Ronaldo Jr từ nhỏ đã luôn được cha áp dụng phương pháp rèn luyện nghiêm khắc - Ảnh: INSTAGRAM
Lợi thế em út - khái niệm đặc biệt của khoa học thể thao
Gần 3 năm trước, khi Ronaldo đến Al Nassr, anh cũng quyết định lựa chọn học viện bóng đá nơi đây làm nơi rèn giũa tài năng của con trai.
Ronaldo Jr, khi đó chưa đầy 13 tuổi, được cha yêu cầu gia nhập đội U15 của Al Nassr. Đó không hề là một quyết định bốc đồng của Ronaldo.
Siêu sao người Bồ Đào Nha được cho là đã cố gắng áp dụng phương pháp rèn luyện "lợi thế em út" dành cho con trai mình. Trong làng thể thao đỉnh cao, đây là một khái niệm khá quen thuộc.
Cụ thể, khi một đứa trẻ chơi bóng cùng những người lớn hơn, mạnh hơn và nhanh hơn, chúng sẽ buộc phải thích nghi, cải thiện kỹ năng và rèn luyện sự bền bỉ.
Đây chính là nguyên lý hình thành nên "lợi thế em út" - một khái niệm được đề cập ngày càng nhiều trong tâm lý học phát triển thể thao.
Có rất nhiều ví dụ cho thấy những siêu sao thể thao thường là em nhỏ trong gia đình. Ví dụ gần gũi nhất chính là Lionel Messi - kỳ phùng địch thủ của Ronaldo.
Messi từ nhỏ đã quen với việc chơi bóng cùng những đứa trẻ lớn xác hơn - Ảnh: YT
Từ nhỏ Messi đã quen với việc chơi bóng cùng 2 anh trai Rodrigo và Matias. Thêm vào đó là căn bệnh còi xương, khiến Messi luôn bị đẩy vào hoàn cảnh phải luôn đối mặt những cầu thủ cao hơn, to khỏe hơn.
Tương tự, Erling Haaland cũng quen với chuyện chơi bóng cùng anh trai từ nhỏ. Và nổi tiếng nhất về "lợi thế em út" trong làng thể thao đỉnh cao là trường hợp của Serena Williams.
Cô em út nhà Williams có đến 4 người chị, và hầu hết đều tập qua quần vợt. Nổi bật trong số đó là Venus Williams - lớn hơn Serena chỉ 1 tuổi. Việc tập dợt với người chị nhỉnh hơn về chiều cao, hình thể giúp Serena luôn đặt bản thân vào trạng thái nỗ lực hết mình.
Vì sao phải đặt bản thân vào nghịch cảnh?
Cristiano Ronaldo không phải là người đầu tiên áp dụng cách huấn luyện này. Trong quá trình trưởng thành, chính anh cũng từng chơi cùng các anh trai và bạn lớn tuổi hơn tại quê nhà Madeira.
Khái niệm "lợi thế em út" được nhà tâm lý học Frank J. Sulloway đề cập trong cuốn Born to Rebel. Theo đó con út thường phát triển tư duy cạnh tranh cao hơn để khẳng định vị thế trong môi trường bị áp đảo bởi anh chị.
Ronaldo Jr (số 7) luôn chơi trong tập thể hơn tuổi - Ảnh: REUTERS
Trong thể thao, điều này càng trở nên rõ nét: các em nhỏ khi được rèn luyện với nhóm lớn tuổi thường có tốc độ hoàn thiện kỹ thuật và phản xạ nhanh hơn người cùng lứa.
Họ học cách thích nghi, sáng tạo và vượt qua thử thách trong điều kiện bất lợi - yếu tố cốt lõi để vươn đến đỉnh cao chuyên nghiệp.
Một số nghiên cứu khoa học gần đây củng cố thêm luận điểm này. Báo cáo từ Đại học Sheffield Hallam (Anh) cho thấy, trong các trung tâm đào tạo bóng đá chuyên nghiệp, tỉ lệ cầu thủ đạt trình độ cao hơn xuất hiện nhiều hơn ở nhóm từng thường xuyên thi đấu với bạn lớn hơn tuổi.
Các chuyên gia lý giải rằng môi trường có mức độ thách thức cao là điều kiện lý tưởng để phát triển năng lực toàn diện, từ kỹ năng xử lý bóng, tư duy chiến thuật cho đến tâm lý thi đấu.
Sự khác biệt giữa việc thi đấu với người cùng trang lứa và thi đấu với nhóm hơn tuổi nằm ở nhịp độ, tốc độ và mức độ va chạm. Trong môi trường lớn hơn, cầu thủ buộc phải quan sát nhanh hơn, phản ứng gọn gàng hơn và không được phép do dự.
Chính sự khắc nghiệt đó tạo nên nền tảng tâm lý vững chắc - điều mà bất kỳ vận động viên nào cũng cần để trụ vững trong môi trường thể thao đỉnh cao.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ronaldo-go-ep-con-trai-tap-theo-hoan-canh-cua-messi-20250710172430632.htm
Bình luận (0)