Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phó Giám đốc Sở NNMT tỉnh Lâm Đồng: 5 giải pháp giảm nghèo bền vững vùng nông thôn

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua, địa phương đã tập trung thực hiện 5 giải pháp nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng16/07/2025

Trong những năm qua, chương trình giảm nghèo tại Lâm Đồng luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Chương trình đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là với kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế của tỉnh Lâm Đồng.

Trước thềm sáp nhập tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận, thành lập tỉnh mới mang tên Lâm Đồng, phóng viên Dân Việt đã có buổi trao đổi, phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) tỉnh Lâm Đồng về chương trình giảm nghèo ở địa phương này.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng.

Phóng viên: Thưa ông, trong giai đoạn 2021-2025, chương trình giảm nghèo tại tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả nổi bật gì?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021-2025, bộ máy quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được kiện toàn, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, công tác lập kế hoạch có tầm nhìn trung hạn, gắn với kế hoạch 5 năm và hằng năm; tăng cường phân cấp, tạo điều kiện để địa phương chủ động huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực; nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia được phân công rõ ràng; phối hợp chủ động trong chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân.

Trong thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Qua thống kê, cuối năm 2021 tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 6,94%, đến cuối năm 2024 tỷ lệ nghèo đa chiều còn 1,97%, ước đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 1,67%. Bình quân giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,32%/năm, đạt kế hoạch đề ra.

Đối với tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số, cuối năm 2021 là 18,96%, đến cuối năm 2024 tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số còn 5,47%, uớc đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số còn 4,97%. Bình quân giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,5%/năm.

Phóng viên Dân Việt trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Phúc về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Lâm Đồng.

PV: Vậy, thưa ông, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh Lâm Đồng đã gặp khó khăn, thuận lợi như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Về thuận lợi, với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt, chủ động, có trọng tâm trọng điểm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đoàn kết, đồng thuận cao của người dân, sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững. Vì vậy, diện mạo nông thôn, miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh ngày càng cao.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được quan tâm triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phù hợp, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo, vị trí, vai trò của người dân đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Từ đó, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, khuyến khích và vận động người dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững.

Bình quân giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều tại Lâm Đồng giảm 1,32%/năm, đạt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, việc lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng do các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu của các bộ, ngành Trung ương nhìn chung chưa kịp thời, chi tiết; nhiều văn bản phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh... Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương gặp nhiều khó khăn lúng túng trong triển khai thực hiện chương trình.

Hơn nữa, các dự án liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất, dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp khó giải ngân nguồn vốn do đối tượng được hỗ trợ đã được hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoặc từ các chương trình, dự án hỗ trợ khác. Tiểu dự án về giảm nghèo thông tin, khó triển khai do đến cuối năm 2024 Lâm Đồng không còn xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vì vậy việc giải ngân nguồn vốn của dự án này cũng khó thực hiện.

PV: Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã có những những giải pháp cụ thể nào để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung thực hiện 5 giải pháp chính:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Đến nay, hàng ngàn hộ dân tại Lâm Đồng đã được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thứ hai, triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo chung (y tế, giáo dục, dạy nghề, vay vốn ưu đãi, nhà ở…) nhằm từng bước cải thiện điều kiện sống, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của nhóm nghèo nhất, đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, lồng ghép, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để huy động tối đa các nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người nghèo.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội cũng như các chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt giám sát việc đầu tư ngân sách để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo tại các địa phương.

Cuối cùng là tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các thôn, xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

PV: Tại Lâm Đồng, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cho hộ nghèo và cận nghèo được ngành triển khai ra sao và đâu là những mô hình điển hình đã mang lại kết quả rõ nét trong giảm nghèo thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Đến nay, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ cho 1.880 hộ tham gia mô hình và hỗ trợ cho 1.086 hộ nghèo, hộ cận nghèo về phát triển sản xuất. Các nội dung chủ yếu là hỗ trợ về mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ cây giống, vật nuôi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Một hộ dân tại Lâm Đồng được hỗ trợ sinh kế là những con heo giống.

Việc thực hiện các mô hình và hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp các hộ gia đình biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, tiết kiệm; phòng tránh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… giúp hộ gia đình nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo sinh kế ổn định, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia mô hình đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ về phát triển sản xuất được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật khi tham gia các mô hình, được hỗ trợ cây, con giống, vật tư... Song song với đó, hộ tham gia phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, lao động, tư liệu sản xuất đáp ứng nội dung của dự án và cam kết bảo đảm phần đối ứng của dự án.

PV: Trong giai đoạn tới, tỉnh Lâm Đồng có định hướng, kế hoạch gì để tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo một cách hiệu quả, bền vững?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Giai đoạn 2026-2035, dự kiến chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ theo hướng tích hợp hai chương trình hiện hành thành một chương trình duy nhất theo chủ trương của các bộ, ngành, trung ương.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ngoài các dự án thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, cần tiếp tục triển khai triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách về an sinh xã hội về y tế, giáo dục, dạy nghề, vay vốn ưu đãi, nhà ở... nhằm từng bước cải thiện điều kiện sống, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trồng dâu, nuôi tằm đã trở thành sinh kế giảm nghèo bền vững, hiệu quả của người dân tại Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Người dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể tham gia tích cực vào việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát chương trình. Doanh nghiệp cần được tạo môi trường thuận lợi để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo sinh kế và việc làm bền vững.

Hơn nữa, Lâm Đồng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định; ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển cho các địa bàn khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu và các dự án đầu tư khác đang triển khai trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tập trung, tránh dàn trải, trùng lặp.

Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong thực hiện công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, dự án liên quan đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị, sửa đổi những vấn đề bất cập, tồn tại.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://baolamdong.vn/pho-giam-doc-so-nnmt-tinh-lam-dong-5-giai-phap-giam-ngheo-ben-vung-vung-nong-thon-382484.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm