Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sống đời bọt nước cùng con hến quê nghèo

Khi những cơn mưa trái mùa vừa dứt, mực nước trên các con sông phía Đông tỉnh Đắk Lắk rút xuống khá nhanh, những người dân ở vùng hạ lưu gần cửa biển Đà Nông, Đà Diễn, Tiên Châu – điểm cuối cùng của ba con sông lớn nhất là Bàn Thạch, Đà Rằng, Kỳ Lộ rủ nhau đi cào hến trong những buổi sáng tiết trời hanh khô, nắng ráo.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân09/07/2025

Đứng trên cầu Hùng Vương bắc qua hạ lưu sông Đà Rằng nối liền hai phường Tuy Hòa với phường Phú Yên giữa buổi sáng đầu tháng 7/2025, nhìn lên phía Tây dòng sông, nhiều người dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân địa phương đang dầm mình dưới dòng nước bên những bãi bồi, phía sau lưng họ là một thau nhựa nối sợi dây vào thắt lưng, trên tay là công cụ cào hến được thiết kế bởi một khung lưới sắt kết nối với cán cầm tay bằng cây tre nhỏ.

caohen7.jpg -0
Một trong số nhiều điểm thu mua hến ở khu phố Ngọc Lãng, phường Tuy Hòa.

Bằng những động tác cào hến dưới đáy sông rồi sàng lọc cho cát rơi xuống nước rất thuần thục, nhịp nhàng, chỉ sau vài phút họ đưa khung lưới sắt lên khỏi mặt sông để trút những con hến thu được vào chiếc thau nhựa. Cứ thế họ lầm lũi cào, xúc từ sáng đến trưa; mỗi khi số lượng hến được vài ba ký thì đẩy thau nhựa về phía chiếc xuồng nhỏ để trút vào bao rồi tiếp tục dầm mình dưới sông cào, xúc.

Trải nghiệm nghề nghiệp sau gần chục năm bám sông kiếm tiền bằng nghề cào hến, ông Trần Văn Dũng, trú ở thôn Ngọc Lãng, phường Tuy Hòa chia sẻ: “Mới nhìn thoáng qua cứ tưởng đơn giản lắm, nhưng không phải người nào khỏe mạnh đều có thể cào, xúc hến. Đâu chỉ dầm mình dưới nước nhiều giờ, mà người cào hến phải biết nhìn địa hình, mực nước, dòng chảy, độ mịn của cát ven những bãi bồi để đoán biết nơi nào có nhiều hến. Kế đến là phải biết thao tác kỹ thuật cào, xúc, sàng lọc cát sao cho nhanh gọn”.

Những người mới vào nghề chỉ sau vài giờ cào, xúc đã mỏi tay, cơ thể cũng mỏi mệt do ngâm mình trong dòng nước. Người sỏi nghề mỗi buổi cào hến từ sáng đến trưa thu được khoảng 40-50kg đưa vào bờ, loại bỏ sạn, sỏi còn lẫn lộn, rồi mới bán cho đầu nậu thu mua, mỗi cân hến loại nhỏ làm thức ăn cho vịt đẻ, tôm hùm 3.000-4.000 đồng, loại lớn chế biến thức ăn cho người 6.000-7.000 đồng, nhưng khi ra đến người tiêu dùng thì giá tăng hơn gấp đôi. Thường thì những khi mực nước trên sông rút xuống sau những cơn mưa thì có nhiều hến lớn, thịt ngon và thơm...

