ thống các Trường Đại học... Vì vậy học sinh, sinh viên trên khắp đất nước Mặt trời mọc được cọ xát, trải nghiệm nhiều sân chơi bóng đá một cách thỏa sức.

Ở Hàn Quốc, bóng đá sinh viên phát triển từ thập niên 1990, với hệ thống giải U-league gồm hàng chục đội đến từ nhiều trường khắp đất nước xứ kim chi. Vào đầu những năm 2000, mỗi khi đội tuyển quốc gia của chúng ta gặp tuyển Sinh viên Hàn Quốc đều rất chật vật và không ít lần nhận thất bại tại các giải mời mà Việt Nam làm chủ nhà.

Nhật, Hàn là nơi mà học sinh, sinh viên vừa được đào tạo chơi bóng, vừa duy trì học tập song hành và cách làm này đã được thiết lập theo quy trình, kế hoạch rất bài bản.

Thậm chí các Liên đoàn bóng đá thuộc hệ thống trường học, trường Trung học, Đại học… được thành lập để điều hành các hoạt động bóng đá thường niên.

Chính nhờ môi trường bóng đá học sinh, sinh viên phát triển lớn mạnh như vậy nên có không ít tài năng bóng đá xuất hiện từ đây và sớm tỏa sáng ở môi trường chuyên nghiệp.

Bóng đá sinh viên: Bệ phóng của nhiều ngôi sao chuyên nghiệp

Những cái tên như Mitoma Kaoru (tuyển thủ Nhật Bản đá cho Brighton/Premier League), Kazuki Nagasawa (từng chơi ở Cologne/ Bundesliga)… đều là cựu cầu thủ sinh viên các trường Đại học.

Thậm chí họ từng bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ tại Đại học Tsukuba hay Đại học Waseda về đề tài bóng đá. Ở Hàn Quốc, Kim Min Jae (đá cho Bayern Munich), hay những tên tuổi lừng lẫy khác như Cha Bum Kun (tượng đài bóng đá Hàn Quốc), Hong Myong Bo… cũng đều chơi bóng ở nhiều trường Trung học.

Riêng các CLB chuyên nghiệp hầu hết đều có các học viện bóng đá tuyển chọn, đào tạo ra lực lượng cầu thủ kế thừa. Nhờ có mối liên hệ, kết hợp với trường học, nên số lượng cầu thủ dự tuyển rất đông đảo. Sự bền vững trong mô hình học viện bóng đá còn được thể hiện qua phương thức tổ chức vận hành.

Chẳng hạn như CLB Sanfrecce Hiroshima (đang chơi J.league 1) tổ chức thi đấu và đào tạo theo hình tháp 5 tầng: tầng 1 dành cho cấp độ trường học/học sinh (school); tầng 2 dành cho học sinh và thiếu niên (school/junior); tầng 3 là thiếu niên và trẻ (junior/youth); tầng 4 dành cho cầu thủ trẻ (youth); và trên đỉnh là chuyên nghiệp (pro).

Việt Nam muốn bóng đá mạnh, mọi thứ cũng phải bắt đầu được gầy dựng từ chân đế rộng như Nhật, Hàn thì nền tảng mới vững.

Bóng đá sinh viên và miền Tây giàu tiềm năng

Những năm 2000 các trận đấu bóng đá sinh viên trên địa bàn TP HCM luôn thu hút sự quan tâm đông đảo của giới trẻ. Sau này, một số ông bầu bóng đá như ông Đoàn Nguyên Đức, ông Võ Quốc Thắng từng gây tiếng vang với giải bóng đá sinh viên TP HCM mở rộng, SV-league. Gần đây, Báo Thanh Niên cũng tổ chức Giải Bóng đá Thanh niên-Sinh viên Việt Nam thường niên (đã trải qua 3 mùa).

Sứ mệnh bóng đá sinh viên - Ảnh 2.

Sôi động Giải bóng đá sinh viên mở rộng lần I-2025 khu vực phía Nam

Và lần này Trường Đại học Đồng Tháp thật sự tạo cú hích lớn khi tổ chức giải bóng đá cấp độ sinh viên quy tụ 8 đội đến từ các tỉnh, thành phía Nam tham gia. Giải đấu thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn, dư luận, truyền thông, nhất là các nhà tài trợ. Điều này cũng dễ lý giải, bởi ĐBSCL là nơi có nhiều tiềm năng phát triển bóng đá. Dư địa phát triển môn chơi này khá rộng và nguồn nhân lực, tài năng bóng đá cũng không ít.

Đừng quên nơi đây từng sản sinh những nhân vật bóng đá lừng lẫy như cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang (Gò Công/Tiền Giang cũ), Huỳnh Quốc Cường, Phan Thanh Bình (Đồng Tháp), Nguyễn Vũ Phong (Vĩnh Long), Phan Văn Tài Em, Nguyễn Việt Thắng (Long An cũ nay là Tây Ninh)…

Bây giờ, đi dâu, hỏi ai, mọi người cũng chỉ biết "hoài cổ" về những dấu ấn năm xưa, với hình ảnh Đồng Tháp từng 2 lần vô địch quốc gia (1989, 1996); Long An cũng từng một thời lừng lẫy với 2 lần đăng quang V.league (2005, 2006).

Trước kia hồi còn giải A1 hay giải các đội mạnh toàn quốc, đội Tiền Giang (cũ) cũng từng là cái tên gây ấn tượng. Thế nhưng giờ đây trên bản đồ V-league 1, bóng đá miền Tây như mất tích. Ở Giải Hạng nhất hiện tại, mọi sự quan tâm của người yêu bóng đá gần như chỉ dành cho CLB Đồng Tháp mà cựu tuyển thủ quốc gia Phan Thanh Bình đang làm HLV trưởng.

Đó là lý do vì sao dù chỉ là giải đấu sinh viên, nhưng sân chơi mà Trường Đại học Đồng Tháp đứng ra tổ chức đã làm nức lòng dư luận. PSG.TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp, Trưởng BTC giải khẳng định rằng nhà trường sẽ nỗ lực làm chủ giải và duy trì giải này hàng năm. Dù vậy, nếu có bất kỳ đơn vị nào khác muốn đăng cai, thì Trường Đại học Đồng Tháp sẵn sàng bàn giao tổ chức luân phiên để phát triển phong trào.

Theo những người trong cuộc Giải bóng đá sinh viên tranh cúp Trường Đại học Đồng Tháp mở rộng lần này vượt qua giới hạn của khuôn khổ một sân chơi sinh viên thuần túy. Bởi giải đấu tự thân mang sứ mạng kích hoạt sự phát triển của hệ sinh thái bóng đá sinh viên, bóng đá trẻ khu vực phía Nam mà tiềm năng, dư địa là rất lớn.


Nguồn: https://nld.com.vn/su-menh-bong-da-sinh-vien-bai-hoc-tu-nhat-han-196250720144725474.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm