Được mệnh danh “Đà Lạt của miền Bắc”, Khu du lịch Tam Đảo có vẻ đẹp tuyệt mĩ với thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ
Kết nối “tam giác vàng” phát triển du lịch, dịch vụ
Việc sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình để thành lập tỉnh Phú Thọ mới là bước đi chiến lược, thúc đẩy liên kết kinh tế - xã hội và du lịch, dịch vụ, phát huy lợi thế vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, bản sắc của mỗi vùng đất dựa trên tiềm năng văn hóa, điều kiện tự nhiên và kết nối hạ tầng. Khi có tầm nhìn quy hoạch bài bản, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, hợp tác liên vùng mạnh mẽ, Phú Thọ hoàn toàn có thể hình thành “tam giác vàng du lịch” đa dạng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu của cả khách nội địa lẫn quốc tế, mở ra thời kỳ phát triển mới cho khu vực phía Tây Bắc.
Sự tương hỗ về sản phẩm du lịch
Sau sáp nhập, Phú Thọ nổi bật về du lịch tâm linh - cội nguồn, nghỉ dưỡng - sinh thái và văn hóa cộng đồng, tạo nên những sản phẩm bổ trợ cho nhau, đa dạng trải nghiệm của du khách. Hiện nay, du khách có xu hướng “đa điểm đến trong một hành trình” với loại hình du lịch khám phá văn hóa bản địa, nghỉ dưỡng và ẩm thực. Phú Thọ hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này, đặc biệt phù hợp với du khách từ Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và khách quốc tế.
Đất Tổ Hùng Vương là nơi phát tích của nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, tỉnh còn sở hữu hệ sinh thái đa dạng với các danh thắng như Vườn Quốc gia Xuân Sơn, hồ Ly, suối khoáng nóng Thanh Thủy... Bên cạnh đó, khu danh thắng Tây Thiên là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất cả nước, cùng các làng nghề, chợ quê, không gian văn hóa dân gian Mường, Dao, Sán Dìu... phong phú, nổi bật với bản sắc dân tộc và cảnh quan núi rừng.
Các lễ hội như xên bản, cầu mùa, cơm mới, hát Xoan, hát ghẹo, hát then, hát trống quân, múa xòe... là nguồn tài nguyên văn hóa sống động, quý giá để phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Bản Lác, suối khoáng nóng Kim Bôi, Thung Nai, hồ Hòa Bình... tạo nên những điểm nhấn đặc trưng. Hệ thống hang động kỳ vĩ, hệ sinh thái núi rừng, hồ thủy điện rộng lớn, kết hợp với ẩm thực dân tộc đang phát triển mạnh mẽ. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Flamingo Đại Lải, Belvedere Resort, Serena Resort Kim Bôi, Victoria Hòa Bình... đã nâng tầm chất lượng dịch vụ trong khu vực. Nhiều nhà hàng, khách sạn, homestay được cải thiện rõ rệt về chất lượng phục vụ.
Sau sáp nhập, Phú Thọ mới có nhiều lợi thế về vị trí địa lý khi nằm sát Hà Nội, dễ dàng kết nối qua các tuyến đường bộ, cao tốc. Hệ thống giao thông đã và đang được nâng cấp như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 32, quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Hà Nội - Lào Cai... rất thuận lợi để hình thành các tour tuyến liên hoàn trong ngày hoặc cuối tuần.
Ngành du lịch của tỉnh tiếp tục được quảng bá từ những chương trình, sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế
Xây dựng chiến lược liên kết vùng
Dù tiềm năng rất lớn, quá trình liên kết để phát triển du lịch, dịch vụ của Phú Thọ còn gặp những rào cản như chưa có quy hoạch tổng thể vùng, thiếu kết nối hạ tầng; việc quảng bá, chia sẻ dữ liệu tour tuyến các khu, điểm du lịch còn manh mún, thiếu đồng bộ. Hơn nữa, chưa khai thác hết yếu tố đặc thù bản địa, nhiều giá trị văn hóa vẫn chỉ nằm trong các lễ hội địa phương mà chưa được chuyển hóa thành sản phẩm cụ thể, hấp dẫn du khách...
Khi tỉnh mới đi vào hoạt động, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần phối hợp xây dựng chiến lược phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, xác định rõ từng thế mạnh trong chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu vùng. Bên cạnh đó, chú trọng mở rộng sản phẩm du lịch liên hoàn, hình thành các tour liên tỉnh như: Hành trình về cội nguồn Đền Hùng - Tây Thiên - Đền Thác Bờ; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Lải - Tam Đảo - hồ Hòa Bình - suối khoáng Thanh Thủy, Kim Bôi; du lịch cộng đồng bản Dao - bản Lác, bản Pom Coọng - Mai Châu; du lịch làng nghề rèn Lý Nhân, mộc An Tường, Thủ Độ, gốm Hương Canh, rắn Vĩnh Sơn; khám phá văn hóa dân tộc, trải nghiệm làm bánh chưng, học hát xoan, múa xòe Thái, dệt thổ cẩm, tắm lá thuốc người Dao. Tập trung hỗ trợ các mô hình homestay gắn với văn hóa bản địa, đào tạo người dân làm du lịch, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng làm quà lưu niệm...
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kết nối các điểm đến, hỗ trợ du khách đặt vé, tra cứu thông tin, thanh toán trực tuyến; đồng thời quảng bá hình ảnh vùng trên các nền tảng mạng xã hội, website du lịch, ứng dụng điện thoại.
Với chiến lược phù hợp, sự đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân, “tam giác vàng du lịch” của Phú Thọ mới hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam trong những năm tới. Việc liên kết vùng không chỉ là chiến lược kinh tế hiệu quả, mà còn là cách để gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc một cách bền vững.
Ba vùng đất, ba bản sắc, nhưng nay chung một mái nhà, chung một hành trình. Khi văn hóa giao hòa với thiên nhiên, du lịch không chỉ đơn thuần là ngành kinh tế, mà còn trở thành cầu nối lan tỏa giá trị, thúc đẩy phát triển bền vững, gắn kết cộng đồng liên vùng trong một không gian đậm đà bản sắc Việt.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/phu-tho-ket-noi-tam-giac-vang-phat-trien-du-lich-dich-vu-20250702103811633.htm
Bình luận (0)