Cao điểm mùa hến, mỗi ngày có cả trăm người dân kéo nhau ra hạ lưu sông Đà Rằng, cách cửa biển Đà Diễn về phía thượng nguồn chừng ba cây số để cào, xúc, sàng lọc. Du khách đứng trên hai cầu Hùng Vương và Đà Rằng nhìn xuống tưởng chừng như những đội thủy binh đang diễn tập quân sự dưới nước. Chỉ riêng khu vực này vào mùa cào hến, mỗi ngày có không dưới 4 tấn hến từ dưới sông đưa về bán cho các điểm thu mua ở khu phố Ngọc Lãng, phường Tuy Hòa. Ngược dòng Đà Rằng lên đến khu vực thôn Vĩnh Phú, xã Phú Hòa 1; thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hòa… cũng có những nhóm người lặn lội trên sông để cào hến.

Bằng âm giọng đặt sệt xứ Nẫu, bà Lê Thị Thu, trú ở khu phố Ngọc Phước 1, phường Tuy Hòa cho biết: “Tôi sinh sống bên hạ lưu sông Đà Rằng từ thời thơ ấu nên không lạ gì với con hến nước ngọt ở nơi này. Trước kia người ta mua hến để bổ sung nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho những bầy vịt đẻ, sau này con hến được đưa đến những lồng nuôi tôm hùm và một số ít hến loại lớn được đưa ra chợ bán để làm thực phẩm trong những bữa ăn đậm chất dân dã và thịt hến cũng đã có mặt tại nhiều quán xá ở các phường, xã trong vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, Đà Rằng, Kỳ Lộ”.

Hến mua về chà rửa, ngâm nước vo gạo hoặc nước sạch một đêm cho hến tự thải chất bẩn rồi đưa vào nồi luộc gần chục phút thì hến bung ra, tách rời thịt khỏi vỏ. Nước luộc hến có màu trắng đục như nước vo gạo dùng để nấu cháo, nấu canh với rau muống, mồng tơi cùng với thịt hến. Thịt hến còn chế biến các món gỏi, món xào với giá xúc bánh tráng là thực đơn khoái khẩu của dân nhậu chán chường cá, thịt. Dù chế biến kiểu nào thì món hến “nhỏ miếng, rẻ tiền” cũng thơm ngon, khách lạ khó quên.

Không chỉ riêng vùng hạ lưu sông Đà Rằng, mà mỗi khi đến mùa hến, nhiều người dân ở khu phố Bình Thạnh, phường Sông Cầu 1 và thôn Bình Thạnh, xã Tuy An Đông kéo nhau ra sông Bình Bá – một nhánh hạ lưu sông Kỳ Lộ đổ ra cửa biển Tiên Châu để cào hến.

Ngoài thời gian canh tác ruộng lúa, vườn rau, nhiều người dân sinh sống phía hữu ngạn sông Bình Bá tranh thủ những đêm tiết trời êm ả, họ chèo xuồng ra sông giăng lưới đánh bắt cá, đến mùa hến thì ra sông cào, xúc. Mặc dù những đồng tiền thu được từ đánh cá, cào hến không nhiều, nhưng cũng có thêm khoản chi phí sinh hoạt gia đình, nên hàng chục người dân ven sông tranh thủ lúc nông nhàn rủ nhau ra sông cào hến để cải thiện đời sống thường nhật.

Cũng như nhiều người dân sinh sống bên hạ lưu các dòng sông ở miền Trung, nghề cào hến ven sông Đà Rằng, Bàn Thạch, Bình Bá ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk cho dù vất vả nhưng những người hành nghề chuyên nghiệp vẫn dầm mình dưới nước để... kiếm cơm. Mỗi ngày nhiều tấn hến từ dưới sông được đưa lên bờ, sau đó chuyển tải đến những vùng nuôi tôm hùm, trại chăn vịt đẻ hay được chế biến thực phẩm trong bữa ăn của gia đình, thực đơn trong những quán nhậu bình dân… Và sau mỗi mùa mưa lũ mang phù sa bồi đắp vùng hạ lưu các dòng sông, hàng triệu con hến lại sinh trưởng để những người cào hến có điều kiện tiếp tục mưu sinh.

Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/song-doi-bot-nuoc-cung-con-hen-que-ngheo-i774146/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm