Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu con dấu và thiết bị

Sau khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, do chưa thành lập các đơn vị trực thuộc hoặc vừa mới thành lập nên nhiều cơ quan, đơn vị ở một số tỉnh, thành vẫn chưa có đầy đủ con dấu hoặc thiếu thiết bị, nhân sự khiến cho các lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến đất đai, chưa thông suốt.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng07/07/2025

Người dân ngóng từng ngày

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân vẫn còn những vướng mắc. Anh Phan Tấn Vũ (ngụ xã Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Chiều 4-7 tôi nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đức Trọng để làm thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Dù hồ sơ đầy đủ các loại giấy tờ nhưng bộ phận tiếp nhận thông báo chưa có con dấu nên cung cấp giấy hẹn trả kết quả vào ngày 16-7 trong khi thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định là 8 ngày làm việc”.

H4a.jpg
Người dân được hướng dẫn làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường Lâm Viên - Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) chiều 4-7. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tương tự, bà Nguyễn Mỹ Hằng (ngụ xã Hàm Liêm, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: “Vừa qua tôi có đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết để nộp hồ sơ xin xóa thế chấp vay ngân hàng nhưng bị từ chối do các đơn vị chưa có hướng dẫn cụ thể. Người dân mong chính quyền địa phương mới sớm có giải pháp cụ thể, đảm bảo nhu cầu và lợi ích chính đáng của người dân”.

Tình trạng trên xảy ra ở tất cả các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ngày 3-7, tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định thành lập các đơn vị, sở ngành, bổ nhiệm người đứng đầu, trong đó có Sở NN-MT tỉnh Lâm Đồng. Sau khi thành lập cấp sở, hiện vẫn chưa thành lập các đơn vị trực thuộc, trong đó có Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng nên chưa có con dấu mới.

Ghi nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường Lâm Viên - Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), từ ngày 1-7, trung tâm này đã tiếp nhận xử lý 164 bộ hồ sơ của người dân. Chiều 4-7 có khá đông người dân đến làm các thủ tục hành chính, đối với các thủ tục tư pháp - hộ tịch, văn hóa xã hội thường được giải quyết xong cho người dân ngay trong ngày nhưng một số phòng do vừa thành lập, hồ sơ mới trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp con dấu nên vẫn chưa thông suốt. Ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Lâm Viên - Đà Lạt cho biết: “Riêng đối với các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép xây dựng, địa chính cần có thêm thời gian để kiểm tra, thẩm định nên hồ sơ chưa thể trả liền cho người dân. Tuy nhiên chúng tôi cũng nỗ lực đẩy nhanh nhất các thủ tục, tránh để người dân phải đi lại nhiều lần”.

Tại một số địa phương ở Gia Lai, khó khăn trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là do thiếu cán bộ đo đạc và máy đo. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch UBND xã Gào, tỉnh Gia Lai cho biết: “Từ khi bộ máy xã mới hoạt động chính thức, địa phương chưa nhận giải quyết cấp sổ đỏ mới do hiện nay còn thiếu nhân lực đo đạc và thiếu dụng cụ, máy đo”.

Nỗ lực tháo gỡ

Ông Trần Duy Hùng, nguyên Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận (cũ) cho biết, sau khi sáp nhập, trụ sở hành chính đặt tại phường Xuân Hương - Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nên để thuận tiện cho việc giải quyết các thủ tục đất đai cho người dân tỉnh Bình Thuận trước đây, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận (cũ) vẫn tiếp nhận các hồ sơ cấp, đổi sổ, đăng ký quyền sử dụng đất cho người dân. Tuy nhiên, do hiện đơn vị này chưa được cấp con dấu riêng nên trước mắt sẽ chỉ tiếp nhận hồ sơ của người dân, chờ các hướng dẫn tiếp theo của cấp trên.

Tương tự, ông Phan Sỹ Triển, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đà Lạt cho biết: “Trước đây mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 100 bộ hồ sơ liên quan nhưng từ đầu tháng 7 đến nay đơn vị tiếp nhận ít hơn, một phần do người dân nắm được thông tin đơn vị chúng tôi chưa được cấp con dấu mới. Đối với những người đã nộp hồ sơ, chúng tôi hướng dẫn, tiếp nhận, kiểm tra toàn bộ để rút ngắn thời gian, khi nào có con dấu sẽ hoàn tất và trả hồ sơ cho người dân sớm nhất có thể”.

Tại tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Xuân Tây, Chủ tịch UBND phường Nha Trang, cho biết: Trung tâm Phục vụ hành chính công phường đã hoạt động trơn tru ngay từ ngày đầu chính thức vận hành chính quyền 2 cấp. Hiện nay còn tồn đọng lượng lớn hồ sơ liên quan đến đất đai, 15 cán bộ đã được bố trí tại Trung tâm để đảm bảo tiếp nhận, trả kết quả cho người dân. Ngoài việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, các cán bộ cũng chủ động hướng dẫn người dân làm thủ tục trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian đi lại, công sức cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam, một chính quyền tinh gọn, đồng bộ, chuyên nghiệp và có khát vọng là hình ảnh Khánh Hòa hướng tới. Toàn bộ hệ thống hành chính vận hành theo hướng “tăng tốc - kết nối - hiệu quả”. Trong đó, chuyển đổi số, chính quyền không giấy tờ và xử lý văn bản 2 cấp trên môi trường điện tử là mũi nhọn cần bứt phá mạnh mẽ. “Không chỉ là bài toán công nghệ, đây là cuộc cách mạng tư duy quản trị, là phép thử về tốc độ, quyết tâm và sự gắn kết hành động trong toàn hệ thống”, ông Trần Quốc Nam khẳng định.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/no-luc-khac-phuc-tinh-trang-thieu-con-dau-va-thiet-bi-post802866.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm