Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nước sạch cho mọi nhà - Hướng tới cấp nước an toàn, bền vững

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tỉnh Tây Ninh nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Với quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt ít nhất 75%, các cấp, ngành và địa phương đã và đang khẩn trương vào cuộc, từng bước hiện đại hóa hạ tầng, xã hội hóa đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành công trình cấp nước.

Báo Long AnBáo Long An24/07/2025

Toàn tỉnh hiện có 1.204 công trình cấp nước tập trung ở nông thôn

Nỗ lực cấp nước sinh hoạt cho người dân

Hiện toàn tỉnh có 1.204 công trình cấp nước tập trung ở nông thôn. Trong đó, khu vực Long An (trước sáp nhập) có 1.125 công trình với tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 82,68%; khu vực Tây Ninh (trước sáp nhập) có 79 công trình với tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt khoảng 72%. Sau sáp nhập, tỉnh đặt mục tiêu năm 2025 nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch lên ít nhất 75%.

Trên cơ sở này, tỉnh Tây Ninh ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm cấp nước an toàn. Cụ thể là Kế hoạch số 4064/KH-UBND, ngày 12/12/2023 về thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2024-2028, ban hành danh mục 47 công trình cần lập kế hoạch cấp nước an toàn. Tỉnh cũng đã triển khai hàng chục công trình nâng cấp, cải tạo công trình cấp nước quy mô liên xã, dần xóa bỏ trạm cấp nước nhỏ, lẻ, hoạt động kém hiệu quả.

Đáng chú ý, toàn tỉnh có hơn 95% trạm cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm, ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Tuy nhiên, vào mùa khô, nhiều khu vực như Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ,… vẫn thiếu nước cục bộ do chất lượng nguồn nước không ổn định. Trước thực trạng này, tỉnh triển khai nhiều giải pháp như: vận chuyển nước sạch đến điểm tập kết, hỗ trợ người dân xây bể trữ nước mưa, trang bị máy lọc nước, mở rộng tuyến ống cấp nước, lắp đặt thiết bị tại trạm để ứng phó mùa hạn.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Long An (cũ) đầu tư 250 tỉ đồng từ nguồn xổ số kiến thiết để xây dựng và nâng cấp 34 công trình cấp nước, trong đó 31 công trình đã hoàn thành. Cùng thời gian này, tỉnh Tây Ninh (cũ) cũng đầu tư 61,9 tỉ đồng nâng cấp 8 công trình cấp nước. Trong năm 2025, tỉnh dự kiến đầu tư tiếp 10 công trình (gồm 8 chuyển tiếp và 2 xây mới). Đáng chú ý, giai đoạn 2026-2030, Tây Ninh đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 12 công trình với tổng vốn gần 849 tỉ đồng, thể hiện quyết tâm cải thiện hạ tầng cấp nước một cách căn cơ, bài bản.

Cùng với đầu tư công, tỉnh cũng tích cực kêu gọi xã hội hóa với hàng loạt dự án lớn như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ Vinh mở rộng Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây lên 80.000m3/ngày; Biwase - Long An tăng công suất xử lý nước tại Nhị Thành lên 60.000m3/ngày; Aqua One đầu tư nhà máy nước mặt sông Vàm Cỏ Đông với công suất lên đến 500.000m3/ngày; Tập đoàn Thành Long triển khai nhà máy nước sạch tại Đức Hòa, công suất 300.000m3/ngày. Đây đều là các dự án quy mô lớn, sử dụng nguồn nước mặt ổn định, góp phần giảm áp lực khai thác nước ngầm và nâng cao chất lượng nước sạch cấp đến người dân.

Nhìn chung, các chương trình cấp nước đã góp phần giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt ở các “điểm nóng” như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Châu, Tân Biên. Hệ thống công trình cấp nước tại các địa phương từng bước được vận hành ổn định, chất lượng nước được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được chú trọng. Người dân dần thay đổi thói quen sử dụng, biết cách bảo quản nguồn nước, chủ động trang bị thiết bị lọc nước, bể chứa. Chính sách hỗ trợ giá nước sạch, hỗ trợ lắp đặt thiết bị xử lý nước hộ gia đình cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nước sạch dễ dàng hơn.

