NHIỀU TIỀM NĂNG
Theo Đảng ủy phường Sơn Qui, ngày 16-6-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1663/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp năm 2025. Phường Sơn Qui được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Long Hưng, xã Tân Trung và xã Bình Đông. Phường Sơn Qui có diện tích tự nhiên 48,96 km2, quy mô dân số 46.507 người. Đây là tiền đề để phường tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, phát triển theo hướng đô thị văn minh, hiện đại và bền vững.
Hiện phường Sơn Qui có nhiều công ty, xí nghiệp sản xuất có sự đầu tư lớn về quy mô, năng suất. |
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Sơn Qui Giản Bá Huỳnh, việc lấy tên gọi là phường Sơn Qui do nét đặc trưng lịch sử, truyền thống, văn hóa của vùng. Theo đó, giồng Sơn Qui có nghĩa là Gò Rùa (Qui Nguyên), là tổ quán của Đức Thái hậu Từ Dụ.
Vào giữa thế kỷ thứ XVIII, ông Phạm Đăng Long theo cha vào vùng Gò Công vốn còn hoang vu. Là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý, ông đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu sau này phát tích, hưng vượng.
Lúc ông đến Gò Rùa, thấy thế đất ở đây rất đẹp và có giếng nước ngọt, trong khi đó toàn vùng Gò Công giếng nước ngọt rất hiếm. Do đó, ông đã quy tập mồ mả 3 đời về đây và xây nhà ở gò đất này. Ông Phạm Đăng Long kết hôn với bà Phan Thị Tánh sinh ra Phạm Đăng Hưng, sau này trở thành đại công thần của triều Nguyễn.
Phạm Đăng Hưng là thân phụ của bà Phạm Thị Hằng (Từ Dụ), hoàng phi của vua Thiệu Trị, hoàng mẫu của vua Tự Đức. Do là quê ngoại của nhà vua, nên vua Tự Đức thay chữ Qui Nguyên thành Sơn Qui, tức Gò Rùa thành ra Núi Rùa, ý muốn vững bền như núi. Bên cạnh đó, nơi đây có liên quan đến cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo. Tại đây, ông cho xây dựng các chiến lũy tạo thành hình vòng cung bảo vệ giồng Sơn Qui.
Cũng theo đồng chí Giản Bá Huỳnh, phường Sơn Qui nằm trên trục hành lang kinh tế phía Tây Nam của TP. Hồ Chí Minh, là cửa ngõ của tỉnh Đồng Tháp kết nối tỉnh Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh về hướng Đông qua cầu Mỹ Lợi. Phường Sơn Qui có tuyến Quốc lộ 50 đi qua và nằm trong khu vực được quy hoạch kết nối tuyến đường ven biển quốc gia… phù hợp để phát triển logistics, giao thương hàng hóa, dịch vụ vận tải. Với tổng dân số sau sáp nhập lên đến 46.507 người, điều này tạo nên một lực lượng lao động phong phú.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và kinh tế hợp tác. Đồng thời, tạo tiềm năng phát triển thị trường nội địa cho tiêu dùng, thương mại và các hoạt động sản xuất.
Sau sáp nhập, phường Sơn Qui có diện tích sản xuất nông nghiệp 3.789 ha, trong đó 1.786 ha đất trồng lúa được quy hoạch vùng trồng lúa năng suất, chất lượng cao, phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh cây trồng chủ lực. Phường tận dụng quá trình đô thị hóa để nâng cao giá trị sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hình thành các dự án, khu dân cư và khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Trong lĩnh vực công nghiệp, hiện phường Sơn Qui có nhiều công ty, xí nghiệp sản xuất có sự đầu tư lớn về quy mô, năng suất như: Công ty cổ phần May Việt Long Hưng, Công ty TNHH Vina Proud Toy, Công ty TNHH Newshoes Tiền Giang, Công ty Sản xuất trái cây Hùng Phát - Tập đoàn Andros… đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương và các xã, phường lân cận.
Đồng chí Giản Bá Huỳnh cho biết: “Hiện nay, phường Sơn Qui đang tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Khu công nghiệp Bình Đông với quy mô 210,05 ha. Khi khu công nghiệp hình thành sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến với địa phương. Người dân địa phương sẽ có nhiều cơ hội về việc làm, đặc biệt là việc làm cho đội ngũ công nhân, lao động có trình độ chuyên môn cao.
Phường Sơn Qui mang trong mình nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng, đặc biệt trên địa bàn có Di tích cấp Quốc gia Lăng Hoàng Gia sẽ được đầu tư xây dựng mở rộng; khi đó sẽ thu hút, phát triển được du lịch trong thời gian tới”.
TẬP TRUNG KHAI THÁC LỢI THẾ
Theo đồng chí Giản Bá Huỳnh, trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, phường Sơn Qui sẽ rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cho phù hợp, đồng bộ. Đồng thời, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh đầu tư công, mở rộng hạ tầng giao thông đảm bảo phục vụ yêu cầu phát triển, đầu tư; nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục, xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.
Trong thời gian tới, phường Sơn Qui sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Khu công nghiệp Bình Đông, Khu tái định cư Bình Đông. |
Trước mắt, phường sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Khu công nghiệp Bình Đông, Khu tái định cư Bình Đông. Một trong những nội dung quan trọng là đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án như: Cụm công nghiệp Mỹ Lợi, Khu đô thị Long Hưng, Khu đô thị Gò Công Central, Khu dân cư Bình Đông…
Đồng thời, xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hướng khả thi về vấn đề đất đai, hạ tầng trên cơ sở phù hợp với nguồn lực, thế mạnh và mục tiêu phát triển của địa phương.
Phường Sơn Qui sẽ tập trung rà soát các quy hoạch, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, phường sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công hằng năm; tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, đặc biệt là các dự án quan trọng gắn với phát triển vùng, liên kết vùng.
Một trong những định hướng quan trọng là khai thác lợi thế để thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ đa dạng gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị và các chợ truyền thống. Phường sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” góp phần hỗ trợ thực hiện tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và hình thành chuỗi giá trị trong ngành lúa - gạo.
Đồng chí Giản Bá Huỳnh cho biết thêm: “Ngoài những định hướng trên, trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu rào cản và tăng tính minh bạch trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường gặp gỡ người dân, doanh nghiệp, tiếp xúc PAPI để tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện bộ máy chính quyền 2 cấp. Cùng với đó là tăng cường đào tạo nghề, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp”.
M. THÀNH
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202507/phuong-son-qui-khai-thac-loi-the-day-manh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-1047003/
Bình luận (0)