Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗ lực tăng tốc về đích

Tính trong 6 tháng đầu năm 2025, GRDP siêu đô thị TPHCM (sau hợp nhất TPHCM, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) đạt 7,49%. Với tỷ lệ này, trong 6 tháng cuối năm, TPHCM phải nỗ lực rất lớn để đạt chỉ tiêu kế hoạch là 8,5%, tức 2 quý còn lại của năm phải đạt tăng trưởng (ít nhất) trên 10%.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng10/07/2025

Trong tình hình thế giới tiếp tục có những bất ổn, mức 20% thuế đối ứng hàng Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ, do Tổng thống Donald Trump công bố, sẽ tác động lên từng ngành hàng, nhất là những ngành chủ lực của Việt Nam - TPHCM như điện tử, giày dép, dệt may với từng mức thuế và tương quan của các nước có sức cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam ở những ngành chủ lực vừa nêu...

Tiếp đến là mức thuế 40% cho hàng hóa trung chuyển sẽ tác động như thế nào, nên được nhận diện rõ những điều khoản cơ bản về cái gọi là “transshipment” để có sự ứng phó linh hoạt. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia hưởng ưu đãi thuế phải có quy trình sản xuất toàn bộ, hoặc hầu hết toàn bộ (trừ một số loại hàng hóa được miễn trừ) tại chính quốc gia đó. Hay thông tin về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu phải trung thực, không có gian lận về toàn bộ quy trình sản xuất. Như vậy, những nhà sản xuất “mượn đường” hoặc sẽ chấm dứt các dự án, hoặc sẽ phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư sản xuất thực tế ở Việt Nam cũng như thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất nội địa?

Riêng con số 0% thuế hàng Mỹ vào Việt Nam dù là cơ hội để Việt Nam tiếp cận công nghệ và sản phẩm chất lượng cao từ những nhà sản xuất Mỹ với chi phí thấp hơn, nhưng đây là một bài toán lớn. Nó không chỉ ảnh hưởng về thương mại mà còn có tác động quan trọng về đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng, công nghệ, con người. Vì vậy, chọn lựa tối ưu vẫn là nội lực đất nước phải được đánh thức thực sự. Cụ thể phải làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và kinh tế đêm.

Thực tế, trong 6 tháng đầu năm qua, khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất (8,58%) vào mức tăng GRDP. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 654.279 tỷ đồng, tăng 15,8%. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tổng thu tăng 27,3%. Trong 6 tháng còn lại, điểm nhấn đang được chờ đợi, kỳ vọng nhất là lễ hội 80 năm thành lập nước. Với không gian rộng lớn hơn (trên phạm vi cả nước và thành phố mới sau sắp xếp đơn vị tổ chức hành chính), sức hút du lịch - dịch vụ - tiêu dùng tiếp tục là cơ hội bứt phá cho TPHCM, với phần “hội” đã được minh chứng có đóng góp giá trị quan trọng vào tăng trưởng kinh tế qua lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong 3 tháng trước.

Bên cạnh đó, kết quả giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm tương đối khá với hơn 31.716 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 37,1% tổng kế hoạch, cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ, đồng thời vượt 10% so với kế hoạch đề ra. Tổng đầu tư xã hội bao gồm đầu tư công và đầu tư tư đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nhiều dự án được tháo gỡ, đưa nguồn vốn lưu thông thị trường - minh chứng cho những nỗ lực về “gỡ” và “mở” của chính quyền thành phố. Thí điểm tạo “luồng xanh” 10 dự án ưu tiên cho đầu tư công và tư cùng một chương trình “máy cắt” để giảm mạnh những thủ tục hành chính nên là ưu tiên hành động.

Với không gian phát triển mới, tiềm lực sẵn có và sự kết nối liên vùng của siêu đô thị TPHCM, hạ tầng giao thông và bài toán huy động nguồn lực đang có tính hấp dẫn, khả thi cao. Từ các tuyến metro, tuyến đường vành đai, đường cao tốc, hệ thống giao thông thủy tuyến sông Sài Gòn - Đồng Nai… chắc chắn là “đòn bẩy” có sức bật lớn.

Những định chế mới trong tư thế sẵn sàng vận hành như trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm dịch vụ đa năng, trung tâm dữ liệu lớn đi cùng chính sách, bộ máy, con người sẽ tạo “đường dẫn” để hình thành những khu phức hợp về triển lãm, dịch vụ tương thích với từng đô thị vệ tinh như: khu Nam Sài Gòn, Thủ Dầu Một - Tân Uyên, khu du lịch phức hợp Hồ Tràm - Vũng Tàu…

TPHCM sẽ tăng tốc cho những dự án năng lượng tái tạo, cho không gian phát triển dịch vụ kinh tế biển với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, đặc khu Côn Đảo. Bên cạnh đó, chiến lược chuyển đổi xanh, chuyển đổi số từ giao thông, năng lượng, đến tiêu dùng sẽ được tính toán, triển khai trong sức mạnh hợp nhất về không gian, hạ tầng, con người, thể chế.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/no-luc-tang-toc-ve-dich-post803152.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm