Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗ lực giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em miền núi

Mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi tại các xã miền núi ở địa bàn thành phố Đà Nẵng đang được nhiều địa phương nỗ lực triển khai.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng08/07/2025

Trẻ em huyện Nam Trà My được khám và thực hiện các tầm soát để tiến hành tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh sởi. Ảnh: ÁNH MINH
Trẻ em địa bàn miền núi cần được chăm sóc và theo dõi để cải thiện thể trạng cũng như ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: X.HIỀN

Nguồn lực từ dự án

Năm 2024, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở các xã địa bàn miền núi như Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Trà Tập, Trà Tân... khoảng 20,2%. Đây là tỷ lệ ở mức cao so với mặt bằng cả nước và các xã ở đồng bằng.

Trước khi sáp nhập tỉnh, Quảng Nam đặt mục tiêu giảm 2% tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi tại các huyện nghèo.

Tuy nhiên, báo cáo 6 tháng đầu năm của ngành y tế cho thấy, hiện nay các mục tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cho trẻ em dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhẹ cân vẫn chưa thực hiện được.

Đại diện Trung tâm Y tế Nam Trà My cho biết, hiện nay y tế cơ sở ở vùng cao vẫn còn nhiều hạn chế, từ trang thiết bị, thuốc men cho đến nhân lực. Điều này khiến việc triển khai các hoạt động về dinh dưỡng gặp khó khăn.

Cụ thể, cán bộ ít được tập huấn, đào tạo, thường xuyên phải luân chuyển, chưa kể hiện đội ngũ y tế thôn bản kiêm nhiệm rất nhiều công việc.

Một cán bộ y tế xã Trà Tập cho hay, trẻ em vùng cao hiện vẫn chưa đảm bảo về dinh dưỡng hàng ngày do điều kiện kinh tế còn khó khăn, bữa ăn hàng ngày của trẻ chủ yếu là cơm, rau rừng và rất ít thịt cá. Việc bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày là thách thức không nhỏ.

Trước đây, hoạt động cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em chủ yếu được thực hiện từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đại diện Sở Y tế cho biết, ngành này cử cán bộ tham gia giám sát hoạt động cải thiện dinh dưỡng tại các địa phương; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã của 2 địa phương Nam Trà My, Bắc Trà My.

Dự án 7 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với nội dung chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Đây là điều kiện để các xã địa bàn miền núi có nguồn lực cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Dự án 7 tập trung triển khai mô hình “1.000 ngày đầu đời” cho trẻ nhỏ và bà mẹ mang thai ở các địa bàn miền núi; triển khai hệ thống cân đo, khám sàng lọc, cấp vi chất dinh dưỡng cho trẻ 6 tháng đến 59 tháng tuổi. Mục tiêu giảm 2% tỷ lệ thấp còi từ mức 20,2% năm 2024 xuống còn 20%, đồng thời tăng 7-10% trẻ ăn bổ sung và đảm bảo 80% hộ nghèo có vi chất khi cần.

Dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em

Tháng 3/2025, Quảng Nam là tỉnh thành thứ 62 trên cả nước triển khai Chương trình dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em. Đây là sáng kiến quốc gia được triển khai từ năm 2020 bởi Cục Bà mẹ và trẻ em - Bộ Y tế, phối hợp với Ajinomoto Việt Nam và Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện.

Nhân viên y tế thăm khám cho trẻ em Nam Trà My - địa phương từ đầu năm đến nay xuất hiện nhiều ca sốt phát ban nghi sởi. Ảnh: ÁNH MINH
Ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm từ việc chủ động tiêm vắc xin theo độ tuổi và bổ sung viên đa vi chất là yêu cầu đặt ra để cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ miền núi. Ảnh: X.HIỀN

Mục tiêu của chương trình nhằm hướng đến chăm sóc dinh dưỡng toàn diện cho bà mẹ mang thai, cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc và sức khỏe người Việt. Đây cũng là hoạt động nằm trong “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn năm 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.

Phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi” được triển khai ở dịp này. Phần mềm cung cấp ngân hàng thực đơn đa dạng hơn 2.000 món ăn theo chuẩn Viện Dinh dưỡng. Đây cũng được xem là công cụ theo dõi cân nặng - chiều cao, đánh giá tổng hợp về dinh dưỡng và vận động. Phần mềm cũng hỗ trợ cá nhân hóa thực đơn phù hợp giai đoạn phát triển, khẩu vị và điều kiện mua sắm của mỗi gia đình.

Theo thông tin từ Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn 2014 - 2024, Đà Nẵng đã đưa tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 14% vào năm 2014 xuống còn 12,3% vào năm 2024. Điều này phản ánh những nỗ lực trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em.

Được biết, hiện các xã vùng núi đang thực hiện chương trình phân bổ lại viên đa vi chất sử dụng cho phụ nữ có thai theo sự chỉ đạo của Viện Dinh dưỡng. Việc tối ưu hóa cấp vi chất cho trẻ 6 tháng đến 59 tháng, lan rộng theo mục tiêu của dự án 7 cần thiết được tiếp tục ở địa giới hành chính mới. Hệ thống theo dõi định kỳ, cập nhật theo từng quý để điều chỉnh chính sách linh hoạt cũng là điều các địa phương miền núi trăn trở để nâng cao thể trạng và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ miền núi.

Nguồn: https://baodanang.vn/no-luc-giam-suy-dinh-duong-o-tre-em-mien-nui-3265201.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm