Với hàng chục khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch, phát triển đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai mới sẽ có dư địa mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp. Mục tiêu của tỉnh sẽ là một trong 4 trung tâm công nghiệp xanh dẫn đầu cả nước.
Mở rộng không gian phát triển công nghiệp, hướng tới phát triển công nghiệp xanh là mục tiêu tỉnh Đồng Nai hướng đến trong tương lai. Trong ảnh: Khu công nghiệp Đồng Xoài 3 nhìn từ trên cao. Ảnh:A.L |
Trong quá trình phát triển, hệ thống KCN, ngành nghề công nghiệp của tỉnh sẽ dần được chuyển đổi theo hướng xanh, tuần hoàn để phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cộng hưởng sức mạnh
Tỉnh Đồng Nai (cũ) đã thành lập được 37 KCN, trong đó 32 KCN đã đi vào hoạt động. Theo Quy hoạch đã được duyệt, đến năm 2030, Đồng Nai có 48 KCN. Trong khi đó, tỉnh Bình Phước (cũ) đã có 15 KCN với diện tích 6 ngàn hécta, trong đó 13 KCN đã đi vào hoạt động.
Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, Đồng Nai xác định tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp xanh, sinh thái, hoàn thành mục tiêu net zero.
Như vậy, sau khi hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai mới, tỉnh sẽ có thêm nhiều KCN với hàng chục ngàn hécta đất bổ sung vào quỹ đất công nghiệp cho thuê. Điều này sẽ tạo thế và lực mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành nghề; tổ chức không gian kiến trúc xây dựng; thu hút nguồn lực đầu tư. Đáng chú ý là vấn đề phát triển các KCN thế hệ mới theo mô hình sinh thái, xanh đã trở thành xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu. Điều này nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Hiện nay, Đồng Nai đã có KCN Amata tương đối đạt chuẩn KCN sinh thái. Tại KCN này đã trải qua các nghiên cứu nghiêm ngặt và thực hiện các chiến lược toàn diện để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững và được nhiều doanh nghiệp (DN) thứ cấp hưởng ứng, thực hiện. Từ KCN Amata, các KCN khác cũng sẽ áp dụng phát triển theo hướng xanh, bền vững. Như KCN Long Đức đang tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu KCN xanh, thông minh; nâng cao hiệu quả xử lý chất thải công nghiệp hướng tới không phát thải khí CO2; tiết kiệm năng lượng. Dự án KCN Phước An được quy hoạch trở thành KCN sinh thái, công nghiệp xanh gắn liền với hậu cần cảng biển...
Đồng Nai đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư hạ tầng KCN và tỉnh đang chọn lọc thu hút đầu tư cả dự án thứ cấp lẫn phát triển KCN theo hướng sinh thái. Để có thể thuận lợi hơn, các nhà đầu tư cần nắm rõ chủ trương của tỉnh và tuân thủ những cam kết đối với địa phương, chủ động đề xuất các giải pháp phối hợp đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài khu vực truyền thống phát triển về công nghiệp thì sau khi sáp nhập, không gian công nghiệp của Đồng Nai mới được mở rộng đến các khu vực vốn thuộc Bình Phước. Bình Phước (cũ) cũng đã có chủ trương phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin. Khuyến khích các DN có hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị và hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn.
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai đã triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Các KCN trong tương lai của Đồng Nai sẽ được quy hoạch phát triển tại những vị trí thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tối ưu nhân lực và chi phí. Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN, các KCN chuyên sâu công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Doanh nghiệp quan tâm đến phát triển hạ tầng công nghiệp xanh
Đồng Nai những năm gần đây đã có định hướng xây dựng các KCN xanh để thu hút các ngành công nghệ cao, đồng thời chuyển đổi các KCN hiện hữu thành các KCN sinh thái. Đây là xu hướng chung của các quốc gia, địa phương trong nước hướng tới. Phù hợp định hướng này, tỉnh đã nhận được những quan tâm và triển khai thực hiện từ các thương hiệu quốc tế như: Amata, Sojitz, các tập đoàn từ Hàn Quốc... Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài, một số tập đoàn trong nước cũng quan tâm và muốn đầu tư các dự án KCN xanh, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tam Phước. |
Trong ngành gỗ, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai đề xuất nghiên cứu, thành lập KCN Mo Nang quy mô hơn 200 hécta. DN này muốn xây dựng KCN chuyên ngành gỗ phục vụ việc di dời các cơ sở chế biến gỗ tại thành phố Biên Hòa (cũ) và các địa phương lân cận ra khỏi khu dân cư hiện hữu. Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai và các đối tác cũng đề xuất xây dựng một trung tâm sản xuất, triển lãm đồ gỗ liên vùng trên quy mô khoảng 1 ngàn hécta... Hay như Công ty CP Đầu tư và xây dựng KCN Vĩnh Lộc - Bến Lức đã đề xuất với tỉnh được nghiên cứu đầu tư dự án KCN quy mô 500 hécta để phát triển ngành nghề theo quy hoạch, định hướng chung của địa phương.
Đáng chú ý, dự kiến cuối năm nay, 3 KCN mới là: Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp và Xuân Quế - Sông Nhạn sẽ được khởi công.
Theo Tổng giám đốc Công ty CP KCN Tân Hiệp (chủ đầu tư KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp) Lê Nữ Thùy Dương, để có thể triển khai dự án theo kế hoạch, DN mong muốn địa phương hỗ trợ thực hiện nhanh thủ tục, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, kết nối giao thông với KCN; quy hoạch năng lượng phục vụ nhà máy hợp lý, thuận lợi...
Không chỉ với nhà đầu tư hạ tầng, các nhà đầu tư thứ cấp, sản xuất cũng coi trọng các giải pháp phát triển công nghiệp xanh.
Giám đốc Nhà máy Nestlé Trị An (KCN Amata) Trương Hoàng Phương cho hay, Nestlé hướng tới công ty toàn cầu, tiên phong cải tiến và đổi mới, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Nestlé áp dụng mô hình nhà máy thông minh tập trung dựa trên các nhân tố chính số hóa lượng lao động linh hoạt và tự chủ; tận dụng robot và tự động hóa để tăng năng suất, hiệu quả và linh hoạt hơn.
Khuyến nghị đối với Đồng Nai, PGS-TS Đặng Xuân Cường, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng tỉnh cần tăng cường giải pháp hỗ trợ. Cụ thể là chuyển giao áp dụng tiến bộ kỹ thuật; khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ các dự án ảnh hưởng tới môi trường sinh thái...
Văn Gia
Bài 3: Ưu tiên phát triển nông nghiệp bền vững
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/phat-huy-toi-da-tiem-nang-the-manh-de-dong-nai-moi-phat-trien-bai-2-se-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-xanh-ca40fdd/
Bình luận (0)