Bức tranh đa sắc về đề tài “khó”
Số lượng 25 vở diễn của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật biểu diễn thi trong 13 ngày, tại Nhà hát Quân đội (Hà Nội) cho thấy sự hào hứng, nhiệt tình của lực lượng văn nghệ sĩ sân khấu cả nước đã nỗ lực phản ánh sự đa dạng trong cách tiếp cận đề tài vốn được xem là “khó” bởi tính chất đặc thù, đó là hình tượng người chiến sĩ CAND.
Nếu trước đây, sân khấu thường tiếp cận hình tượng người công an theo hướng “chính luận khô cứng”, thì ở kỳ liên hoan lần này, các đạo diễn, biên kịch và nghệ sĩ đã thực sự làm “mềm” chủ đề này bằng những câu chuyện giàu cảm xúc, giàu kịch tính, đôi khi có màu sắc trinh thám, tâm lý hoặc huyền ảo, nhưng vẫn giữ được bản chất chính trị-xã hội của hình tượng. Sự nỗ lực dàn dựng được thể hiện rõ qua cách sử dụng các thủ pháp sân khấu hiện đại: Dàn dựng phi tuyến tính, đan xen hiện thực và ký ức, sử dụng hiệu quả trong sự kết hợp của âm thanh, hình ảnh, video, văn bản và đồ họa để tạo ra tác phẩm sân khấu có tính đa phương tiện, đặc biệt là khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật để từ đó làm nổi bật chiều sâu tư tưởng của vở diễn.
|
Cảnh trong vở “Người thứ ba” của Nhà hát Kịch Công an nhân dân giành huy chương vàng liên hoan. Ảnh: CHÂU XUYÊN |
Nhà hát Kịch CAND-đơn vị chủ lực của liên hoan, trình làng hai vở: “Người thứ ba” và “Hoa lửa”. Ở “Người thứ ba”, đạo diễn lựa chọn cấu trúc trinh thám xen lẫn phân tâm học, xoáy vào nội tâm người chiến sĩ trong mối quan hệ giữa trách nhiệm và tình cảm. Ở đó, lực lượng thứ ba-là người nghệ sĩ đã góp phần thành công cùng với lực lượng biệt động Sài Gòn mang lại những chiến thắng vẻ vang ngay trong lòng địch. Trong khi đó, “Hoa lửa” lại là một bản anh hùng ca hiện đại, nơi người chiến sĩ không chỉ chiến đấu với kẻ thù bên ngoài mà còn với sự hy sinh thầm lặng trong chính gia đình mình.
“Nắng trong mắt bão” (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh) và “Nhân tình” (Nhà hát Kịch nói Quân đội) chọn lối dàn dựng đậm tính xã hội đương đại, khai thác mối tương tác giữa công an và người dân, đặc biệt là trong môi trường phức tạp khi phải đấu tranh với tội phạm quá tinh vi. Vở “Trời xanh nơi đáy vực” của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội là một thử nghiệm thú vị khi đưa nhạc kịch vào đề tài công an, kết hợp giữa chất liệu âm nhạc và hình thể để kể một câu chuyện về sự dằn vặt và tha thứ của lực lượng chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy. Các vở như: “Đối mặt” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Đoạn kết” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Ngược chiều bình an” (Nhà hát Kịch Việt Nam) hay “Niềm tin nơi biên cương” (Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn, Thanh Hóa) đều lựa chọn thủ pháp hiện thực phê phán, đặt người chiến sĩ trong những tình huống trái ngang-nơi ranh giới giữa đúng và sai, giữa công lý và tình thân trở nên mong manh. Chính sự dằn vặt ấy đã làm bật lên hình ảnh người chiến sĩ công an không lý tưởng hóa mà rất đỗi người, nhưng vẫn đầy lý tưởng.
Điểm sáng đặc biệt của kỳ liên hoan năm nay là sự hiện diện của 10 đơn vị nghệ thuật truyền thống, với các loại hình như chèo, cải lương, tuồng, ca kịch. Hình tượng người chiến sĩ CAND được đưa vào trong không gian biểu diễn giàu chất dân gian, làm nổi bật sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại.
Vở “Trò chơi của quỷ” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định) sử dụng âm nhạc, ánh sáng và diễn xuất nội tâm của các diễn viên để kể về câu chuyện của người chiến sĩ công an phá án. “Lời thề trên núi Cột Cờ” (Đoàn Cải lương Hải Phòng) gây ấn tượng với âm hưởng sử thi dân tộc; còn “Bến sông trăng” (Nhà hát Chèo Hưng Yên) lại chinh phục khán giả bằng hình thức hát kể dân gian kết hợp hiện đại. Một số vở nổi bật khác như “Không gục ngã” (Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An), “Sóng vang Lạch Hới” (Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn, Thanh Hóa), “Ngôn ngữ của lửa” (Đoàn Ca kịch Quảng Nam)... đều thành công trong việc đưa hình ảnh người chiến sĩ vào dòng chảy văn hóa dân tộc, tạo được khoảng cộng hưởng cảm xúc với người xem, đặc biệt là khán giả yêu thích bộ môn cải lương, dân ca xứ Nghệ và dân ca bài chòi.
Khí thế mới trong những sáng tạo nghệ thuật về hình tượng Công an nhân dân
Giới chuyên môn nhận xét, các tác giả chuyển thể kịch bản văn học sang các loại hình nghệ thuật như: Chèo, dân ca bài chòi, dân ca xứ Nghệ, cải lương... đã tự nâng cao tay nghề, làm mới ngòi bút của mình và tạo nhiều cảm xúc qua cách chuyển thể; vừa giữ được nghệ thuật truyền thống, vừa tạo được khí thế mới khi vận dụng sáng tạo trong bút pháp phù hợp với hình thức dàn dựng cộng hưởng công nghệ, hỗ trợ cho diễn xuất của các nghệ sĩ.
Tinh thần nhập cuộc đáng trân trọng ở liên hoan lần này, khi sân khấu của các đơn vị xã hội hóa của TP Hồ Chí Minh góp mặt với 4 vở kịch giàu tính sáng tạo: “Một cuộc chiến khác” (Sân khấu Hồng Vân) kể về mặt trận phòng, chống ma túy bằng thủ pháp dàn dựng điện ảnh kết hợp thực cảnh; “Sâu đêm” (Sân khấu Quốc Thảo) đi vào chiều sâu tâm lý tội phạm, tạo nên một tác phẩm mang hơi hướng mới, hấp dẫn; “Cuộc đoàn tụ cảm xúc” (Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh) chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, nhân văn, khắc họa sự gắn kết giữa chiến sĩ CAND và gia đình người dân; “Viên đạn bọc đường” (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) là tiếng nói của người chiến sĩ công an về cái giá của sự lựa chọn trong môi trường đầy cám dỗ và lằn ranh đạo đức. Các vở diễn đã mang đến làn gió mới, nhờ phong cách dàn dựng trẻ trung, cách xử lý hình ảnh linh hoạt, phản ánh cái nhìn đa chiều về ngành công an trong xã hội hiện đại.
So với những mùa diễn trước, liên hoan lần này đã khẳng định bước trưởng thành về mặt nghệ thuật và tư duy dàn dựng đề tài chiến sĩ CAND. Thành công của liên hoan đến từ sự vào cuộc nghiêm túc, nỗ lực đổi mới ngôn ngữ sân khấu và cả sự đồng hành của các cơ quan quản lý với đời sống nghệ thuật. Tất cả đã phác họa nên bức tranh đa sắc màu về hình tượng CAND, ở đó khắc họa đậm nét nhiều góc cạnh, nhiều lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ, nhiều thách thức, khó khăn, nhiều góc khuất cuộc đời và ở trong đời sống xã hội đã và đang đè nặng lên đôi vai của người chiến sĩ CAND. Trong sâu thẳm của bức tranh đó còn có các giá trị nhân văn, các giá trị ấy dẫn dắt người xem cảm nhận, chiêm nghiệm, tẩy rửa và thanh lọc tâm hồn để sống hướng thiện, làm những điều tốt đẹp, xóa bỏ những thứ xấu xa, cùng nhau xây dựng một xã hội hạnh phúc, văn minh. Hình tượng người chiến sĩ CAND chứa đựng hạnh phúc, đắng cay, niềm vui, nỗi buồn, ý chí, nghị lực, khát vọng, yêu thương, gian khổ, khó khăn, vinh quang, trách nhiệm, trăn trở, suy tư, tài năng, bản lĩnh... và bao trùm lên tất cả là đức hy sinh. Hy sinh vì nhân dân, vì đất nước.
Sân khấu đang không ngừng tìm kiếm những cách kể chuyện mới, vừa sâu sắc về tư tưởng, vừa hấp dẫn trong hình thức để chạm đến trái tim khán giả hôm nay. Các câu chuyện kịch không còn né tránh những vấn đề nóng mà phản ảnh trực diện, đề cập thẳng thắn nên dễ dàng nhận được những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả. Cũng có những đáng tiếc, một số vở diễn, diễn viên vẫn còn thể hiện lệch đội hình, cho thấy về mặt chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng công an chính quy vẫn chưa được cố vấn chu đáo. Bởi vậy, hình ảnh người chiến sĩ công an trong một số tác phẩm bị mờ nhạt, sự có mặt của họ để giải quyết những vấn đề trong kịch bản dường như là để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, họ không có đủ “đất” và thời lượng diễn trên sân khấu để tạo nên hình tượng. Đó là điều đáng tiếc và dẫn đến một số đơn vị bị “rớt” huy chương lần này.
Theo Quân đội nhân dân
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/phac-hoa-buc-tranh-da-sac-ve-hinh-tuong-cong-an-nhan-dan-a424097.html
Bình luận (0)