Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển công tác xã hội chuyên nghiệp

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm phát triển công tác xã hội (CTXH) nhằm giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh, hỗ trợ người yếu thế vươn lên hòa nhập cộng đồng. Sau sáp nhập tỉnh, CTXH tiếp tục được triển khai quyết liệt, bao phủ toàn diện ở các xã, phường và đơn vị nhằm tạo tính chuyên nghiệp, kịp thời giải quyết các vấn đề xã hội và xây dựng hệ thống an sinh bền vững.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa17/07/2025

Cầu nối giải quyết các vấn đề xã hội

Gia đình bà Nguyễn Thị Tiếp (gần 70 tuổi, phường Tây Nha Trang) có hoàn cảnh khá éo le. Bà bị mù nhưng hằng ngày vẫn cố gắng đi bấm huyệt dạo để kiếm tiền lo cho cháu là Nguyễn Ngọc Ngân ăn học. Bố mất lúc Ngân còn nhỏ, mẹ đi bước nữa nên em sống cùng ông bà ngoại. Thương cháu, dù tuổi cao, sức yếu, ông bà vẫn cố gắng đi bán vé số, bấm huyệt dạo mưu sinh. Năm 2019, ông mất, gánh nặng cơm áo đè lên đôi vai gầy của bà. Nắm bắt được hoàn cảnh gia đình bà Tiếp, cộng tác viên CTXH phường Tây Nha Trang đã thông tin với Trung tâm Bảo trợ xã hội và CTXH tỉnh kết nối các tổ chức, đơn vị nhằm hỗ trợ cho em Ngân tiếp tục đến trường. Từ việc kết nối đó, trong 9 tháng của năm học, mỗi tháng Ngân được hỗ trợ 300.000 đồng cho đến khi học xong lớp 12.

Nhân viên công tác xã hội tư vấn tâm lý và kiểm tra sức khỏe cho đối tượng bảo vệ khẩn cấp.
Nhân viên công tác xã hội tư vấn tâm lý và kiểm tra sức khỏe cho đối tượng bảo vệ khẩn cấp.

Trường hợp gia đình bà Phạm Thị Hương (gần 40 tuổi, xã Suối Hiệp) cũng khá khó khăn. Chồng mất do tai nạn giao thông, một mình bà gồng gánh nuôi 3 con còn nhỏ, trong đó có 1 người con bị bại não bẩm sinh. Hằng ngày, bà Hương thu mua phế liệu nhưng vì không có vốn nên việc thu mua chỉ nhỏ lẻ. Sau khi nhân viên CTXH tiếp cận tìm hiểu về hoàn cảnh, Trung tâm Bảo trợ xã hội và CTXH tỉnh đã kết nối các tổ chức từ thiện hỗ trợ sinh kế giúp bà Hương có nguồn vốn thu mua phế liệu, tăng thu nhập, có thêm điều kiện chăm lo cho các con.

Không chỉ kết nối, hỗ trợ các trường hợp khó khăn, những năm qua, cộng tác viên CTXH ở các xã, phường và nhân viên CTXH ở các trung tâm, đơn vị, bệnh viện đều tích cực, chủ động trong việc nắm bắt thông tin, kịp thời xử lý hoặc tham mưu giải quyết tốt các vấn đề xã hội phát sinh trong đời sống. Bà Nguyễn Đình Hồng Loan - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội và CTXH tỉnh cho biết: "Thực hiện nhiệm vụ, từ đầu năm 2025 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận, lưu nuôi, chăm sóc cho 83 đối tượng yếu thế; tiếp nhận 40 đối tượng lang thang, xin ăn, bảo vệ khẩn cấp và thực hiện các biện pháp tư vấn kịp thời. Bên cạnh đó, đơn vị đã tư vấn các dịch vụ trợ giúp 117 trường hợp trong cộng đồng; kết nối hỗ trợ sinh kế 7 trường hợp, trao học bổng cho 161 trẻ em, hỗ trợ phí gửi trẻ cho 40 em có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng…".

Góp phần xây dựng hệ thống an sinh bền vững

Theo Sở Y tế, hiện nay ở mỗi xã, phường đều có ít nhất 1 cán bộ và 1 cộng tác viên làm CTXH. Còn ở hầu hết các cơ sở bảo trợ xã hội công lập đều có nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Một số bệnh viện, đơn vị đã thành lập phòng CTXH để triển khai các hoạt động chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân và gia đình được tận tình, chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân về CTXH được quan tâm thực hiện thường xuyên. Hằng năm, sở tổ chức nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ đội ngũ CTXH nâng cao kiến thức, kỹ năng. Đồng thời, xây dựng các mô hình CTXH tại địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ, tư vấn, cung cấp các dịch vụ cho người dân khi có nhu cầu. Có thể nói, sự hình thành và phát triển CTXH trên địa bàn tỉnh đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ có hiệu quả các hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Ông Trịnh Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động ở các xã, phường, đơn vị sau sáp nhập, toàn tỉnh tập trung thực hiện CTXH trong các lĩnh vực chuyên ngành theo hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương nhằm xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững, chuyên nghiệp. Đồng thời, thực hiện xây dựng các mô hình về CTXH trong trường học, bệnh viện, cơ sở y tế và trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp… nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH của người dân; tiến hành rà soát, sắp xếp, phân công, bố trí nhân sự làm CTXH, bảo đảm mỗi đơn vị, địa phương có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm CTXH; sắp xếp, bố trí đội ngũ cộng tác viên CTXH các xã, phường có trình độ chuyên môn phù hợp, đảm bảo triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế tại địa phương, góp phần thực hiện tốt các chính sách xã hội theo quy định".

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư về CTXH; phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên bảo đảm tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và chính sách, pháp luật về CTXH...

VĂN GIANG

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202507/phat-trien-cong-tac-xa-hoi-chuyen-nghiep-b56179f/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm