Niềm vui công trình mới
Nhà sinh hoạt văn hóa tổ dân phố Nam Giang 1 (phường Bắc Giang) hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2024, thiết kế hiện đại với 250 chỗ ngồi, khu sân có mái vòm vững chắc cùng các hạng mục phụ trợ tiện ích. Tổng kinh phí xây dựng công trình hơn 4,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, phần còn lại do Nhân dân và các nhà hảo tâm đóng góp. Bà Hà Thị Sáp, Bí thư Chi bộ tổ dân phố cho biết: “Trước đây, nhà văn hóa cũ chật hẹp, xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Được cấp trên quan tâm đầu tư, bà con rất phấn khởi, sẵn sàng góp thêm kinh phí để sớm hoàn thành công trình”.
Nhà văn hóa thôn Tân Thiếp (xã Lạng Giang) đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. |
Giờ đây, nhà văn hóa không chỉ là nơi hội họp, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn là không gian sinh hoạt, giao lưu văn nghệ, luyện tập thể thao, nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần của người dân.
Quay trở lại quãng thời gian trước, thực hiện Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2022-2024, UBND thành phố Bắc Giang (cũ) đã bố trí ngân sách hỗ trợ tối đa 95% kinh phí xây mới nhà văn hóa (không quá 3,5 tỷ đồng/công trình) và 2 tỷ đồng/công trình sửa chữa. Trong 3 năm, địa phương đã xây mới, sửa chữa 127 nhà văn hóa, 30 sân thể thao với tổng kinh phí gần 530 tỷ đồng. Cùng đó, các phường, xã tích cực huy động xã hội hóa, mỗi hộ dân đóng góp bình quân từ 300 - 800 nghìn đồng; nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ hoạt động.
Bà Lê Thị Kiểm, Chủ tịch UBND phường Tân Tiến cho biết: “Cùng với kinh phí của Nhà nước, địa phương chủ động bố trí quỹ đất, vận động thêm nguồn lực để xây dựng, mở rộng thiết chế văn hóa, thể thao. Hiện các tổ dân phố của phường đều có nhà văn hóa khang trang, trang thiết bị đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt cộng đồng.”
Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên nguồn kinh phí xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa ở phường, xã, thôn, tổ dân phố. Ví như ở tỉnh Bắc Giang (cũ), 10 năm qua, từ nguồn ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa, cấp xã đã phân bổ hơn 440 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa 166 nhà văn hóa; cấp thôn được bố trí hơn 1,8 nghìn tỷ đồng nâng cấp, xây dựng hơn 1,8 nghìn nhà văn hóa. Đến tháng 6/2025, hầu hết thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh có nhà văn hóa, trong đó gần 95% công trình đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Với cách làm công khai, minh bạch và sự vận động khéo léo của thôn, tổ dân phố, người dân, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp, ủng hộ tiền để xây dựng các công trình. Điển hình như thôn Bưởi (xã Cẩm Lý), ngoài phần kinh phí Nhà nước, người dân còn đóng góp hơn 1 tỷ đồng để làm nhà văn hóa đa năng với đầy đủ trang thiết bị. Tại tổ dân phố Lai (phường Việt Yên), nhà văn hóa mới cùng sân chơi, khuôn viên rộng đẹp nhanh chóng hoàn thành. Công trình do Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
Đối với Bắc Ninh (cũ), tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh có gần 84% nhà văn hóa thôn, khu phố đạt chuẩn. Tiêu biểu như thôn Chi Hồ (xã Tân Chi) được đầu tư nguồn kinh phí lớn xây dựng khu liên hợp văn hóa - thể thao trên diện tích 30 nghìn m², gồm nhà văn hóa với 500 chỗ ngồi, hồ điều hòa, sân bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi… Cùng đó, tỉnh đã xây dựng 11 nhà chứa quan họ tại các làng quan họ, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc, nơi lưu giữ và lan tỏa di sản quý báu. Các chính sách, đề án phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh được cụ thể hóa qua nhiều giai đoạn, góp phần huy động nguồn lực, từng bước nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.
Sôi nổi hoạt động, lan tỏa phong trào
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng hiện đại không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở phát triển mạnh mẽ. Theo Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh), các thôn, tổ dân phố đã kiện toàn ban chủ nhiệm để quản lý, xây dựng nội quy tổ chức và hoạt động nhà văn hóa. Khoảng 60% nhà văn hóa mở cửa hằng ngày phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Đa số các công trình được khai thác, phát huy tốt công năng sử dụng, không chỉ là nơi diễn ra các cuộc họp, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn là nơi trẻ em vui chơi, thanh thiếu niên chơi bóng chuyền, bóng đá; phụ nữ, người cao tuổi tập dưỡng sinh, khiêu vũ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, thời gian tới, các phường, xã cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao bảo đảm đạt chuẩn theo quy định. Các thôn, bản, tổ dân phố tăng hiệu quả quản lý, sử dụng công trình, đa dạng hoạt động, nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở, thu hút người dân tham gia. |
Tại thôn Chi Hồ, xã Tân Chi, khu liên hợp văn hóa - thể thao hằng ngày sôi động với các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền hơi, dưỡng sinh, dân vũ, hát quan họ, giao lưu thơ... Bà Đỗ Thị Hồ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dưỡng sinh người cao tuổi thôn chia sẻ: “Có không gian sinh hoạt rộng rãi, sạch đẹp, hơn 100 thành viên câu lạc bộ duy trì luyện tập đều đặn, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa gắn kết tình cảm. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của thôn phát triển mạnh mẽ, đời sống tinh thần người dân ngày càng được nâng lên”.
Cơ sở vật chất khang trang đã tạo điều kiện cho gần 4 nghìn câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng và hơn 3,8 nghìn câu lạc bộ thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh hoạt động sôi nổi. Nhiều công trình trở thành “ngôi nhà chung” phục vụ hội họp, tổ chức việc hiếu, hỉ, giúp người dân tiết kiệm chi phí, xây dựng nếp sống văn minh. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Năm 2024, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) đều có hơn 94% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, nhất là tại các địa bàn khó khăn. Đồng thời ưu tiên xây dựng nhà hát nghệ thuật truyền thống, rạp chiếu phim chất lượng cao và các thiết chế văn hóa trong khu công nghiệp. Cùng với ngân sách nhà nước, tỉnh chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa để tăng nguồn lực đầu tư và khai thác tối đa hiệu quả hoạt động. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao bảo đảm đạt chuẩn theo quy định. Ngành sẽ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng tham mưu, tổ chức các hoạt động hấp dẫn, hiệu quả. Các phường, xã chỉ đạo, hướng dẫn thôn, bản, tổ dân phố tăng hiệu quả quản lý, sử dụng công trình, đa dạng hoạt động, nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, thu hút đông đảo người dân tham gian.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/nhung-diem-hen-ket-noi-cong-dong-postid422116.bbg
Bình luận (0)