Giáo dục không chỉ là truyền thụ tri thức, mà còn là hành trình nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi mạnh mẽ của xã hội hiện đại, việc phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong môi trường giáo dục đại học đang trở thành một chiến lược mang tính nhân văn và lâu dài.
Văn hóa dân tộc – nền tảng cho giáo dục toàn diện
Thời gian qua, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình giáo dục gắn với gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc.
TS. Lục Quang Tấn – Giám đốc Phân hiệu chia sẻ: “Văn hóa dân tộc chính là linh hồn của giáo dục. Một nền giáo dục phát triển bền vững không thể tách rời khỏi cội nguồn văn hóa truyền thống. Chúng tôi xác định việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc không phải là hoạt động ngoại vi, mà là nội dung trọng tâm trong chiến lược đào tạo của Phân hiệu.”
Trên tinh thần đó, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang đã tích cực lồng ghép yếu tố văn hóa vào các chương trình học, hoạt động ngoại khóa và đời sống sinh viên.
Không gian giáo dục không còn khô cứng, xa rời thực tiễn mà trở nên gần gũi, sống động và giàu bản sắc. Đặc biệt, sinh viên được khuyến khích thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc mình qua trang phục, ẩm thực, âm nhạc, lễ hội… trong các sự kiện thường niên như lễ khai giảng, 20/11, hội chợ xuân, cuộc thi sinh viên thanh lịch…
Năm 2025, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang chính thức mở mã ngành đào tạo “Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam”, một bước đi thể hiện tầm nhìn chiến lược, nhạy bén trước yêu cầu hội nhập quốc tế và bảo tồn văn hóa dân tộc.
TS. Lục Quang Tấn nhấn mạnh: “Ngành học này không chỉ giúp người học hiểu sâu hơn về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, mà còn góp phần hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng phục vụ cho giáo dục, truyền thông, du lịch, ngoại giao… đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.”

Bên cạnh đó, ngành học mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống như ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục, văn học dân gian…
Tạo cơ hội đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi tiếng mẹ đẻ vẫn còn là rào cản trong tiếp cận tri thức.
Mở rộng hợp tác quốc tế thông qua các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các ngành như biên – phiên dịch, du lịch văn hóa, truyền thông đa văn hóa…
Đưa văn hóa dân tộc vào từng hoạt động giáo dục
Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy trên lớp, Phân hiệu còn đẩy mạnh các hoạt động ngoài giờ mang tính trải nghiệm và sáng tạo, nhằm khơi gợi niềm tự hào văn hóa trong sinh viên.
Nhiều Câu lạc bộ văn hóa dân tộc đã được thành lập như CLB Văn hóa H’mong, CLB Khèn H’mong… là nơi sinh viên vừa học hỏi, vừa giữ gìn những giá trị truyền thống. Các cuộc thi như “Nét đẹp trang phục dân tộc” thu hút đông đảo sinh viên tham gia và lan tỏa thông điệp gìn giữ bản sắc. Hội chợ xuân không chỉ là dịp trưng bày sản vật địa phương mà còn tích hợp hoạt động khởi nghiệp – nơi sinh viên có thể kết hợp văn hóa và kinh doanh để phát triển kinh tế bền vững từ chính bản sắc quê hương.
Phân Hiệu còn còn phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ sở để tổ chức các triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc”, nơi sinh viên và người dân cùng giao lưu, học hỏi và tôn vinh sự đa dạng của văn hóa bản địa.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên việc bảo tồn văn hóa trong môi trường giáo dục vẫn đối diện không ít thách thức. Sự mai một văn hóa truyền thống do ảnh hưởng của lối sống hiện đại, di cư lao động, tác động từ văn hóa đại chúng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Nguồn lực cho hoạt động bảo tồn còn hạn chế; đội ngũ giảng viên am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc bản địa cũng chưa nhiều.

Trước thực tế đó, TS. Lục Quang Tấn cho rằng: “Chúng tôi xác định việc giữ gìn bản sắc văn hóa không thể làm đơn lẻ. Trong thời gian tới, Phân hiệu sẽ đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu, cơ quan văn hóa, chính quyền địa phương để huy động thêm nguồn lực và chuyên gia. Đồng thời, tiếp tục mở rộng các sân chơi sáng tạo, chương trình ngoại khóa gắn với văn hóa bản địa cho sinh viên.”
Một chiến lược quan trọng khác là đưa văn hóa dân tộc trở thành nội dung chính trong đào tạo nguồn nhân lực cho vùng cao. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Có thể thấy rằng, giáo dục không chỉ là chiếc chìa khóa mở cánh cửa tri thức, mà còn là cây cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Những gì Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang đang làm là minh chứng rõ nét cho một cách tiếp cận giáo dục toàn diện – nơi tri thức đi cùng văn hóa, sáng tạo song hành với bản sắc dân tộc.
Trong dòng chảy hiện đại, việc phát huy giá trị văn hóa không chỉ dừng lại ở gìn giữ, mà còn cần được triển khai bằng những mô hình đào tạo thiết thực, những hoạt động giáo dục sáng tạo và tinh thần dấn thân của thế hệ trẻ.
Hành trình gìn giữ và phát huy văn hóa trong giáo dục đại học vẫn còn nhiều chông gai, nhưng với niềm tin, tâm huyết và chiến lược đúng đắn, chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội mới cho một nền giáo dục giàu bản sắc và vững bước hội nhập.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/phat-huy-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc-trong-moi-truong-giao-duc-dai-hoc-post738839.html
Bình luận (0)