Phấn đấu 100% người dân nông thôn sử dụng nước sạch vào năm 2045

Thi công đường ống, đưa nước sạch về các xã vùng sâu

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, thực trạng cấp nước nông thôn ở Tây Ninh vẫn đối mặt không ít khó khăn. Nhiều công trình cấp nước quy mô nhỏ (dưới 300 hộ) chiếm tỷ lệ cao, khó bảo trì, vận hành hiệu quả. Hầu hết công trình do cộng đồng hoặc UBND xã quản lý thiếu chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu nên hoạt động không bền vững.

Chất lượng nước ở một số trạm xuống cấp do công trình đã sử dụng hơn 15 năm, công nghệ xử lý lạc hậu. Mô hình quản lý cộng đồng chưa chuyên nghiệp, việc kiểm tra, bảo trì, giám sát chất lượng nước còn lỏng lẻo. Song song đó, khung giá nước sạch hiện hành (tối đa 11.000 đồng/m3) chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư do chi phí đầu tư cao, địa bàn cấp nước rộng, hạ tầng kỹ thuật yếu kém. Một số nơi việc phân phối nước còn qua nhiều trung gian làm tăng giá bán lẻ, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc quy hoạch vùng cấp nước chưa được triển khai, gây lúng túng trong công tác đầu tư. Nhiều xã chưa đưa quy hoạch đất xây dựng công trình cấp nước vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, thiếu cơ sở pháp lý để triển khai.

Thông tin từ Trung tâm Thủy lợi và Nước sạch tỉnh Tây Ninh, để từng bước hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch, bảo đảm cung cấp nước an toàn, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh tập trung một số nhóm giải pháp trọng tâm như rà soát, phân loại lại toàn bộ tài sản hạ tầng cấp nước; cập nhật bộ chỉ số, thống kê đánh giá hiệu quả các công trình; nâng cao hiệu quả giám sát chất lượng nước, tăng cường chế tài đối với đơn vị cấp nước không đáp ứng quy chuẩn; sớm ban hành quy hoạch vùng cấp nước tỉnh Tây Ninh, tích hợp chỉ tiêu về chất lượng sống, sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số tiếp cận nước sạch; ưu tiên khai thác nước mặt thay cho nước ngầm.

Tây Ninh đặt mục tiêu nâng tỉ lệ sử dụng nước sạch toàn tỉnh năm 2025 lên ít nhất 75%

Đồng thời, tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030, tập trung công trình quy mô lớn, liên huyện; tranh thủ các nguồn lực quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức nước ngoài để xây dựng công trình ứng phó hạn, mặn; xử lý nước lợ, nước mặn thành nước ngọt; trữ và sử dụng nước mưa hiệu quả. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến, phát triển mô hình xử lý nước hộ gia đình, khai thác năng lượng tái tạo trong xử lý và cấp nước, tiếp tục tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án cấp nước quy mô lớn; rà soát, xử lý nghiêm các nhà đầu tư không tuân thủ cam kết dịch vụ cấp nước; đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi sử dụng nước sạch; triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giá nước và thiết bị xử lý nước hộ gia đình theo Nghị quyết HĐND tỉnh.

Nước sạch không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là yếu tố then chốt nâng cao chất lượng sống, bảo vệ sức khỏe, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong bảo đảm cấp nước sạch cho người dân là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm hướng đến một tương lai phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng hành từ cộng đồng và doanh nghiệp, mục tiêu bảo đảm 100% người dân nông thôn sử dụng nước sạch vào năm 2045 theo Chiến lược quốc gia là hoàn toàn khả thi./.

Nước sạch không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là yếu tố then chốt nâng cao chất lượng sống, bảo vệ sức khỏe, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong bảo đảm cấp nước sạch cho người dân là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm hướng đến một tương lai phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/nuoc-sach-cho-moi-nha-huong-toi-cap-nuoc-an-toan-ben-vung-a199332.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm